Chánh Tài -
Cỗ máy xuất khẩu của Nhật Bản vốn xoay quanh ô tô và đồ điện tử đã dậm chân tại chỗ. Tuy nhiên, theo Reuters, trong tương lai, nước này có thể tận dụng thế mạnh ẩm thực truyền thống đẩy mạnh cung cấp cho thị trường thế giới thực phẩm chất lượng cao.
Nông nghiệp chạy theo ô tô, điện tử
Một gian hàng bán đồ Nhật tại Singapore. Ảnh: Reuters
Thủ tướng Shinzo Abe muốn tăng xuất khẩu nông nghiệp thêm 30% lên mức 1.000 tỉ yen (9,6 tỉ đô la Mỹ) trong ba năm tới. Giới chuyên gia nhận định, ông Abe hoàn toàn có thể đặt mục tiêu cao hơn nếu muốn đưa thực phẩm trở thành một trong những mảng xuất khẩu chủ lực vì Nhật có văn hóa ẩm thực tinh tế, đặc sắc với nhiều món ăn và thức uống nổi danh thế giới như sushi, mì, rượu sake...
“Ý sử dụng văn hóa ẩm thực để đẩy mạnh xuất khẩu thực phẩm và Pháp cũng làm điều tương tự với rượu”, Katsunori Nakazawa, người đứng đầu một cơ quan xúc tiến xuất khẩu thuộc Bộ Nông nghiệp Nhật nói như vậy. Theo vị này, Nhật cũng muốn dựa vào thế mạnh ẩm thực để xuất khẩu thực phẩm. Nếu nông dân không bán được nông sản ở nước ngoài, ngành nông nghiệp của Nhật Bản không thể tăng trưởng.
Yasufumi Miwa, chuyên gia cấp cao ở Viện Nghiên cứu Nhật Bản cho rằng, Nhật sẽ dễ dàng đạt mốc doanh thu xuất khẩu thực phẩm 1.000 tỉ yen. “Một khi kim ngạch xuất khẩu thực phẩm cán mốc 5.000 tỉ yen/năm, nông nghiệp sẽ trở thành mảng xuất khẩu chủ lực cùng với ô tô và đồ điện tử”, Miwa nhận định.
Theo Bộ Tài chính Nhật Bản, tổng kim ngạch xuất khẩu của nước này giảm 6,9% trong tháng 9-2016, đánh dấu đà giảm trong 12 tháng liên tục. Đáng chú ý là xuất khẩu ô tô, linh kiện điện tử và sắt thép đều giảm nhưng xuất khẩu thực phẩm tăng 7,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Năm 2015, xuất khẩu thực phẩm và hải sản của Nhật Bản đạt 745 tỉ yen (7,2 tỉ đô la Mỹ). Tuy nhiên, con số này vẫn còn khiêm tốn, chỉ chiếm 1% tổng kim ngạch xuất khẩu của nền kinh tế lớn thứ hai châu Á, trị giá 75.600 nghìn tỉ yen.
Hàng hóa Nhật được ưa chuộng
Hồng Kông là thị trường tiêu thụ thực phẩm Nhật Bản lớn nhất thế giới. Vùng lãnh thổ này chỉ với dân số 7 triệu người, đã tiêu thụ gần 25% thực phẩm xuất khẩu của Nhật bao gồm các mặt hàng như thịt bò Kobe, sò điệp, mì... “Tôi luôn tin tưởng hàng hóa của Nhật. Họ không xuất khẩu nông sản giả mạo thương hiệu hay có hại cho sức khỏe”, Valerie, một phụ nữ về hưu ở Hồng Kông nói như vậy khi đang đi mua sắm ở một siêu thị Nhật.
Mỹ là thị trường lớn thứ hai của thực phẩm xuất khẩu từ Nhật, tiếp theo sau đó là lãnh thổ Đài Loan, Trung Quốc và Hàn Quốc. Năm thị trường xuất khẩu đứng hàng đầu này chiếm khoảng 70% giá trị kim ngạch xuất khẩu thực phẩm của Nhật vào năm ngoái. Sò điệp, cá hồi Nhật là những mặt hàng xuất khẩu được thị trường Trung Quốc ưa chuộng số một. Xuất khẩu gạo của xứ sở hoa anh đào sang Trung Quốc cũng đang tăng nhanh.
Công thức giúp Nhật Bản đẩy mạnh xuất khẩu thực phẩm xoay quanh các yếu tố bao gồm cải thiện khâu vận chuyển, lưu trữ hàng hóa, quảng bá rầm rộ, gây sự chú ý trên mạng xã hội cũng như vận động hành lang các chính phủ nước ngoài.
Các cơ quan chức năng của đất nước mặt trời mọc đang chuẩn bị cho một chiến dịch tiếp thị rầm rộ. Chính phủ đã phân bổ gần 200 triệu đô la Mỹ để cải thiện cơ sở hạ tầng thương mại nông nghiệp, chẳng hạn xây dựng các nhà kho tốt hơn và nằm gần các sân bay hay xây dựng các nhà máy chế biến thịt sử dụng dây chuyền hiện đại, đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe về an toàn sức khỏe.