Thứ bảy, Tháng mười một 23, 2024

Người pha chế tinh hoa

(SGTT) - Không chỉ đơn thuần là uống một tách trà, trà đạo hướng đến sự thưởng thức tinh thần và đưa nó lên tầm mức nghệ thuật. Do đó, sự trải nghiệm trà đạo có mỹ mãn hay không phụ thuộc vào trình độ của nghệ nhân pha trà.

Thưởng trà giúp người dùng thư thái và tạm gác lại những lo toan, suy nghĩ để không bị những cảm xúc tiêu cực, nặng nề ám ảnh.

Thưởng trà là thú vui tao nhã, tinh tế được nhiều người tìm đến để tìm sự cân bằng trong cuộc sống. Ảnh: Thanh Dương

Chuyện thưởng trà ở Việt Nam

Uống trà là thói quen phổ biến của người phương Đông. Người dân Nhật Bản thậm chí còn nâng việc thưởng trà lên tầm nghệ thuật, lên mức “đạo” (chân lý), với hàm ý truy cầu sự hoàn mỹ. Trà đạo Nhật Bản vô cùng tinh tế, được cả thế giới đón nhận.

Thưởng thức trà đạo Nhật Bản không đơn thuần là uống hết một tách trà, mà còn đòi hỏi kiến thức và sự nhạy cảm với hương vị, cách pha chế và các lễ thức khi uống trà. Buổi trà diễn ra như trong một thế giới riêng biệt, người uống và người pha (còn gọi là trà nhân) chậm rãi, khoan thai như đang cảm nhận một tác phẩm nghệ thuật.

Trong trà đạo, trà nhân không những phải bảo đảm được những giá trị tinh túy của tách trà gồm mùi, vị, màu nước, phong thái mà khả năng dẫn dắt tâm lý còn phải đạt tới tầm nghệ sĩ. Hiện hầu hết những trà nhân ở Việt Nam đều là người nước ngoài. Những quán trà đạo cũng đều chủ yếu phục vụ lượng khách ít ỏi, thực sự đam mê với trà đạo Nhật Bản.

Ngược lại, phong cách uống trà của người Việt xưa nay thường đa dạng, không theo chuẩn mực, mang nét bình dị và đời thường. Hình thức thưởng trà kiểu Nhật du nhập vào Việt Nam cùng với nhu cầu về thưởng thức tinh thần của người dân cũng ngày càng tinh tế. Từ đó, ta thấy những địa điểm uống “trà đạo” phong cách Việt, với những nghệ nhân pha trà Việt xuất hiện ngày càng nhiều. Thực chất, phong cách uống trà ở hầu hết các nơi đều có nguồn gốc từ những kiểu thưởng trà thời xưa, nổi tiếng nhất là phong cách “Chè Chuyên”. Đây là hình thức uống trà dành riêng cho tầng lớp quý tộc nho sĩ, thịnh hành từ thời Lê cho đến thời kỳ đầu triều Nguyễn.

Nghệ thuật pha Chè Chuyên vẫn giữ nguyên theo phong cách của tiền nhân, với những dụng cụ uống trà nhỏ nhắn như: chén hạt mít, ấm quả quýt… Để có được một tách trà đúng chuẩn, “Nhất thủy - Nhị trà - Tam pha - Tứ ấm” là bốn bí quyết quan trọng nhất. Chị Hoàng Linh, 30 tuổi, nhân viên pha trà tại một nhà hàng chay trên đường Nguyễn Cư Trinh, quận 1, giải thích: “Nước pha trà muốn ngon thường dùng nước suối tinh khiết, nhiệt độ thích hợp là 80 đến 90 độ C. Bên cạnh đó là phải chọn được trà ngon và cách pha phù hợp, ấm trà thường là ấm bằng đất sét để giữ được hơi ấm lâu”.

