(SGTT) - Hằng ngày chỉ ở trong nhà, lặp đi lặp lại những công việc giống nhau, gặp những con người giống nhau là tình trạng chung của nhiều người khi TPHCM thực hiện giãn cách xã hội.
- Thắc mắc mùa dịch: Ở nhà đọc tin tức về Covid có ảnh hưởng tâm lý?
- Thắc mắc mùa dịch: Sau tiêm vắc-xin Covid-19 phải sốt mới đáp ứng tốt?
Thời điểm dịch bệnh đang diễn biến phức tạp như hiện tại, nhiều người được làm việc tại nhà để phòng chống lây lan dịch Covid-19. Tuy nhiên, ngoài những bất tiện do làm việc online, một số người còn e ngại rằng, nếu hằng ngày cứ ở trong nhà, thực hiện những công việc giống nhau mỗi ngày sẽ dẫn đến tâm trạng chán chường và hình thành các bệnh về tâm lý.
Trả lời với chương trình "Thắc mắc mùa dịch" của Sài Gòn Tiếp Thị, bác sĩ Chuyên khoa II Trần Minh Khuyên, khoa Tâm Thần kinh, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, đã giúp bạn đọc tháo gỡ những lo toan ấy.
Bác sĩ cho biết trong cuộc sống thường nhật, mọi người đều đã quen với việc đi làm mỗi ngày, nhưng trong thời gian giãn cách như hiện tại, mọi công việc đều cố gắng online hóa tại nhà. Đồng hồ sinh học của mọi người bị xáo trộn nên nhiều người sinh ra tâm lý buồn chán, mệt mỏi, căng thẳng, thậm chí là cáu gắt, đó cũng là các dấu hiệu của bệnh tâm lý.
Trước tình trạng ấy, bác sĩ Khuyên đã đưa ra một số giải pháp để khắc phục. Đầu tiên, đối với công việc, mọi người vẫn nên duy trì thói quen cũ, điều đó có nghĩa là "sao chép lại tất cả hành động, thói quen, cử chỉ, đến cả phong cách ăn mặc, thậm chí là bàn làm việc tại nhà giống nhất có thể với nơi làm việc", để mọi người có cảm giác đi làm thật sự. Điều này sẽ giúp cho đồng hồ sinh học của chúng ta không thay đổi quá đột ngột và mọi người sẽ có thời gian thích nghi với những thay đổi ấy.
Đối với công việc tại nhà, bác sĩ Khuyên nhắc nhở mọi người nên lập ra những kế hoạch trong ngày và làm mới kế hoạch đó mỗi ngày. Chẳng hạn như hôm nay, bạn có thể dành chút thời gian ra chơi với con cái, dọn dẹp lại nhà cửa, sắp xếp đồ đạc để không gian sống của chúng ta luôn đổi mới. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể cùng các thành viên trong nhà vui chơi cùng nhau những trò chơi nhỏ như đố vui, chơi cờ... Ngoài ra, bác sĩ cũng khuyên bạn nên tận dụng quỹ thời gian rảnh này cho những sở thích riêng của bạn như chơi đàn, đọc sách, ca hát...
Tất cả những điều trên sẽ giúp cuộc sống ở nhà trong thời gian giãn cách của bạn luôn thú vị, mới mẻ, điều đó sẽ giúp bạn và gia đình tránh được những tình trạng liên quan đến các bệnh về tâm lý.
Cũng trong chương trình "Thắc mắc mùa dịch" lần này, bác sĩ Khuyên cũng giải đáp lo lắng của nhiều người về vấn đề "Những bệnh nhân mắc chứng rối loạn thần kinh vận động, chứng Parkinson... có dễ bị mắc Covid-19 hơn người bình thường hay không?".
Bác sĩ cho biết theo góc độ khoa học, nhận định trên không đúng, đặc biệt đối với các bệnh lây lan do virus thì lại càng không liên quan đến các bệnh được kể trên. Nếu chẳng may, những người mắc những bệnh về tâm lý, tâm thần nhiễm Covid-19, đó là do họ không nhận thức hoặc không tuân thủ tốt các biện pháp phòng bệnh, đơn cử là nguyên tắc 5K của Bộ Y tế đưa ra, dẫn đến họ có các hành vì tiếp xúc nên bị mắc Covid-19.
Vì vậy, đối với các bệnh nhân mắc các bệnh lý kể trên, người nhà cần phải luôn theo dõi, quan sát để bệnh nhân không tiếp xúc với các nguồn lây nhiễm Covid-19.
Phùng My
Sài Gòn Tiếp Thị thông qua chuyên mục “Thắc mắc mùa dịch” sẽ là cầu nối để bác sĩ, chuyên gia y tế giải đáp các thắc mắc từ bạn đọc một cách nhanh chóng và chính xác. Bạn đọc có câu hỏi cần giải đáp hãy bình luận (comment) ngay dưới các bài viết thuộc chuyên mục này hoặc gửi mail về cho chúng tôi qua email admin@sgtiepthi.vn, hoặc gửi câu hỏi qua fanpage của báo.