(SGTT) – Làng dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp là một trong những làng Chăm cổ, với nghề truyền thống đã tồn tại từ bao đời. Cùng với làng gốm Bàu Trúc, nghề dệt ở đây từ lâu đã được coi là biểu tượng rực rỡ của nền văn hóa Champa xưa.
- Đến Ninh Thuận leo đỉnh Đá Đỏ, ngắm toàn cảnh vịnh Vĩnh Hy
- Trekking, tắm suối Ba Hồ giữa núi rừng Ninh Thuận
- Cắm trại, thư giãn bên suối Ô Căm giữa núi rừng Ninh Thuận

Theo Cổng TTĐT tỉnh Ninh Thuận, làng Mỹ Nghiệp thuộc thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận, cách quốc lộ 1A khoảng hơn 1 km về phía Đông. Cũng giống như làng gốm Bàu Trúc, ở Mỹ Nghiệp hầu như nhà nào cũng có khung dệt. Dọc trục đường chính dẫn vào làng có nhiều cơ sở dệt thủ công, vừa là nơi sinh hoạt gia đình, vừa sản xuất, kinh doanh phục vụ khách du lịch.

Nghề dệt ở Mỹ Nghiệp chủ yếu được truyền từ mẹ sang con gái, từ thuở nhỏ các bé gái đã được bà và mẹ chỉ dạy. Đàn ông trong làng thường phụ giúp các công đoạn như nhuộm sợi, lên go hoặc cắt may. Với người Chăm xưa, biết dệt là thước đo sự khéo léo và đảm đang của người phụ nữ.

Trước kia, thổ cẩm Chăm được dệt từ sợi bông trồng mỗi năm một vụ trên đất rẫy. Hiện nay, người dân chuyển sang dùng sợi công nghiệp để giảm công sức, nhưng các công đoạn thủ công như đánh ống, móc sợi, bắt go và tạo hoa văn vẫn đòi hỏi độ tỉ mỉ và kỹ thuật cao.

Tại Mỹ Nghiệp, người dân sử dụng hai loại khung dệt gỗ là khung dài dệt vải khổ hẹp và khung ngồi có đai lưng dành cho vải khổ rộng. Mỗi tấm vải hoàn thiện trong 2–3 ngày, tùy độ cầu kỳ. Với hoa văn phức tạp, hai thợ dệt phải phối hợp chính xác, chỉ một sai lệch nhỏ cũng có thể làm hỏng họa tiết.

Khâu nhuộm giữ vai trò quan trọng, đòi hỏi tay nghề và gu thẩm mỹ cao. Vải thường có nền đen – màu chủ đạo, lấy từ lá chùm bầu ngâm bùn non. Màu đỏ chiết từ mủ cây cánh kiến, màu xanh từ lá và vỏ tràm. Tất cả đều là nguyên liệu thiên nhiên, tạo nên bản sắc riêng cho thổ cẩm Chăm.
Hoa văn trên thổ cẩm Chăm vừa mang tính trang trí, vừa thể hiện các yếu tố văn hóa, tín ngưỡng và phân tầng xã hội. Thông qua đó, có thể nhận biết giới tính, độ tuổi hoặc vai trò của người sử dụng trong cộng đồng.

Hiện nay, nghề dệt vẫn được duy trì tại Mỹ Nghiệp, không chỉ phục vụ nhu cầu sinh hoạt mà còn góp mặt trong hoạt động du lịch địa phương. Du khách đến làng có thể quan sát quy trình dệt thủ công, tìm hiểu đời sống của cư dân Chăm và lựa chọn các sản phẩm thủ công làm quà lưu niệm.