(SGTT) - Đầu tháng 12 vừa qua, UBND TPHCM đã ban hành văn bản về kế hoạch tổ chức dạy và học tập trực tiếp tại các cơ sở giáo dục tùy theo cấp độ dịch của những quận, huyện trên địa bàn. Theo đó, nhiều sinh viên mong muốn được trở lại TPHCM học tập sau nhiều tháng học trực tuyến (online).
- Các trường tại TPHCM xây dựng kịch bản ứng phó khi F0 xuất hiện trong trường học
- Sở GD-ĐT TPHCM: Trường học sẽ không đóng mở liên tục
- Nhiều hỗ trợ giúp học sinh trở lại trường học
Mất tập trung, tiếng ồn xung quanh khi học trực tuyến
Dịch bệnh kéo dài ảnh hưởng đến việc học tập trực tiếp của nhiều sinh viên trên cả nước. Nhiều tháng qua, việc thay đổi hình thức học tập khiến không ít sinh viên gặp khó khăn.
Theo đó, đợt dịch lần 4 bùng phát đã ảnh hưởng đến quá trình thi THPT Quốc gia của Lan Anh, sinh viên năm nhất Trường Đại học (ĐH) Hoa Sen. Không chỉ vậy, việc bắt đầu năm học đầu tiên ở môi trường đại học bằng hình thức học trực tuyến khiến Lan Anh gặp nhiều trở ngại.
“Việc học online khá khó khăn bởi môi trường xung quanh ồn ào, ảnh hưởng đến việc học. Là sinh viên năm nhất, em mong muốn đến trường học trực tiếp để trải nghiệm cảm giác học tập ở giảng đường đại học là như thế nào cũng như gặp gỡ những người bạn mới”, Lan Anh nói.
Tuy đã có kinh nghiệm 2 năm học trực tuyến, Đình Nguyễn, sinh viên năm ba, ĐH Tôn Đức Thắng, vẫn không tránh khỏi những khó khăn như bị mất tập trung, không được tương tác trực tiếp. Chính vì vậy, bạn háo hức được học tập trực tiếp để tiếp thu bài giảng tốt hơn.
Học trực tiếp vẫn thích hơn
Hiện nay, một số trường đại học ở TPHCM đã thông báo tổ chức giảng dạy trực tiếp đối với các học phần thực hành như trường ĐH Bách Khoa, ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Sư phạm kỹ thuật... Do đó, nhiều sinh viên ở các trường khác mong rằng trường mình cũng sẽ tổ chức học trực tiếp như vậy để thuận tiện cho việc học.
Khi đợt dịch lần 4 bùng phát, Lê Thị Phương Thùy, sinh viên năm ba trường ĐH Quốc Tế - ĐH Quốc Gia TPHCM, đã rời TPHCM quay trở về quê nhà Đắk Lắk. Tuy nhiên, Phương Thùy vẫn mong mỏi ngày được học trực tiếp trở lại.
“Học online có thể thấy thuận tiện, nhưng đối với sinh viên ngành công nghệ sinh học như em, việc đến phòng thí nghiệm học các buổi thực hành là điều cần thiết. Hơn nữa, thời gian ngồi trước màn hình máy tính khá nhiều và lâu dễ ảnh hưởng đến sức khỏe”, Phương Thùy chia sẻ.
Là sinh viên năm ba ngành Dược học - ĐH Tôn Đức Thắng, Tú Nguyên cũng có cùng lo âu như Phương Thùy, Tú Nguyên cho biết: “Em thật sự rất muốn quay trở lại trường học vì tính chất ngành của em không chỉ có môn lý thuyết mà còn cả các môn thí nghiệm song hành. Em mong rằng tình hình dịch có thể ổn định hơn để tất cả các bạn sinh viên đều có thể đến trường tiếp tục học tập và ra trường đúng thời hạn”.
Theo Bộ Y Tế, tính đến 30-11-2021, cả nước đã có 74,7% dân số được tiêm ít nhất 1 mũi vắc-xin. Trước tình hình đó, Hồ Vương Khánh Long, sinh viên năm cuối, trường ĐH Công nghệ Thông tin - ĐH Quốc Gia TPHCM, cũng có tâm sự: “Em khá lo lắng khi dịch bệnh chưa biến mất hoàn toàn. Tuy nhiên, để đúng tiến độ ra trường nên em phải nhanh chóng lên TPHCM thực tập và làm khóa luận tốt nghiệp. Hiện tại, em đã tiêm đủ hai mũi vắc-xin nên cũng yên tâm phần nào”.
Theo kế hoạch dự kiến của một số trường đại học, việc học trực tiếp của sinh viên sẽ diễn ra đồng loạt sau Tết Nguyên đán 2022. Điều này sẽ đáp ứng được nguyện vọng của nhiều sinh viên sau khoảng thời gian gián đoạn việc học trực tiếp. Các trường sẽ tổ chức dạy và học theo cấp độ dịch, tuân thủ thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19, các công tác an toàn cho người dạy và học. Về điều kiện tham gia dạy và học, giảng viên và sinh viên phải đảm bảo việc tiêm đủ vắc-xin phòng bệnh hoặc khỏi bệnh không vượt quá 6 tháng.
Kim Nhi