(SGTT) - Việc đeo khẩu trang là bảo vệ chính mình và giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm cho người khác nếu chẳng may bản thân bị bệnh. Tuy nhiên, nếu đeo khẩu trang quá lâu hoặc không đúng cách có thể gây phản tác dụng, thậm chí khẩu trang có khả năng trở thành “ổ bệnh”. Chúng ta nên khắc phục như thế nào để vừa phòng bệnh vừa không ảnh hướng tới da?
- Thắc mắc mùa dịch: Khác biệt giữa các loại vắc-xin Covid-19 đang có hiện nay
- Béo phì, khớp gối và Covid-19
- Thắc mắc mùa dịch: Uống nước chanh sả gừng mỗi ngày có tốt không?
Để biết nguyên nhân và cách khắc phục các vấn đề da do đeo khẩu trang thường xuyên hoặc không đúng cách, Sài Gòn Tiếp Thị đã có cuộc trao đổi với TS.BS Ngô Minh Vinh, Phó Trưởng bộ môn Da Liễu, Trường Đại học Y Phạm Ngọc Thạch trong chương trình “Thắc mắc mùa dịch” dưới đây.
Nguyên nhân bị mụn, dị ứng khi mang khẩu trang
Theo bác sĩ Vinh, việc đeo khẩu trang y tế bị mụn là hoàn toàn có thể xảy ra. Nguyên nhân là do khi đeo khẩu trang nhiều quá, làn da mặt vốn đã nhạy cảm lại bị "bí thở", mồ hôi không thể thoát ra lỗ chân lông một cách dễ dàng được, vì vậy da dễ bị nhiễm khuẩn. Bên cạnh đó, vì chạy theo lợi nhuận, những chiếc khẩu trang kém chất lượng được làm từ chất liệu không tốt cũng có thể là một trong những nguyên nhân gây kích ứng da khi đeo khẩu trang y tế liên tục trong mùa dịch bệnh.
Đối với những những tình trạng da nhạy cảm, cơ địa dị ứng thì cần có những lưu tâm đặc biệt khi tiếp xúc với khẩu trang có thể đến từ kích thích cơ học, hóa chất hoặc dị ứng với các hóa chất được sử dụng trên sản phẩm hoặc lưu lại trong quá trình sử dụng.
Ngoài ra, với những người đeo khẩu trang quá chặt, làn da sẽ có các vết hằn sâu gây mất thẩm mỹ. Một số trường hợp có làn da mỏng, yếu cũng dễ gặp tình trạng này khi mang khẩu trang trong thời gian dài.
Biện pháp khắc phục là gì?
Theo lời khuyên của bác sĩ Vinh, bạn cần chọn mua khẩu trang có chất lượng tốt, nguồn gốc rõ ràng để biết được các cấu tạo và công dụng của những thành phần ấy, giúp bạn sử dụng khẩu trang sao cho hiệu quả nhất.
Với khẩu trang y tế, bạn chỉ nên sử dụng 1 lần rồi vứt vào thùng rác có nắp đậy. Đồng thời, bạn cần phải nhấn phần kẽm (đường viền phía trên khẩu trang) ôm sát vào sống mũi và kéo phần dưới khẩu trang sao cho bịt kín cả mũi lần miệng. Ngoài ra, để tránh da bị bí bách gây mụn, bạn nên mở khẩu trang ra sau khi đeo khoảng 3 đến 4 giờ để da dễ dàng hô hấp.
Việc đeo khẩu trang sẽ làm cho da mặt có xu hướng tiết dầu và bã nhờn nhiều hơn, nhất là trong điều kiện thời tiết nóng. Do đó, các chị em phụ nữ nếu có trang điểm thì chỉ nên dặm nhẹ thôi. Đồng thời, bạn ưu tiên chọn những dòng mỹ phẩm có tính kiềm dầu, kiểm soát dầu tối ưu nhất có thể.
Dù da bạn thuộc loại da nhờn thì vẫn luôn cung cấp độ ẩm tối thiểu cho làn da, chứ không chỉ phải áp dụng với da khô và da bình thường. Vì thế, bạn hãy sử dụng các sản phẩm chăm sóc da, giúp cung cấp và kiểm soát độ ẩm tốt cho làn da. Thực tế cho thấy, làn da khô vẫn bị tắc lỗ chân lông, vì có khả năng tiết nhiều bã nhờn hơn (khi điều kiện môi trường và cơ địa thay đổi), khiến cho mụn xuất hiện.
Việc đeo khẩu trang suốt ngày làm tích tụ nhiều bụi bẩn và bã nhờ trên bề mặt da. Vì thế, bạn cần thực hiện quy trình các bước tẩy trang hợp lý như: dùng nước tẩy trang, rửa bằng sữa rửa mặt, dùng mỹ phẩm cân bằng lại độ pH (thông thường là nước hoa hồng) và kem/serum dưỡng ẩm.
Đồng thời, nếu không nhất thiết phải đi ra ngoài, bạn nên ở yên trong nhà để không cần phải đeo khẩu trang, làm cho da được thông thoáng hơn.
Hiệp Trần