Năm 2014 khép lại với nhiều biến động trên thị trường. Những chuyển động này, trực tiếp hoặc gián tiếp, đã ít nhiều tác động đến người tiêu dùng. Trong dòng chảy thời sự đó, bạn đọc Sài Gòn Tiếp Thị đã dành nhiều sự quan tâm nhất đến sáu sự kiện sau.
Giá xăng giảm liên tiếp 12 lần
Trong lịch sử giá xăng, 2014 là năm đầu tiên giá mặt hàng này giảm liên tiếp 12 lần, kể từ ngày 28-7 đến ngày 22-12 sau khi lập kỷ lục với mức giá 25.640 đồng/lít vào ngày 7-7. Sau 12 lần giảm giá, giá xăng đã về mức 17.880 đồng/lít, giảm 7.760 đồng/lít, tương đương 30,6%.
Tương tự, dầu diesel, dầu hỏa có số lần giảm còn nhiều hơn, 14 lần liên tiếp, với tổng mức giảm so với mức đỉnh lần lượt là 5.730 đồng và 5.510 đồng/lít về mức giá hiện tại là 16.990 đồng và 17.440 đồng/lít. Xét về tỷ lệ, so với mức giá hồi đầu năm, giá bán lẻ này đã giảm 26,2% đối với xăng, 34,9% đối với dầu diesel và 22,2% đối với dầu hỏa.
Tuy nhiên, mức giảm này không tương xứng với mức giảm của giá nhập khẩu từ Singapore, thị trường nhập khẩu chính của Việt Nam. Ở thời điểm 22-12, lần chốt giá gần nhất để tính giá bán lẻ trong nước so với giá hồi đầu năm, giá xăng RON92 đã giảm hơn 42,3%; dầu DO0,05S giảm 40,1% và dầu KO giảm 39,3%.
Sang năm 2015, giá dầu thô trên thị trường thế giới được dự báo giảm tiếp. Điều này đồng nghĩa với việc giá xăng dầu nhập khẩu cũng giảm theo. Với việc đang nhập khẩu đến 70% lượng xăng dầu để phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước, giá bán lẻ của các mặt hàng xăng dầu sẽ điều chỉnh theo. Tuy nhiên, mức giảm tương xứng với giá thế giới ra sao lại còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như mức thuế nhập khẩu, chính sách điều hành của cơ quan chức năng.
Áp trần giá sữa trẻ em
Ngày 20-5, Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 1079/QĐ-BTC, áp dụng giá trần đối với mặt hàng sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, bắt đầu từ ngày 1-6. Động thái này diễn ra sau khi bộ có kết quả thanh tra về giá sữa của năm doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sữa trẻ em.
Trước đó, giá sữa trên thị trường liên tục tăng. Các đơn vị kinh doanh mặt hàng này đưa ra lý do như giá sữa bột nguyên liệu tăng, phân phối sản phẩm qua nhiều tầng nấc nên thường xuyên tăng giá sản phẩm.
Sau quyết định áp trần, giá sữa trên thị trường đã phần nào được kiểm soát ổn định. Sau sáu tháng triển khai, cơ quan quản lý giá đã công bố giá tối đa và giá đăng ký của 606 sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi. Từ khi có quyết định áp trần, giá sữa cho trẻ dưới 6 tuổi đã giảm khoảng 34% so với thời điểm trước đó.
“Black Friday” đầu tiên
Lần đầu tiên, Việt Nam có ngày mua sắm trực tuyến, hay còn gọi là “Black Friday”, và sự kiện này đã ghi nhận doanh số 154 tỉ đồng, với tổng số 160.000 đơn hàng trong ngày 5-12, tăng gấp ba lần so với ngày thường. Chỉ có điều, khách hàng mua sắm trực tuyến vẫn sử dụng phương thức nhận hàng, trả sau bằng tiền mặt với tỷ lệ 72%, các hình thức chuyển khoản qua ngân hàng, thanh toán qua ví điện tử, thẻ tín dụng, Internet Banking vẫn còn thấp.
So với các sự kiện mua sắm trực tuyến tại Mỹ, Thái Lan và Singapore, doanh số của sự kiện Black Friday phiên bản Việt vẫn còn thấp, nhưng đây là bước khởi động cần thiết cho ngành thương mại điện tử.
Sự kiện do Cục Thương mại Điện tử-Công nghệ Thông tin (thuộc Bộ Công Thương) phối hợp cùng Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam lần đầu tiên tổ chức. Ngày mua sắm trực tuyến 2014 có khoảng 1.000 doanh nghiệp tham gia với 3.226 sản phẩm/dịch vụ được khuyến mãi, giảm giá. Bộ Công Thương đề xuất Ngày mua sắm trực tuyến sẽ trở thành sự kiện thường niên nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp TMĐT phát triển.
Hiệp hội vận tải phản đối Uber
Vào Việt Nam hoạt động từ tháng 6, đến cuối năm Uber bắt đầu vấp phải sự phản ứng từ Hiệp hội Taxi TPHCM và Hiệp hội Vận tải thành phố Hà Nội. Trong khi Hiệp hội Taxi TPHCM kiến nghị UBND TPHCM và Bộ Giao thông Vận tải đình chỉ hoạt động của Uber, thì Hiệp hội Vận tải thành phố Hà Nội cũng đề nghị tạm dừng hoạt động của hãng này.
Trước phản ứng đó, bộ đã làm việc với Uber, đề nghị công ty này phải ký hợp đồng với các doanh nghiệp vận tải có giấy phép kinh doanh vận tải, có phù hiệu, logo (doanh nghiệp), thiết bị giám sát hành trình... Thanh tra ngành giao thông vận tải cũng sẽ tăng cường kiểm soát việc thực hiện các quy định về kinh doanh dịch vụ vận tải đối với các loại xe tham gia vào hệ thống Uber.
