(SGTT) - Việc phổ cập bơi cho học sinh luôn là một trong những vấn đề được các trường học ưu tiên hàng đầu.
- TPHCM tặng 1.000 tài khoản sách nói cho học sinh, sinh viên khó khăn
- Trao tặng hệ thống lọc nước và 100 suất học bổng STF-Phạm Phú Thứ cho học sinh hiếu học tại huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An.
Theo thống kê từ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), những năm gần đây, đuối nước vẫn là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em và người chưa thành niên tại Việt Nam, chiếm tới 7,7% tổng số ca tử vong do tai nạn thương tích.
Trong khi đó, một nghiên cứu từ Trường Đại học Y tế công cộng đã chỉ ra rằng, đuối nước xảy ra ở nhóm trẻ dưới 6 tuổi thường là do người lớn không giám sát, để trẻ chơi một mình. Còn với trẻ từ 6 đến 15 tuổi có thể biết bơi và đã nhận thức được mối nguy hiểm, nhưng do ham chơi nên đuối nước thường xảy ra ở những địa điểm xa nhà, như: ao, hồ, sông, biển…
Vùng sông nước phổ cập bơi cho học sinh
Tại Đồng bằng sông Cửu Long, do đặc điểm sông ngòi chằng chịt nên thường xuyên xảy ra tình trạng trẻ bị đuối nước, nhất là vào mùa mưa (từ tháng 5 cho đến tháng 11).
Theo thông tin của Sở LĐ-TB&XH tỉnh Đồng Tháp, từ đầu năm 2022 đến nay đã xảy ra 7 trường hợp trẻ đuối nước; năm 2021 đã có 18 trường hợp trẻ em đuối nước tại địa phương.
Tỉnh Tiền Giang từ năm 2021 đến nay có 13 trẻ đuối nước. Còn tỉnh An Giang, năm 2021 có 12 trường hợp và quý I năm 2022 có 4 trường hợp trẻ đuối nước…
Để giảm thiểu những tai nạn đuối nước đã cướp đi sinh mạng nhiều trẻ em, trong đó có học sinh, các địa phương tăng cường phổ cập bơi.
Đặc thù địa phương vùng sông nước, ngành Giáo dục tỉnh Đồng Tháp chú trọng thực hiện các giải pháp phòng, ngừa tai nạn đuối nước cho học sinh. Ban giám hiệu các trường phối hợp với các đơn vị hữu quan, vận động, khuyến khích học sinh tham gia các chương trình phổ cập bơi. Kết nối với phụ huynh tạo điều kiện để học sinh tham gia các lớp bơi lội do trường tổ chức hoặc phụ huynh tự tập bơi cho các em.
Tại TP Cao Lãnh (Đồng Tháp), trong năm 2022, sẽ có 89 lớp phổ cập bơi cho 2.225 trẻ trong độ tuổi từ 7 - 15; tổ chức hội thi bơi cho các em cấp thành phố. 100% các trường đã có hồ bơi đưa môn bơi vào chương trình giảng dạy ngoại khóa và chính khóa cho học sinh. Các trường tiểu học, THCS có hồ bơi thực hiện chương trình phổ cập bơi cho học sinh trong năm bảo đảm tỷ lệ học sinh biết bơi của trường đạt 80% trở lên.
Trường Tiểu học Phú Thuận A1 ở huyện Hồng Ngự, Đồng Tháp là một trong những đơn vị đi đầu về vấn đề này. Là một ngôi trường ở vùng sâu, vùng xa, gặp rất nhiều khó khăn về điều kiện hoạt động, nhưng trường lại rất chú trọng đến công tác phổ cập bơi cho học sinh.
Trường Tiểu học Phú Thuận A1 tập trung tuyên truyền đến các bậc phụ huynh và các em học sinh tham gia học bơi tại bể bơi của trường. Chương trình đã thu hút nhiều phụ huynh đăng ký cho con em tham gia học bơi để phòng tránh rủi ro khi xuống nước. Các em học sinh tham gia chương trình được giáo viên hướng dẫn các kỹ năng cơ bản về bơi, cách xử lý các tình huống nguy hiểm khi ở dưới nước, học kỹ thuật bơi…
Cô Phan Thị Tú Trinh, giáo viên của Tiểu học Phú Thuận A1, phát biểu: “Hằng năm, ở nước ta, có rất nhiều vụ chết đuối thương tâm, đặc biệt là đối với các em học sinh lứa tuổi mầm non, tiểu học. Nhất là vào mùa hè, nhu cầu vui chơi giải trí, đặc biệt là hoạt động bơi lội của trẻ em tăng cao do thời tiết nóng nực. Tuy nhiên, cùng với nhu cầu trên là những mối nguy hiểm luôn rình rập tính mạng của trẻ em”.
Trường Tiểu học Phú Thuận A1 hiện đã xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình phổ cập bơi phòng, chống đuối nước cho học sinh của trường năm 2022, qua đó góp phần giáo dục kỹ năng sống, giúp học sinh rèn luyện sức khỏe nhất là trong dịp hè.
Vận động, khuyến khích học sinh tham gia các chương trình phổ cập bơi
Mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã có công điện gửi các Sở GD&ĐT về việc tăng cường phòng, chống đuối nước cho trẻ em, học sinh. Theo đó, Bộ GD&ĐT đề nghị Giám đốc các Sở GD&ĐT tăng cường quán triệt, triển khai có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước đối với trẻ em, học sinh.
Đặc biệt, các Sở GD&ĐT phải chú trọng các nội dung chỉ đạo của Bộ GD&ĐT tại Công văn số 1562/BGDĐT-GDTC về tăng cường công tác phòng, chống đuối nước đối với học sinh. Các Sở GD&ĐT mở đợt cao điểm triển khai công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức để học sinh biết và tuân thủ các quy định về phòng, chống đuối nước, nhất là nhận biết các địa điểm tiềm ẩn nguy cơ đuối nước.
Song song với đó, triển khai, hướng dẫn việc phổ biến kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước đến từng trường học, lớp học trước khi học sinh nghỉ hè; đẩy mạnh phong trào dạy bơi, dạy kỹ năng an toàn cho học sinh trong trường học.
Ngoài việc mở đợt cao điểm dạy và phổ biến kỹ năng bơi lội cho học sinh, Bộ GD&ĐT cũng đề nghị các Sở GD&ĐT chỉ đạo tăng cường hơn nữa công tác phối hợp giữa nhà trường với gia đình, đoàn thể và chính quyền địa phương để quản lý, giám sát học sinh trong thời gian nghỉ học, nghỉ hè, bảo đảm an toàn, phòng, chống đuối nước.
Đặc biệt, các Sở GD&ĐT phải tham mưu UBND tỉnh, thành phố ban hành chương trình, kế hoạch, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất đảm bảo các điều kiện dạy, học bơi trong các cơ sở giáo dục. Đồng thời phải có chính sách hỗ trợ, giảm giá vé, chi phí học bơi, rèn luyện kỹ năng bơi an toàn, các dịch vụ liên quan cho học sinh.
Đinh Nam