Thứ ba, Tháng tư 29, 2025

Thăm bảo tàng duy nhất ở Việt Nam về lực lượng biệt động Sài Gòn

Du lịchHành trình - Điểm đếnThăm bảo tàng duy nhất ở Việt Nam về lực lượng biệt...
(SGTT) - Nằm trong căn nhà ba tầng xây từ năm 1963 trên đường Trần Quang Khải, quận 1, Bảo tàng Biệt động Sài Gòn – Gia Định là một trong số ít nơi tái hiện chân thực hoạt động của lực lượng từng chiến đấu ngay giữa lòng đô thị.
Ngôi nhà này từng là cơ sở quan trọng của lực lượng biệt động Sài Gòn trong thời kỳ kháng chiến, nơi trú ẩn, cất giấu vũ khí và chuẩn bị cho nhiều trận đánh lớn.
Từ cuối năm 2019, công tác xây dựng và sưu tầm hiện vật phục vụ bảo tàng được triển khai. Sau hơn ba năm chuẩn bị, ngày 27-8-2023, nơi đây chính thức mở cửa đón khách tham quan, giới thiệu một phần lịch sử hoạt động biệt động từng âm thầm diễn ra tại Sài Gòn.
Đây được xem là bảo tàng duy nhất tại Việt Nam về lực lượng biệt động Sài Gòn – Gia Định.
Hiện, bảo tàng trưng bày hàng trăm hiện vật gắn với quá trình hình thành và phát triển của lực lượng. Nổi bật là bộ sưu tập vũ khí, bom đạn từng sử dụng trong các trận đánh lớn, kèm hình ảnh, tư liệu về các cuộc tập kích – đặc biệt là cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968.
Tại không gian trung tâm, tấm bản đồ mô tả rõ các mũi tấn công chiến lược, giúp người xem hình dung quy mô và tổ chức của lực lượng biệt động.
Ngoài hiện vật chiến đấu, bảo tàng còn trưng bày nhiều vật dụng đời thường mà chiến sĩ từng dùng để ngụy trang và phục vụ hoạt động kháng chiến như lon sữa Guigoz, đèn dầu, bình nước, hộp thuốc…
Một số khúc gỗ được đục rỗng, ngụy trang làm vật dụng vận chuyển vũ khí vào nội thành phục vụ chiến đấu.
Đặc biệt, trong số hiện vật có chiếc máy đánh chữ từng đặt trong văn phòng tổng thống chính quyền Sài Gòn Nguyễn Văn Thiệu – do một cựu chiến binh trao tặng sau ngày đất nước thống nhất.
Bảo tàng còn giới thiệu các bộ sưu tập phương tiện cơ động, thiết bị liên lạc, vật dụng sinh hoạt hàng ngày, được sắp xếp theo chủ đề rõ ràng.
Mỗi hiện vật là một câu chuyện, giúp người xem hiểu thêm về quá trình hoạt động và sự hy sinh của lực lượng biệt động Sài Gòn gắn với những chiến công hào hùng.
Bảo tàng không chỉ lưu giữ chứng tích lịch sử mà còn là không gian giáo dục truyền thống, góp phần nuôi dưỡng tinh thần yêu nước cho thế hệ trẻ.

Hướng đến kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 – 30-4-2025), Sài Gòn Tiếp Thị giới thiệu đến bạn đọc chuỗi bài viết “Nghe Sài Gòn kể chuyện tháng Tư”, nhằm giới thiệu những điểm đến văn hóa, lịch sử tại TPHCM gắn liền với công cuộc đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước.

Tuyết Hồng - Thái Bảo

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục