Thứ sáu, Tháng năm 16, 2025

Suối nguồn đồng thoại không nghẽn mạch

NGUYỄN HUỆ NGHI -

Những quyển sách viết về thế giới loài vật của Nguyễn Nhật Ánh gần đây đạt kỷ lục phát hành cho thấy, nếu được chăm chút và được viết ra bởi tài năng thì những thiên đồng thoại sẽ không hề lỗi thời. Ngược lại, có thể tạo ra những cơn sốt mới.

1

Độc giả truyện đồng thoại (truyện đồng thoại để chỉ một thể loại tự sự dành cho trẻ em, sử dụng hình thức nhân cách hóa loài vật, kể chuyện vật mà gợi chuyện người nhằm đưa đến cho các em những bài học giáo dục về nhận thức và thẩm mỹ...), chắc chắn vẫn vậy, là trẻ thơ. Nhưng không thể chối cãi một thực tế, trước khi đến với đối tượng đọc chính của mình, những truyện đồng thoại phải chinh phục được những người lớn – các phụ huynh. Vì thế phải tính đến hai trong số những yếu tố chính mà những người lớn chọn sách truyện đồng thoại cho con, chính là ngoài văn chương thì phải có những bài học giáo dục lành mạnh, ngoài tính giải trí thì phải mang lại giá trị mỹ cảm một cách tự nhiên, không khiên cưỡng. Như vậy, gọi là viết cho thiếu nhi, nhưng thực chất, truyện đồng thoại phải chinh phục được người lớn, những người bỏ tiền mua sách, những nhà “tư vấn” khó tính về cái đọc cho con cái mình.

Câu chuyện chú dế mèn trong Dế mèn phiêu lưu ký có thể nói, là một thành công vượt bậc của thể loại truyện đồng thoại Việt Nam. Nhà văn Tô Hoài khởi sự viết và công bố tác phẩm này từ năm 1941, ba chương đầu do báo Tân Dân xuất bản (với tựa Con dế mèn), do được sự hưởng ứng nhiệt tình của độc giả, sau đó nhà văn đã viết tiếp bảy chương còn lại của truyện và hoàn thiện truyện Dế mèn phiêu lưu ký vào khoảng năm 1946. Cho đến nay, phải đến vài trăm lần tái bản dưới nhiều dạng thức khác nhau, được vào sách giáo khoa, được dịch sang nhiều thứ tiếng, được dựng phim…, Dế mèn phiêu lưu ký vẫn là giải pháp hàng đầu trong dòng sách đồng thoại mà các phụ huynh thường chọn lựa món ăn tinh thần cho con cái mình.

Nhà văn phía Bắc, ngoài Tô Hoài, thì Võ Quảng cũng là một tác giả truyện đồng thoại đáng kể đến. Võ Quảng có đến hơn 20 tác phẩm truyện đồng thoại, trong đó cũng có tác phẩm đi vào sách giáo khoa. Bài học tốt, Những chiếc áo ấm, Đêm biểu diễn hay Cái Mai… của Võ Quảng là những tác phẩm đồng thoại nổi tiếng được thiếu nhi miền Bắc tìm đọc trong những năm tháng đất nước còn chiến tranh. Phía Nam, có Trần Hoài Dương là một tác giả truyện đồng thoại đáng kể đến, với văn chương tươi mát, trong trẻo và giàu mỹ cảm.

Danh sách những nhà văn viết truyện đồng thoại sẽ dài vô kể, song không thể phủ nhận rằng, trong một giai đoạn ngắn sau đổi mới, khi sách truyện về thế giới khoa học kỹ thuật, truyện loài vật hiện đại, truyện tranh của nước ngoài du nhập qua con đường dịch thuật, thì dòng truyện đồng thoại Việt Nam có bề trầm lắng. Sự cựa quậy của dòng truyện này trong văn chương Việt Nam diễn ra âm thầm, nhưng với những nhà văn từng xem đây là cuộc đối thoại cần thiết với người đọc nhỏ tuổi, thì có thể thấy sự theo đuổi với một sứ mệnh lớn. Lưu Thị Lương, Lý Lan, Trần Đức Tiến… vẫn kiên trì với dòng truyện đồng thoại dù những tác phẩm hay của họ không phải bao giờ cũng được các công ty, nhà xuất bản thúc đẩy hết mình trong truyền thông quảng bá hay báo chí chú tâm.

