(SGTTO) - Các vùng biển Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Định… đến Bà Rịa - Vũng Tàu đều có thể khai thác loại hình du lịch lặn biển. Tuy nhiên, tại một số vùng biển, quẩn thể sinh vật biển như san hô không phong phú, hoặc những vùng bảo tồn sinh vật biển không được phép triển khai du lịch thì không thể dùng tàu ngầm để lặn biển.
Mới đây, hình ảnh chiếc tàu ngầm DeepView24 với dòng chữ Vinpearl trên thân tàu lộ diện tại thành phố biển Nha Trang khiến người đam mê du lịch mạo hiểm, đặc biệt là các loại hình du lịch lặn biển, thích thú.
Thủ tướng Chính phủ cũng đã đồng ý về nguyên tắc triển khai thí điểm hoạt động dịch vụ tàu lặn du lịch tham quan tại vịnh Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa của Công ty cổ phần Vinpearl. Thời gian thí điểm được chấp thuận là 2 năm kể từ ngày chính thức đi vào hoạt động.
Nếu theo đúng lịch trình dự kiến của Vinpearl, du khách tại Việt Nam sẽ có cơ hội được khám phá đại dương bằng tàu ngầm trong tháng 12 sắp tới. Ngoài ra, nhiều ý kiến tò mò về việc những địa điểm, vùng biển khác tại Việt Nam có thể triển khai loại hình du lịch lặn biển bằng tàu ngầm như của Vinpearl.
Nhiều vùng biển có thể làm được!
Ông Nguyễn Xuân Bình, Phó giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng, cho rằng các vùng biển dọc đất nước Việt Nam đều rất đẹp, với nguồn sinh vật biển phong phú, đa dạng. Hiện nay, du lịch biển đảo cũng là một trong những sản phẩm chính của du lịch Việt Nam. Đa phần khách quốc tế đến Việt Nam đều tham gia các tour du lịch liên quan đến biển.
Tại Đà Nẵng, trước đây đã có nhiều doanh nghiệp triển khai loại hình du lịch lặn biển ngắm san hô. Tuy nhiên, các mô hình đều tự phát, chưa được tổ chức bài bản. Ngoài ra, các rặng san hô dưới đáy biển thuộc danh mục được bảo tồn, do đó, việc triển khai thực hiện loại hình du lịch này phải rất cẩn trọng, qua khảo sát, thí điểm.
Dù chưa có doanh nghiệp nào đăng ký triển khai hình thức du lịch lặn biển bằng tàu ngầm nhưng trước đó, cũng đã có nhiều sản phẩm du lịch, thể thao dưới nước được triển khai tại Đà Nẵng theo hình thức thí điểm. Có thể kể đến như chơi dù lượn, lướt dù bằng ca nô trên biển, ca nô kéo phao trượt nước, lướt ván, mô tô nước, lặn biển ngắm san hô…
“Ở Nha Trang làm được thì ở Đà Nẵng cũng có thể triển khai được. Một số bãi biển ở Đà Nẵng như biển Mỹ Khê từng lọt top những bãi biển đẹp nhất hành tinh. Nước ở vùng biển Mỹ Khê được đánh giá có độ an toàn cao, độ mặn đạt ngưỡng 60%, không bị ô nhiễm. Vì vậy, nơi đây có nhiều loài san hô cùng nguồn động thực vật dưới biển rất phong phú cho du khách mê du lịch biển”, ông Bình thông tin.
Vũng Tàu, Côn Đảo: Đang triển khai
Ông Đỗ Phước Trung, Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, cho biết cũng có một số doanh nghiệp triển khai lặn biển ở Côn Đảo. Bà Rịa Vũng Tàu không có các vùng san hô nên chưa có tính tới phương án phát triển du lịch lặn biển. Vì du khách lặn biển thường để ngắm san hô và các hệ sinh thái dưới nước khác.
Ông Trần Đình Huệ, Phó giám đốc Vườn quốc gia Côn Đảo, cũng thông tin nơi đây vẫn có một số địa điểm cho phép doanh nghiệp triển khai các loại hình du lịch lặn biển. Trước đây từng có nhiều doanh nghiệp thực hiện hoạt động này tại vùng biển Côn Đảo.
Tuy nhiên, thời điểm đó du lịch Côn Đảo chưa phát triển, du khách đến trải nghiệm các loại hình du lịch lặn biển chưa nhiều nên đơn vị đó phải tạm ngưng. Hiện nay ở Côn Đảo có một đơn vị khác đang chuẩn bị để triển khai du lịch lặn biển ngắm san hô. Doanh nghiệp này đã được cấp phép và đang chờ hoàn tất các thủ tục để triển khai du lịch lặn biển.
Thế nhưng theo ông Huệ tiết lộ, đơn vị này cũng chỉ xin phép triển khai loại hình lặn ngắm san hô bằng hình thức đội mũ và lặn biển bằng cách mang bình dưỡng khí, chưa có hình thức lặn biển bằng tàu ngầm.
