(SGTT) - Nếu bạn nghĩ rằng mình vừa giảm cân sau một buổi tập thì đó có thể chỉ là tình trạng mất nước do đổ mồ hôi. Nhưng nếu bạn bước lên bàn cân và thấy cân nặng tăng, đó có thể là do tình trạng giữ nước (đôi khi xảy ra sau khi tập thể dục). Bài học rút ra là lượng nước (H2O) trong cơ thể sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến cân nặng của bạn và cũng trả lời cho câu hỏi "tại sao tôi lại dễ tăng cân như vậy?".
- Bản tin 360 độ sống khỏe: Chững cân và tái tăng cân sau khi đã giảm, nguyên nhân do đâu?
- Nguy hiểm khi uống thuốc tăng cân không rõ nguồn gốc
Theo nhà sinh lý học Jeffrey A. Dolgan "Nước chiếm khoảng 65% - 90% trọng lượng của một người, và sự thay đổi hàm lượng nước trong cơ thể có thể khiến cân nặng tăng thêm mỗi ngày". Đây là một trong những lý do chính khiến thuốc lợi tiểu trở nên phổ biến với tác dụng giảm cân bằng cách giảm lượng nước và loại bỏ chất thải khỏi cơ thể. Tuy nhiên, nên lưu ý rằng thuốc lợi tiểu sẽ không giúp bạn giảm lượng mỡ thừa và có thể gây ra các tác dụng phụ nghiêm trọng nếu sử dụng quá mức.
Tăng cân ngay sau khi tập luyện
Bạn đã bao giờ nhận thấy rằng ngay sau một buổi tập luyện cường độ cao (hoặc thậm chí một hoặc hai ngày sau đó) cân nặng của bạn thường có xu hướng tăng lên? “Điều đó là hoàn toàn bình thường, và nó không có nghĩa là bạn đang thực sự tăng cân”, Dolgan nói.
Theo Dolgan, trọng lượng cơ thể con người là sự kết hợp của cơ, mỡ, xương, não và đường dẫn truyền thần kinh, mô liên kết, máu, bạch huyết, khí đường ruột, nước tiểu và không khí trong phổi. Ngay sau một buổi tập luyện, tỷ lệ phần trăm khối lượng trong mỗi loại này có thể thay đổi đến 15%.
Tập luyện cường độ cao dẫn đến sự thay đổi cân nặng do các yếu tố như tình trạng hydrat hóa, viêm do những vết rách cực nhỏ trong các sợi cơ (hay còn gọi là đau cơ khởi phát chậm), hoặc thậm chí là lượng nước tiểu và máu. Vì vậy, nếu bạn thấy mình đang tăng cân trong khi vẫn tập thể dục và ăn uống lành mạnh thì đừng nên quá lo lắng, vì đó có lẽ không phải là loại tăng cân (tăng mỡ thừa) mà bạn nghĩ.
Tăng cân vì tập luyện sức mạnh
"Một nhận xét khá phổ biến khi mọi người nhìn vào bàn cân đó là cơ bắp nặng hơn chất béo, điều này là sai lầm. Một pound mỡ nặng bằng một pound cơ bắp. Tuy nhiên, thể tích cơ bắp dày đặc hơn thể tích mỡ nên nó nặng hơn" - Dolgan chia sẻ.
Theo Dolgan, nếu bạn bắt đầu thay đổi chế độ tập luyện bằng cách xây dựng khối lượng cơ bắp và giảm mỡ cơ thể, trọng lượng cơ thể của bạn có thể sẽ tăng lên trong khi tỷ lệ mỡ cơ thể vẫn giảm. Những thay đổi này diễn ra trong nhiều tuần và nhiều tháng (không phải chỉ vài giờ hay vài ngày) vì vậy sử dụng thang đo trong quá trình này là vô ích.
Tăng cân do khối lượng cơ bắp và chất béo
Như đã lưu ý ở trên, các con số trên bàn cân không thể cho bạn biết chính xác trọng lượng cơ thể của bạn là cơ bắp hay chất béo. Điều đó có nghĩa là nếu mục tiêu của bạn là cải thiện kết quả tập luyện thì đây không phải là công cụ tốt nhất để đo lường. Bên cạnh đó, việc liên tục kiểm tra cân nặng trong quá trình giảm cân có thể gây ra căng thẳng khi bạn luôn tự hỏi, "tại sao tôi lại tăng cân?" hoặc "tại sao tôi lại tiếp tục tăng cân?"
"Nếu bạn đang cố gắng cải thiện thể lực thì nên bỏ qua cân nặng và chú ý nhiều hơn đến các công cụ đo lường khách quan khác như chỉ số khối cơ thể (BMI) để theo dõi sự tiến bộ của mình" - Dolgan nói.
Mặc dù quản lý cân nặng có thể là một cách hiệu quả để theo dõi sự tiến bộ của bản thân, nhưng đó không phải là cách duy nhất. “Đừng ám ảnh với cân nặng”, Dolgan nói, “Giảm cân không có nghĩa là bạn khỏe mạnh hơn, mà nó chỉ có nghĩa là bạn nhẹ hơn. Hãy nhớ rằng nếu bạn tăng cân trong khi vẫn tập thể dục đều đặn, thì đó có thể là do việc tập luyện đang mang lại hiệu quả, nhưng bạn sẽ cần thay đổi chế độ ăn uống nếu mục tiêu của bạn là giảm cân”.
Theo Shape và Forbes
Tường Uyên