Người trẻ và nghề pha trà

Nhiều bạn trẻ hiện nay khá hào hứng khi tìm hiểu về nghệ thuật pha trà. Tuy nhiên việc học hỏi chủ yếu là người đi trước dạy người đi sau, hoặc tham gia vào các buổi trao đổi kiến thức (workshop) tìm hiểu về trà tại các trà quán. Những người được gọi là nghệ nhân học chuyên sâu và bài bản về trà đạo còn khá hiếm.

“Vì thích tìm hiểu về trà, về không gian thưởng trà yên tĩnh, lắng đọng, tôi thường tham gia các buổi workshop về trà, thỉnh thoảng cũng tham gia pha trà ở quán trà đạo. Tuy nhiên, những người như tôi vẫn chưa gọi là nghệ nhân được, vì thực sự kiến thức ở lĩnh vực này còn mênh mông lắm”, anh Nguyễn Minh Hoàng, 27 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh, cho hay.

Những người trẻ khi theo đuổi công việc pha trà hiện nay cũng thừa nhận, để có thể gọi là nghệ nhân trà đạo, cần có một kiến thức nền chuẩn mực về trà, nhất là các dòng trà cổ. Tại các nhà hàng, nhất là những nhà hàng chay, người pha trà đạo còn thường phải kiêm luôn công việc pha chế những món nước uống khác của nhà hàng. Phần lớn những người pha trà tại các quán trà đạo hiện chủ yếu vì yêu thích trà nên tham gia pha chế để tìm hiểu nghiên cứu, bên cạnh công việc chính của bản thân.

Bên cạnh trà đạo truyền thống, một công việc pha trà mang âm hưởng của cuộc sống hiện đại đang thu hút nhiều bạn trẻ hiện nay với tên gọi tea-tender. Đây là công việc đòi hỏi người pha trà, phải biết kết hợp các loại trà cùng trái cây tươi hoặc nước ép trái cây để tạo nên những món uống trà trái cây kết hợp cùng thạch, đá lạnh hoặc đá xay, kem tươi…

Nói về thu nhập của nghề pha trà, chị Hoàng Linh cho biết: “Đa phần những người pha trà hiện nay đều vì họ thích trà nên tìm hiểu chứ không phải là công việc chính để kiếm sống. Còn với những trà nhân của trà đạo Nhật Bản hay nghệ nhân pha trà Việt nổi tiếng thì có thể biểu diễn pha trà ở nhiều nơi, thậm chí là ở nước ngoài, thu nhập mỗi tháng có thể được vài chục triệu”. Bên cạnh đó, các nghệ nhân nổi tiếng cũng thường mở trà quán, hay kinh doanh thêm về trà, ấm, chén… bên cạnh công việc chính là pha trà.

Thanh Dương

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Vinh danh những nhà tiếp thị xuất sắc giúp nâng tầm...

0
(SGTT) - Giải thưởng quốc tế Kotler Awards 2024 tôn vinh các nhà tiếp thị kinh doanh, chuyên gia marketing, nhà quản trị chiến...

Mới lạ bánh cuốn Cao Bằng, dùng nước hầm xương thay...

0
(SGTT) - Dù chỉ mới mở bán thời gian gần đây nhưng quán ăn Thủy ở quận 7 lại thu hút sự quan tâm...

Phát động cuộc thi thiết kế áo bà ba lần đầu...

0
(SGTT) - Nhằm lan toả nét đẹp văn hoá trong trang phục áo bà ba của dân tộc đến với thế hệ trẻ, dự...

Chỉ 10% người tiêu dùng thực hiện tuyên bố của họ...

0
(SGTT) - Có 72% người tiêu dùng Việt được khảo sát nói sẵn sàng trả thêm tiền cho sản phẩm thân thiện môi trường,...

Huế công bố 54 sản phẩm du lịch ấn tượng năm...

0
(SGTT) - Sau 4 tháng triển khai, chương trình bình chọn "Top 9 sản phẩm du lịch ấn tượng Huế" năm 2024 đã tìm...

Giá vàng trong nước tiếp tục tăng theo giá vàng thế...

0
(SGTT) - Sáng nay (22-11), giá vàng trong nước tiếp tục tăng giá, trong khi đó giá vàng thế giới chạm mức cao nhất...

Kết nối