(SGTT) – Một hệ thống mới với tên gọi "e-Taste" có thể tái tạo hương vị thực phẩm trong môi trường thực tế ảo bằng cách phun hóa chất lên lưỡi người dùng.
- Người thường xuyên uống trà có thể giảm hấp thụ các kim loại nặng
- 10 sân bay có trải nghiệm ăn uống tốt nhất thế giới 2024

Theo báo cáo công bố ngày 28-2 trên tạp chí Science Advances, một nhóm kỹ sư nghiên cứu đã giới thiệu một hệ thống mang tên "e-Taste". Hệ thống này có thể phát hiện các hóa chất trong thực phẩm và truyền thông tin này theo giao thức không dây đến một thiết bị, từ đó, phân phối các hóa chất tương tự lên lưỡi người dùng.
Cụ thể, hệ thống sử dụng năm loại hóa chất ăn được, gồm glucose tạo vị ngọt, axit citric tạo vị chua, natri clorua tạo vị mặn, magie clorua tạo vị đắng và glutamate tạo vị umami (vị ngọt thịt). Theo đó, các hóa chất này được trộn vào gel bên trong thiết bị và được pha trộn trong các kênh siêu nhỏ. Tiếp đến, một bơm điện từ sẽ đưa hỗn hợp đến lưỡi thông qua một ống dẫn mềm, dạng ruy băng đặt trong miệng.
Nhằm đánh giá tính hiệu quả của e-Taste, ông Yizhen Jia, kỹ sư vật liệu tại Đại học Bang Ohio (Mỹ) và nhóm nghiên cứu đã cho 10 người tham gia phân biệt năm mức độ vị chua khác nhau do thiết bị tạo ra. Nhóm nghiên cứu tạo ra năm hương vị phức hợp, như nước chanh, bánh ngọt, trứng chiên, súp cá và cà phê dựa trên thành phần hóa học của chúng. Sáu người tham gia được huấn luyện nhận biết các hương vị này và đạt độ chính xác tổng thể gần 87%. Một số hương vị như nước chanh và bánh ngọt dễ nhận biết hơn so với các hương vị khác như trứng chiên.

Trước đây, đã có một số nghiên cứu thử mô phỏng vị giác thông qua kích thích điện lên lưỡi, nhưng tính hiệu quả vẫn chưa cao vì thực tế con người vẫn chưa hoàn toàn hiểu được cách thức hoạt động của lưỡi, và cách chúng cảm nhận vị giác.
Để khắc phục điều này, ông Yizhen Jia và nhóm nghiên cứu đã tích hợp khứu giác bằng cách sử dụng cảm biến khí và học máy. Nhóm nghiên cứu hướng đến các ứng dụng trong trò chơi thực tế ảo và thậm chí cả phục hồi giác quan, chẳng hạn như cho những người mất vị giác do COVID-19.
Tuy nhiên, có lẽ trở ngại lớn nhất là mức độ sẵn sàng của người dùng với việc đeo một thiết bị phun hóa chất lên lưỡi. "Chúng ta rất dè dặt khi đưa bất cứ thứ gì vào miệng. Hình dáng, cảm giác và sự thoải mái rất quan trọng. Đây là khía cạnh chính mà mọi người cần nghiên cứu thêm trong tương lai", ông Nimesha Ranasinghe, nhà khoa học máy tính tại Đại học Maine, Orono (Mỹ) nhận xét.
Theo Nikkei Asia, Dentsu, tập đoàn quảng cáo Nhật Bản, sẽ triển khai dự án ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) Tuna Scope để đánh giá chất lượng cá ngừ tại Indonesia vào đầu tháng 4-2025. Công nghệ này nhằm giảm thiểu sự phụ thuộc vào đánh giá chủ quan trong ngành thủy sản vốn lâu này kiểm tra cá ngừ bằng mắt thường.
Theo TTXVN, Nikkei Asia