(SGTT) – Tưởng chừng như không liên quan nhau, nhưng thực tế pate và thịt gà có thể kết hợp trong cùng một món ăn. Đó chính là lẩu gà nấu pate thơm béo, vị thanh ngọt.
- Trưa nay ăn gì: Bữa trưa quốc tế cùng món cơm chiên trứng Nhật Bản
- Trưa nay ăn gì: Giòn sần sật món tai heo cuốn bánh tráng
- Trưa nay ăn gì: Nhanh gọn với salad sò điệp Nhật sốt chanh dây
Theo thông tin trên các chuyên trang ẩm thực, lẩu gà là tên gọi chung của nhiều món lẩu từ thịt gà, sẽ có sự khác nhau bởi thành phần gia vị hay cả giống gà để nấu lẩu. Có thể kể đến như lẩu gà hầm sả ớt, lẩu gà nấu măng, lẩu gà tiềm ớt hiểm, lẩu gà lá é… Trong đó, lẩu gà nấu pate mang hương vị đặc trưng bởi sự béo bùi của pate, hòa cùng nước dùng thanh ngọt thịt gà.
Về pate, đây là món ăn thành phẩm thường được làm phần gia vị cho bánh mì, kết hợp cùng bơ. Mỗi ổ pate có hương vị khác nhau được quyết định bởi chính loại thịt làm. Ví dụ, pate heo làm từ thịt heo, pate bò làm từ thịt bò, thịt gà đem làm pate gà hay sò điệp, nhum cũng là hải sản có thể làm thành pate.
Còn với thịt gà, quán ăn có xu hướng chế biến gà nguyên con khi xương hầm lấy nước dùng, thịt chặt khúc vừa ăn để nhúng lẩu. Hầu hết, nước dùng phải nấu từ xương gà để bảo đảm vị thanh ngọt, không quá béo bùi như xương heo, xương bò. Đặc biệt, ngoài gà ta, các quán chuyên lẩu gà còn thử gà đen vào chế biến món ăn. Qua đó, mang đến hương vị và trải nghiệm ẩm thực mới lạ hơn.
Cũng như mọi món lẩu gà, gà sau khi sơ chế làm sạch chặt thành từng miếng vừa ăn. Tiếp đến, ướp thịt gà cùng các loại gia vị như hành, sả, hạt nêm, đường, nước mắm… rồi trộn đều tất cả để thịt ngấm gia vị (gà ướp gia vị càng lâu, món lẩu càng dậy hương vị). Trong quá trình nấu nước lẩu, cần chú ý hớt bọt để nước lẩu trong, phù hợp hơn cho trẻ nhỏ hay người lớn tuổi dùng bữa.
Trong một trưa cuối tuần Sài Gòn đôi khi đón những cơn mưa bất chợt, mọi người có thể chọn món lẩu này sum vầy bên người thân, bạn bè.
Theo amthucvungmien, monanmoila, cachnaulauga, shopeefood