Theo ông Huệ, du lịch Côn Đảo đang phát triển từng ngày, lượng du khách đến với Côn Đảo cũng tăng lên qua từng năm. Tốc độ tăng trưởng doanh thu du lịch bình quân 15,5%/năm. Giai đoạn 2017-2019, lượng khách du lịch đến Côn Đảo tăng trưởng bình quân 27,05%/năm.
Các nguồn lực du lịch ở Côn Đảo đã tăng về số lượng và từng bước nâng cao chất lượng. Các tuyến tàu cao tốc vận chuyển hành khách được đầu tư, giao thông giữa đất liền và Côn Đảo ngày được thuận tiện, rút ngắn thời gian đi lại. Các dịch vụ lưu trú, ăn uống, phương tiện đi lại trên đảo được đầu tư phát triển phục vụ khách du lịch.
UBND tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu cũng có nhiều chính sách phát triển du lịch toàn tỉnh nói chung và Côn Đảo nói riêng. Thế nhưng, định hướng phát triển như thế nào, loại hình du lịch nào… còn phụ thuộc vào đề xuất của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo ông Huệ, riêng loại hình du lịch bằng tàu ngầm có mức đầu tư rất lớn nên không phải doanh nghiệp nào cũng có đủ điều kiện, khả năng để đầu tư.
Phải tuân thủ các quy định về bảo tồn sinh vật biển
Nhiều ý kiến cho rằng, Việt Nam có nhiều vùng biển đẹp, có thể triển khai loại hình du lịch lặn biển bằng tàu ngầm. Tuy nhiên, vì san hô và hệ sinh thái biển cần được bảo tồn, bảo vệ, do đó, các doanh nghiệp phải tuân thủ nghiêm ngặt quy định của pháp luật về bảo tồn sinh vật biển.
Ông Trần Đình Huệ cho rằng nếu doanh nghiệp có nhu cầu và đủ điều kiện đều có thể đăng ký đầu tư du lịch lặn biển. Tuy nhiên, phải đảm bảo tuân thủ Nghị định 26/2019/NĐ-CP của Chính phủ về thực hiện hiện Luật Thủy sản. Riêng tại Côn Đảo, doanh nghiệp còn phải tuân thủ các quy định của UBND tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu đã phê duyệt về đầu tư, phát triển du lịch ở Côn Đảo.
Còn theo ông Nguyễn Xuân Bình - Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng, cái khó của cơ quan quản lý hiện nay là các quy định về quản lý nhà nước về lặn biển hiện nay cũng chưa chặt chẽ. Trước đó, tháng 6-2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 48/2019/NĐ-CP quy định về quản lý hoạt động của phương tiện phục vụ vui chơi, giải trí dưới nước.
Đây là lần đầu tiên chính phủ ban hành một văn bản pháp luật riêng biệt để quản lý đối với các hoạt động giải trí dưới nước, mặc dù đã có những đề xuất từ năm 2017.
“Chiều ngày 26-11, lãnh đạo Tổng cục Du lịch cũng đã có buổi làm việc với Sở Du lịch để sớm ban hành thông tư về vấn đề quản lý các hoạt động thể thao dưới nước. Từ đó, tạo điều kiện để doanh nghiệp đẩy mạnh triển khai loại hình du lịch này ở những nơi được phép”, ông Bình nói.
Trước đó, vào đầu tháng 1-2020, Công ty Cổ phần Vinpearl xin triển khai kinh doanh thí điểm dịch vụ tàu lặn tham quan vịnh Nha Trang.Đơn vị này sẽ sử dụng tàu lặn du lịch tân tiến nhất trên thế giới hiện nay là Deep View DV100 – 24 do hãng Triton Submarine sản xuất. Tàu lặn chạy bằng điện, không gây ồn, không gây ảnh hưởng đến sinh thái biển, phần thân bằng vật liệu arcylic trong suốt này có thể chở được 24 khách, thủ thủy đoàn gồm 2 người.Tàu có thể đạt tốc độ tối đa 3 hải lý/giờ, tương đương 5,5 km/giờ. Vinpearl dự kiến thời gian khai thác 1 chuyến tàu là 30 phút, ngày khai thác tối đa 10 chuyến trong điều kiện thời tiết thuận lợi tại khu vực Bãi Bàng hoặc đảo Hòn Một.Theo Sở Giao thông vận tải thành phố Nha Trang, hoạt động du lịch bằng tàu lặn sẽ là sản phẩm mới mẻ độc đáo góp phần phát triển du lịch địa phương. Phương án hoạt động ít ảnh hưởng đến hiện trạng môi trường tự nhiên do không xây bến cố định và khu vực hoạt động không ảnh hưởng đến hoạt động giao thông đường thủy, hàng hải, khu vực bảo tồn nghiêm ngặt của vịnh Nha Trang.
Nam Bình