Sau khi Tổng cục Thuế hoàn tất phương án tính thuế cho dịch vụ Uber và các doanh nghiệp vận tải ký kết hợp đồng với công ty này, các loại xe tham gia vào hệ thống Uber sẽ phải nộp thuế theo quy định thông qua hóa đơn gửi cho khách hàng. Về phía Uber, Tổng cục Thuế sẽ tính thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp dựa trên doanh thu (dự tính là 5%).
Uber là ứng dụng gọi xe thông qua điện thoại di động/máy tính bảng; thanh toán trực tiếp qua thẻ tín dụng quốc tế (Visa, MasterCard...). Xe Uber có hình thức như xe riêng, không có bảng hiệu như taxi.
Năm của sự cố ngành hàng không
2014 là năm sóng gió của ngành hàng không khi hàng loạt các sự cố lớn nhỏ xảy ra. Nếu như năm 2013 chỉ ghi nhận 182 sự cố thì năm 2014 con số này đã tăng vọt lên 311, trong đó có một số sự cố nghiêm trọng.
Đầu tiên là chuyến bay của Vietnam Airlines tuyến Đà Lạt-TPHCM ngày 26-3 đã bị rơi tấm ốp bảo vệ quạt làm mát phanh. Nguyên nhân là do nhân viên kỹ thuật không siết ốc đủ lực khi bảo dưỡng. Khoảng ba tháng sau, ngày 19-6, chuyến bay của hãng VietJetAir với hành trình Hà Nội-Cam Ranh đã hạ cánh nhầm xuống sân bay Liên Khương (Lâm Đồng). Nguyên nhân do tổ bay, tổ tiếp viên, nhân viên điều phối bay của hãng và sân bay Nội Bài không thực hiện đúng quy trình khai thác bay. Bốn tháng sau, một sự cố nghiêm trọng khác lại xảy ra khi chuyến bay của VietJetAir từ TPHCM đi Cam Ranh đã hạ cánh tại đầu 20 của đường băng sân bay Cam Ranh trong khi nhận huấn lệnh của kiểm soát viên không lưu là hạ cánh đầu 02.
Những tháng cuối năm liên tiếp xảy ra hai sự cố nghiêm trọng. Vụ thứ nhất xảy ra vào ngày 29-10 tại sân bay Tân Sơn Nhất khi máy bay của Vietnam Airlines và một trực thăng quân sự suýt va chạm nhau. Vụ thứ hai nghiêm trọng hơn, xảy ra vào ngày 20-11, khi Trung tâm kiểm soát đường dài Hồ Chí Minh và Cơ quan kiểm soát tiếp cận Tân Sơn Nhất (AACC Hồ Chí Minh) đã bị mất điện cung cấp cho hệ thống thiết bị điều hành bay do hỏng bộ lưu điện (UPS). Sự cố này khiến AACC Hồ Chí Minh mất năng lực điều hành bay, làm ảnh hưởng đến 92 chuyến bay trong khoảng thời gian xảy ra sự cố.
Bán lẻ sôi động M&A
Thị trường bán lẻ Việt Nam vẫn tăng trưởng ở mức cao với doanh thu ước tính đạt 2.216 ngàn tỉ đồng, tăng 11,3% so với năm ngoái, theo Tổng cục Thống kê. Năm 2014 cũng ghi nhận những thương vụ mua bán, chuyển nhượng và mở rộng hệ thống kinh doanh của các nhà bán lẻ lớn trong và ngoài nước.
Tập đoàn Berli Jucker (BJC) của Thái Lan mua lại toàn bộ 19 trung tâm phân phối Cash & Carry của Metro ở Việt Nam. Thương vụ giá trị 655 triệu euro (khoảng 879 triệu đô la Mỹ) này cho phép nhà bán lẻ châu Á thay thế tập đoàn phân phối hàng đầu châu Âu, giúp BJC nhanh chóng chiếm thị phần phân phối ở Việt Nam.
Trong năm 2014, người tiêu dùng chứng kiến hàng loạt thương vụ khác của các nhà bán lẻ nước ngoài. Chẳng hạn, Tập đoàn Lotte Mart của Hàn Quốc phát triển hệ thống kinh doanh ở một số mặt bằng của Pico tại TPHCM và Hà Nội; nhà bán lẻ hàng đầu Nhật Bản là Aeon đã gắn logo của mình lên 30 điểm bán hàng của Citimart. Tương tự, các doanh nghiệp trong nước cũng mua bán qua lại nhộn nhịp không kém. Trong số đó, Tập đoàn Vingroup mua lại 70% vốn của Công ty Ocean Retail (ORC) – đơn vị có hệ thống bán lẻ Ocean Mart gồm chín siêu thị và bốn cửa hàng tiện lợi ở khu vực phía Bắc.
Việc thay chủ đã kéo theo sự thay đổi cơ cấu hàng hóa tại các siêu thị chuyển nhượng. Hàng hóa của doanh nghiệp trong khu vực như Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản bắt đầu xuất hiện nhiều hơn ở các hệ thống siêu thị khi các nhà bán lẻ mới hỗ trợ doanh nghiệp đồng hương. Điều này giúp người tiêu dùng có thêm sự chọn lựa khi đi mua sắm.
Những người trong ngành dự báo, năm 2015 sẽ tiếp tục ghi nhận những thương vụ chuyển nhượng trên thị trường bán lẻ, khi những doanh nghiệp yếu về tài chính, thiếu kinh nghiệm có thể sẽ tiếp tục rời khỏi thị trường này.