(SGTT) - Trong thời gian qua, trên mạng xã hội Hàn Quốc đăng tải nhiều bài viết bằng tiếng Hàn cáo buộc vắc-xin phòng Covid-19 làm thay đổi DNA của con người.
- Bộ Y tế phê duyệt Bộ tự xét nghiệm nhanh kháng nguyên Covid-19 Panbio của Abbott
- Thêm chín người nhập cảnh ở TPHCM cần giải trình tự gene
Theo Sức khỏe và Đời sống, những bài viết này còn chia sẻ một hình ảnh cùng với tuyên bố đây là hình ảnh của "một con người bị biến đổi gene do vắc-xin phòng Covid-19". Bài viết này được đăng trên Facebook bằng tiếng Hàn với nội dung: "Transhuman: Con người lai biến đổi gene. Vắc-xin phòng Covid-19 làm thay đổi DNA của con người và nó sẽ tiêu diệt loài người".
Đi kèm với bài viết là một bức hình ghép so sánh một hình ảnh lưu trữ về ngô biến đổi gene với một bức ảnh có vẻ là một em bé bị dị tật ở miệng. Hình ảnh của bắp ngô đã được dán nhãn "GMO" hoặc sinh vật biến đổi gene. Còn hình ảnh em bé được phủ lên với dòng chữ "GMH" - từ viết tắt của con người biến đổi gene theo bài đăng.
Tuy nhiên, hãng thông tấn của Pháp AFP đã nhiều lần bác bỏ thông tin sai lệch về việc vắc-xin phòng Covid-19 thay đổi DNA của con người. Hãng thông tấn này đã chứng minh được hình ảnh được đăng trên trên các bài viết sai sự thật trên là một hình ảnh lấy từ kho ảnh Stock trước khi đại dịch diễn ra và đã được chỉnh sửa bằng kỹ thuật số.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) cũng lên tiếng rằng vắc-xin phòng Covid-19 không thay đổi hoặc tương tác với DNA của con người.
Cơ quan này giải thích thêm vật chất di truyền được cung cấp bởi vắc-xin mRNA không bao giờ đi vào nhân tế bào của cơ thể con người, đó là nơi DNA của con người được lưu giữ.
Vắc-xin phòng Covid-19 vector virus cung cấp vật chất di truyền đến nhân tế bào để cho phép tế bào của con người xây dựng khả năng bảo vệ chống lại Covid-19. Tuy nhiên, virus vector không có bộ máy cần thiết để tích hợp vật liệu di truyền của nó vào DNA của con người, vì vậy nó không thể thay đổi DNA của con người".
Bình Dương tạm ngưng công bố ca mắc Covid-19 mỗi ngày
Thời gian gần đây, ca mắc Covid-19 ở Bình Dương có xu hướng tăng cao nhưng địa phương này tạm thời ngưng công bố số ca mỗi ngày vì không còn phù hợp trong tình hình mới. Thêm nữa, có nhiều người nhiễm nhưng không khai báo dẫn đến số liệu không chính xác, không đánh giá đúng tình hình thực tế dịch bệnh, Người Lao động đưa tin.
BS. Huỳnh Minh Chín, Phó Giám đốc Sở Y tế Bình Dương, cho biết mặc dù thống kê số liệu ca mắc Covid-19 trong 7 ngày qua trên địa bàn có xu hướng tăng nhưng hầu hết không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ. Sở Y tế Bình Dương đang trình UBND tỉnh xem xét ra văn bản chính thức về việc tạm ngưng công bố ca mắc Covid-19 trên địa bàn.
Thời gian tới, Sở y tế Bình Dương phối hợp các địa phương chủ động nâng cao chất lượng điều trị Covid-19 ở các tầng kết hợp với chăm sóc F0 tại nhà, bảo đảm sẵn sàng đủ thuốc, oxy, vật tư chống dịch, vật tư xét nghiệm ở các tuyến.
Bên cạnh đó, trên tinh thần thích ứng, linh hoạt, sống chung an toàn với Covid-19, ngành chức năng Bình Dương thực hiện quản lý chặt nhóm nguy cơ cao để giảm tỉ lệ tử vong và biến chứng nặng.
Cà Mau: Cho phép F0 triệu chứng nhẹ, F1 nguy cơ cao đi làm
Theo Thanhnien.vn, ngày 16-3, tin từ Văn phòng Tỉnh ủy Cà Mau cho biết, nơi đây đã phát hành thông báo ý kiến của ông Nguyễn Tiến Hải, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng ban phòng, chống Covid-19 tỉnh Cà Mau, tại cuộc họp giao ban về chỉ đạo mới của tỉnh trong phòng, chống dịch Covid-19.
Thông báo có nhiều nội dung, trong đó có nội dung cho phép cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và các cơ sở sản xuất, kinh doanh, công ty, nhà máy, xí nghiệp, doanh nghiệp... là F0 không triệu chứng, triệu chứng nhẹ và F1 có nguy cơ, nguy cơ cao được đi làm việc, nhưng trên cơ sở tự nguyện, đảm bảo nguyên tắc không tiếp xúc với người khác.
Ngoài ra, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, công ty, nhà máy, xí nghiệp, doanh nghiệp... hỗ trợ người lao động xét nghiệm 2 lần/tuần, bố trí sản xuất, kinh doanh khoa học, hợp lý nhất và đảm bảo an toàn các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Đối với cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, giao thủ trưởng các cơ quan, đơn vị phân công công việc hợp lý, đảm bảo công tác phòng, chống dịch, tránh trường hợp lợi dụng dịch bệnh để nghỉ việc, ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng công việc.
Ngày 16-3: Số mắc mới Covid-19 tăng lên 180.558 ca
Theo bản tin phòng chống dịch Covid-19 của Bộ Y tế ngày 16-3, tính từ 16:00 ngày 15-3 đến 16:00 ngày 16-3, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 180.558 ca nhiễm mới, trong đó 6 ca nhập cảnh và 180.552 ca ghi nhận trong nước tại 62 tỉnh, thành phố.
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó là Vĩnh Phúc tăng 5.882 ca, Bình Dương tăng 1.991 ca và Bến Tre tăng 1.614 ca. Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 168.954 ca/ngày.
Về số bệnh nhân tử vong, từ 17:30 ngày 15-3 đến 17:30 ngày 16-3, cả nước ghi nhận 62 ca tử vong tại Đồng Nai (5), Hà Nội (5), Nghệ An (4), Bạc Liêu (3), Đà Nẵng (3), Gia Lai (3), Kiên Giang (3), Quảng Ninh (3), TP. Hồ Chí Minh (3), Bà Rịa - Vũng Tàu (2), Bắc Giang (2), Bình Dương (2), Cần Thơ (2), Điện Biên (2), Hậu Giang (2), Quảng Bình (2), Thái Nguyên (2), Vĩnh Long (2), An Giang (1), Bắc Kạn (1), Bình Định (1), Cà Mau (1), Đắk Lắk (1), Hải Phòng (1), Lâm Đồng (1), Lào Cai (1), Ninh Bình (1), Phú Yên (1), Tây Ninh (1), Thái Bình (1). Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 74 ca.
Minh Thảo tổng hợp