(SGTT) - Nỗi lo về vấn đề riêng tư được xem là trở ngại lớn nhất đối với việc ứng dụng rộng rãi công nghệ quét bàn tay.
Tập đoàn thương mại điện tử Amazon (Mỹ) được cho là đang thử nghiệm các máy quét có thể nhận biết bàn tay người như một phương thức thanh toán bên trong cửa hàng. Công ty có kế hoạch giới thiệu hệ thống được gọi là “Orville” này tại một số cửa hàng thuộc Whole Foods Market vào đầu năm 2020 rồi mở rộng đến toàn bộ siêu thị Whole Foods còn lại ở Mỹ. Nhân viên tại các văn phòng của Amazon ở thành phố New York (Mỹ) đang sử dụng công nghệ này để mua những món hàng như bánh, nước uống từ một số máy bán hàng tự động được trang bị đặc biệt.
Bước đi khó tránh
Các bộ cảm biến công nghệ cao được sử dụng trong cuộc thí điểm dường như không yêu cầu người tiêu dùng chạm vào bề mặt quét. Họ sử dụng công nghệ thị giác máy tính (computer vision) và hình học chiều sâu (depth geometry) để xử lý và xác định hình dạng, kích thước của mỗi bàn tay được quét trước khi chấp nhận thanh toán bằng thẻ tín dụng dựa trên dữ liệu đã có trong hồ sơ. Các kỹ sư của Amazon đang nỗ lực cải thiện hơn nữa độ chính xác của hệ thống trước khi đưa nó vào sử dụng.
Orville sẽ cho phép khách hàng có tài khoản Amazon Prime quét bàn tay tại cửa hàng và gắn kết chúng với thẻ tín dụng hoặc thẻ ghi nợ. Orville được cho là có thể xử lý các khoản thanh toán trong chưa đến 300 mili giây, so với 3-4 giây cần thiết cho một giao dịch thẻ tín dụng thông thường. Với công nghệ mới này, người mua sắm thậm chí không cần mang theo điện thoại.
“Một số hình thức xác thực sinh trắc học là chuyện khó tránh nên đây là một dấu hiệu đầy hy vọng. Amazon đã đầu tư khá nhiều thời gian và tiền bạc vào công nghệ này nên sẽ là chuyện lạ nếu họ không ứng dụng nó”, ông Michael Jude, chuyên gia tại công ty nghiên cứu Stratecast/Frost & Sullivan (Mỹ), nhận định. Dù vậy, các chuyên gia nhận định hiện chưa rõ người tiêu dùng có hào hứng với chuyện quét bàn tay tại siêu thị Whole Foods hay không, nhất là khi đây không phải là điều gì đó quá mới mẻ.
Mười năm trước, một nhóm nghiên cứu đã viết về việc sử dụng nhận biết sinh trắc học bàn tay với thiết bị di động và ghi nhận đây là phương thức xác thực có độ chính xác đáng kể mà không cần sự tiếp xúc trực tiếp nào. Gần đây hơn, công ty PulseWallet (Mỹ) hồi năm 2014 đã trình làng giải pháp thanh toán không cần thẻ, sử dụng công nghệ sinh trắc học PalmSecure từ hãng Fujitsu Frontech North America. Công nghệ của PulseWallet, sau này được đổi tên thành Biyo, quét các mẫu vân đặc trưng trong lòng bàn tay của người tiêu dùng.
Tương tự, công ty thẻ tín dụng JCB ở Nhật Bản vào năm ngoái hé lộ một hệ thống cho phép người bán quét lòng bàn tay của khách hàng bằng điện thoại thông minh để xác nhận giao dịch. Hệ thống này không đòi hỏi thiết bị đặc biệt nào. Hãng Fujitsu, một công ty khác của Nhật, vào tháng 5 vừa qua cũng trình diễn công nghệ thanh toán sinh trắc học mới dùng để quét tĩnh mạch lòng bàn tay của khách hàng. Công ty hiện cung cấp công nghệ này thông qua các dịch vụ bảo mật ngân hàng và sẽ sớm đưa hệ thống này đến các siêu thị.
Ưu điểm và nỗi lo
Ông Rob Enderle, nhà phân tích chính tại công ty Enderle Group (Mỹ), cho rằng đối với nhiều người, quét bàn tay có lẽ là một giải pháp dễ chấp nhận hơn so với sự nhận biết khuôn mặt. Điều này hứa hẹn giúp công nghệ tự thanh toán tại các cửa hàng, siêu thị thêm phổ biến, từ đó tái định hình ngành bán lẻ.
Dù vậy, nỗi lo về vấn đề quyền riêng tư được xem là sự trở ngại lớn nhất đối với việc ứng dụng rộng rãi công nghệ quét bàn tay vì nó đòi hỏi liên kết cơ sở dữ liệu sinh trắc học của người sử dụng với phương thức thanh toán. “Chúng ta từng chứng kiến người tiêu dùng ngần ngại với công nghệ nhận biết khuôn mặt do nguy cơ bị giám sát và lập hồ sơ bất hợp pháp. Điều cần làm là siết chặt quy định pháp luật hoặc các tiêu chuẩn công nghiệp liên quan đến việc xử lý và sử dụng dữ liệu sinh trắc học trước khi phương thức này có thể trở nên phổ biến”, ông Daniel Elman, nhà nghiên cứu tại công ty Nucleus Research (Mỹ), cho biết.
Nguy cơ dữ liệu bị xâm phạm và sự thiếu sót về an ninh mạng cũng là những yếu tố đe dọa cản trở sự đón nhận của người tiêu dùng. “Các nhóm lừa đảo có thể sử dụng dữ liệu thu thập được để biết thêm nhiều thông tin về người liên quan và sử dụng dữ liệu đó để lừa đảo", ông Erich Kron, chuyên gia tại công ty KnowBe4 (Mỹ), cảnh báo. Vì thế, bà Stephanie Hare, một nhà nghiên cứu độc lập, khuyên người tiêu dùng không nên cung cấp dữ liệu sinh trắc học của mình vì nguy cơ dữ liệu này có thể bị đánh cắp.
Một số chuyên gia đã tìm cách trấn an khi nhấn mạnh đến khả năng bảo mật vượt trội của giải pháp quét bàn tay. “Nó tỏ ra an toàn hơn quét khuôn mặt hoặc vân tay do tính phức tạp, tồn tại lâu dài và tính độc nhất của cấu trúc tĩnh mạch của một cá nhân", ông Kron nhận định. Tuy nhiên, nỗi lo về khả năng bảo mật của hệ thống xác thực tĩnh mạch đã xuất hiện sau khi một số nhà nghiên cứu hồi cuối năm ngoái chứng tỏ họ có thể đánh bại được công nghệ này bằng một bàn tay giả.
Minh Huy (TechNewsWorld, New York Post)