(SGTT) - Vào Đại lễ Phật Đản (Rằm tháng 4 Âm lịch) năm nay rơi vào ngày 2-6, các hàng quán bán thức ăn chay đắt khách, đông nghẹt người. Bên cạnh những thực khách dùng tại quán, nhiều shipper của các ứng dụng đặt đồ ăn nhanh cũng chen chúc chờ đến lượt để hoàn thành đơn hàng.
- Bữa sáng Sài Gòn: Đặc sắc mì bò kho ở quán ăn chị Hòa, gia truyền qua ba thế hệ
- Bỏ túi địa chỉ những quán chay có không gian ấm cúng, thực đơn đặc sắc
Theo ghi nhận của phóng viên SGTT, các hàng quán chay khu vực trung tâm TPHCM đều đông nghẹt người, lượng khách ra vào liên tục.
Thưởng thức món cơm chay thập cẩm tại cửa hàng Giác Đức, chị Nguyễn Thị Bích Hạnh (30 tuổi), chia sẻ "Những ngày Rằm quán chay cũng rất đông người đến, tuy nhiên có lẽ vì hôm nay là Đại lễ Phật Đản nên tôi thấy lượng khách ăn chay đông đúc hơn những ngày Rằm Âm lịch khác".
Lễ Phật Đản được tổ chức hàng năm, vào ngày rằm tháng tư, để kỷ niệm ngày Đức Phật ra đời. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni được cho là sinh vào ngày rằm tháng tư âm lịch năm 624 trước Tây lịch (theo lý giải của phái Nam tông), mùng 8-4 âm lịch (theo lý giải của phái Bắc tông) tại vườn Lâm Tỳ Ni - nơi nằm giữa Ca Tỳ La Vệ và Devadaha ở Nepal.
Theo truyền thống Đại lễ Phật đản ở Việt Nam được Phật giáo tổ chức trang trọng, thành kính. Lễ chính được tổ chức vào ngày rằm tháng 4 âm lịch, Giáo hội các tỉnh thành và các chùa, tịnh xá thường tổ chức các hoạt động để mừng ngày đại lễ như: làm lễ đài để tổ chức chương trình văn nghệ, diễu hành xe hoa, thả hoa đăng trên sông, thuyết giảng về Phật pháp, nghi thức tắm Phật...
Trúc Nhã - Lê Vũ