Trong những cuộc thi thuộc Dự án hỗ trợ văn học thiếu nhi Việt Nam-Đan Mạch do nhà xuất bản Kim Đồng và Hội nhà văn Đan Mạch tổ chức, hay cuộc thi văn học thiếu nhi do nhà xuất bản Kim Đồng tổ chức đã xuất hiện trở lại những truyện đồng thoại sáng giá, thực sự là những viên ngọc mới trong đời sống văn chương thiếu nhi hiện đại. Không gian của những con vật đáng yêu đã không còn là đồng quê khó hình dung đối với bọn trẻ đô thị, mà được kéo gần, là phố xá, là quang cảnh đời sống có màu đô thị hóa nhưng không quên bao phủ bởi một mảng thiên nhiên tươi đẹp để những thông điệp và giấc mơ về một thế giới sống bền vững được trao truyền.

Nhiều tác giả mới, trẻ xuất hiện với dòng truyện đồng thoại: Trần Huyền Trang, Nguyễn Trần Thiên Lộc, Trương Huỳnh Như Trân, Đào Thu Hồng… tuy chưa thực sự tạo ra những sự chú ý quá đặc biệt nhưng cho thấy cuộc chuyển động, mạch nguồn dòng truyện này vẫn chảy. Có những tác giả khác lại chọn cách tiếp cận người đọc thiếu nhi bằng truyện tranh đồng thoại. Nhân vật con khỉ Bu Bu trong loạt truyện Bu Bu hay chuột Hin do nhà xuất bản Trẻ ấn hành cũng được đón nhận tốt.

“Có một giai đoạn truyện đồng thoại Việt Nam trầm lắng, thậm chí gần như bị bỏ quên. Là một nhà văn viết cho thiếu nhi, tôi thấy mình có trách nhiệm làm hồi sinh dòng truyện này”, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh nói trong buổi ra mắt tác phẩm mới Con chó nhỏ mang giỏ hoa hồng vừa được Nhà xuất bản Trẻ ấn hành với kỷ lục đợt in đầu tiên lên đến 100.000 bản. Trước đó, ở Tôi là Bê Tô, Có hai con mèo ngồi bên cửa sổ… của nhà văn này yếu tố đồng thoại đã được hiện đại hóa không chỉ qua không gian mà bằng ngôn ngữ ngộ nghĩnh tương thích với khả năng tiếp nhận của bạn đọc thiếu nhi hiện đại và cũng đạt những con số phát hành cực kỳ cao. Sự thành công của Nguyễn Nhật Ánh với những câu chuyện viết về loài vật, như mèo, chó… những con vật gần gũi trong nhà là minh chứng rằng, ở thời nào thì những câu chuyện về thế giới loài vật đáng yêu cùng những bài học làm người, ý hướng nhân văn cũng có sức hấp dẫn đặc biệt đối với trẻ em, cũng cần để nuôi dưỡng tâm hồn cho một thế hệ bạn đọc mới.

Dĩ nhiên, cần sự dụng công và tài năng văn chương và những nỗ lực làm cho dòng sách này được chú ý nhiều hơn của chính những người làm xuất bản, truyền thông.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm ngày sinh...

0
(SGTT) - Nhân dịp kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890 – 19-5-2025), nhiều di tích, điểm du lịch...

Ngôi chùa được tôn trí xá lợi Phật tại Hà Nam

0
(SGTT) – Sau khi kết thúc thời gian chiêm bái tại chùa Quán Sứ, Hà Nội, xá lợi Đức Phật sẽ được cung thỉnh...

TPHCM: Sẽ cấm xe khung giờ đêm ở nhiều tuyến đường...

0
(SGTT) - Nhiều tuyến đường ở khu vực trung tâm TPHCM sẽ bị cấm xe và hạn chế lưu thông một số khung giờ...

Muồng hoa đào khoe sắc hồng ở Lâm Đồng

0
(SGTT) - Tháng 5, những cây muồng hoa đào đồng loạt bung nở, nhuộm sắc hồng nhạt lên đoạn quốc lộ 20 đi qua...

Festival Hoa lan TPHCM lần 3: Chuyến tàu “Đa Sắc”

0
(SGTT) - Từ ngày 16 đến 20-5,  Festival Hoa lan TPHCM lần thứ 3 chính thức diễn ra với chủ đề Chuyến tàu "Đa...

Bữa trưa quốc tế thử vị Gukbap

0
(SGTT) - Gukbap, trong tiếng Hàn Quốc có nghĩa là “canh và cơm”, là món ăn đơn giản nhưng có chiều sâu văn hóa,...

Kết nối