NGỌC HÙNG -
Trong thời gian qua, nông nghiệp trở thành một lĩnh vực thu hút khá nhiều doanh nghiệp lớn đầu tư, bên cạnh đó, có những người trẻ chọn nông nghiệp để khởi nghiệp theo hướng sản xuất sản phẩm sạch. Vì thế, lĩnh vực này cũng sôi động trên thị trường tuyển dụng.
Chưa ra trường đã được tuyển
Sinh viên những ngành trồng trọt, chăn nuôi đang được các công ty chuyên về nông nghiệp chú ý.
Hiện tại có nhiều kênh tuyển dụng như Vietnamworks, careerlink, vieclam và các trang mạng xã hội tham gia vào cuộc “săn lùng” nhân sự ngành này. Nếu những trang tuyển dụng việc làm nói trên, bên tuyển dụng sẽ phải trả phí để được đăng tin trong một khoảng thời gian nào đó, nhiều công ty đã tận dụng mạng xã hội để làm kênh tuyển dụng vừa miễn phí lại được lan truyền nhanh – nhờ được nhiều người chia sẻ.
Trên mạng xã hội hiện có trang Việc làm ngành chăn nuôi, trong vòng một tháng qua, trang này đăng tin tuyển dụng cho những công ty lớn trong ngành chăn nuôi như Công ty CP Việt Nam, Công ty TNHH JAPFA, Công ty BIOFARM, Công ty Thái Dương, Công ty Dr. BO, Công ty Jily Phú Khải, Công ty Việt Thắng, Công ty CJ Vina Agri, Công ty Brenntag Việt Nam...
Nhìn vào vị trí tuyển dụng, những công ty này cần nhân sự làm việc ở các vị trí từ nhân viên kỹ thuật, nhân viên kế hoạch đến nhân viên kinh doanh… Tuy nhiên, ưu tiên trong những bản tin tuyển dụng này vẫn là những kỹ sư chăn nuôi, kỹ sư trồng trọt, kỹ sư nuôi trồng thủy sản, bác sĩ thú y hoặc những lĩnh vực liên quan đến nông, lâm nghiệp nói chung.
Theo Phòng công tác sinh viên, Đại học Nông lâm TPHCM, trường có đào tạo những lĩnh vực liên quan đến nông nghiệp. Trong vài năm trở lại đây, tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm đúng ngành nghề khá cao. Điều này hoàn toàn khác so với việc những sinh viên trước khi ra trường phải chạy ngược, chạy xuôi để tìm kiếm việc làm, nhờ người quen để xin việc. Nay thì sinh viên chưa nhận bằng tốt nghiệp nhưng đã được các công ty đặt hàng trước để khi ra trường là tuyển dụng.
Đại diện khoa Thủy sản, Đại học Nông lâm TPHCM cho biết, hầu như sinh viên của khoa ra trường đều có việc làm đúng chuyên ngành đào tạo. Sinh viên thường có hai lựa chọn, chọn lĩnh vực phụ trách kỹ thuật hoặc làm nhân viên kinh doanh với công việc chính là tư vấn bán hàng và phát triển thị trường, thậm chí làm cả lĩnh vực hành chính nhân sự trong một công ty có liên quan đến nông nghiệp. Chỉ có vị trí kế toán là không tuyển nhân viên nông nghiệp.
Không chỉ có lĩnh vực nông nghiệp, một số công ty còn tuyển dụng nhân viên cho nhu cầu mở rộng hoạt động kinh doanh như Tập đoàn Lộc Trời. Trước đây, để làm cánh đồng mẫu lớn, Lộc Trời tuyển dụng một lượng lớn kỹ sư nông nghiệp ở các lĩnh vực như trồng trọt, bảo vệ thực vật để ba cùng, tức là cùng ăn, cùng ở, cùng ngủ với nông dân. Và để có thể tuyển dụng mấy trăm kỹ sư cùng một lúc không phải là điều dễ dàng, vì thế, công ty mở rộng điều kiện tuyển dụng với cả những cử nhân học sinh học, công nghệ sinh học từ các trường trong cả nước. Theo phía công ty, việc tuyển chọn nhân viên không học ngành nông nghiệp nhưng có một chút liên quan đến nông nghiệp cũng không ảnh hưởng gì đến công việc vì đa phần sau khi tuyển dụng Lộc Trời đều ít nhiều “đào tạo lại” để đáp ứng nhu cầu công việc, còn ngành học là một nền tảng cho quá trình đào tạo lại mà thôi.
Bán hàng và xuất ngoại
Hiện một số công ty trong lĩnh vực nông nghiệp khi tuyển dụng nhân viên kinh doanh, thường chọn những sinh viên học các ngành nông nghiệp và sau đó đào tạo lại để phát triển thị trường. Lý giải của những công ty này là nếu một người có nền tảng và chỉ cần đào tạo thêm kiến thức về phát triển thị trường nữa là có thể bán được hàng.
Theo đại diện Công ty GreenFeed, để bán được hàng, người bán hàng phải là một người am hiểu kỹ thuật, có khả năng tự tin trong việc giới thiệu sản phẩm mới. Họ là người biết được các tính năng của sản phẩm nên khi giới thiệu cho nông dân cũng tự tin hơn so với một nhân viên chỉ học về quản trị kinh doanh.
Bên cạnh đó, thời gian gần đây, lao động trong ngành nông nghiệp cũng trở nên “có giá” hơn khi liên tiếp các công ty Nhật bản đến Việt Nam đầu tư vào nông nghiệp khiến cho lao động chuyên môn trong ngành này cũng bước vào thế cạnh tranh hơn, đặc biệt là lương bổng.
Ngoài ra, các công ty xuất khẩu lao động cũng tìm kiếm những ứng viên từ Việt Nam để qua Nhật Bản trồng giá, trồng nấm, nuôi bò… Thời gian cho một hợp đồng làm việc là ba năm với mức lương trung bình là 120.000 yen/tháng (hơn 21 triệu đồng), bằng lương của một bác sĩ thú y đang làm việc tại Việt Nam. Lương cao nhưng đòi hỏi về trình độ không quá cao, ngoài trình độ cử nhân, kỹ sư, phía Nhật cũng chấp nhận cả lao động phổ thông để đào tạo nghề sau đó. Theo trang xuatkhaulaodongnb, hiện có nhiều công ty đang tìm kiếm lao động trong ngành nông nghiệp và ưu tiên chọn lao động phổ thông của Việt Nam mà không cần đòi hỏi cao về trình độ chuyên môn, nhưng với điều kiện là chịu khó, chăm chỉ làm việc.