(SGTT) - Thủ tướng giao các bộ, ngành nghiên cứu chính sách ưu đãi thị thực đặc biệt cho nhóm khách quốc tế có tầm ảnh hưởng như tỉ phú, người nổi tiếng… nhằm đạt kế hoạch đón 22–23 triệu lượt khách quốc tế trong năm nay. Qua đó, tạo động lực lan tỏa phát triển các ngành, lĩnh vực khác, đóng góp tích cực, hiệu quả vào việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8% trở lên.
- Tour đặc biệt dành cho cựu chiến binh thăm lại TPHCM sau 50 năm
- Bắt đầu thu vé tham quan bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam
- TPHCM bắn pháo hoa tại 30 điểm trong đêm 30-4

Trong Công điện số 34/CĐ-TTg ngày 10-4 về việc phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề xuất Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nghiên cứu, đề xuất chính sách thị thực thuận tiện, linh hoạt cho khách du lịch, như miễn thị thực (bao gồm cả miễn thị thực ngắn hạn), cải tiến thủ tục xét duyệt thị thực cho khách du lịch nhập cảnh vào Việt Nam theo các chương trình kích cầu du lịch hoặc tham gia các sự kiện ngoại giao, văn hóa.
Đồng thời, cần đề xuất cụ thể các chính sách ưu đãi thị thực cho những người có đóng góp hoặc ảnh hưởng đặc biệt như nhà nghiên cứu, văn nghệ sĩ, vận động viên thể thao nổi tiếng thế giới, chuyên gia, nhà khoa học, nhà đầu tư, tỉ phú… nhập cảnh vào Việt Nam với mục đích du lịch hoặc triển khai các nhiệm vụ, đề án về hội nhập quốc tế, hợp tác nghiên cứu, đầu tư phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Trước đó, trao đổi với Sài Gòn Tiếp Thị về việc tìm cách nâng tầm năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam, ông Nguyễn Sơn Thủy, Giám đốc Công ty Visit Indochina, nhận định Việt Nam nên có chính sách thị thực linh hoạt, hướng tới các phân khúc khách chất lượng cao như doanh nhân đến từ các nước G7, G20; chuyên gia, nhà khoa học; nghệ sĩ hay tỉ phú… Những nhóm khách này không chỉ có khả năng chi tiêu lớn mà còn có sức lan tỏa truyền thông nếu họ có trải nghiệm tích cực tại Việt Nam.
Ông Trần Trung Quảng, Tổng Quản lý khách sạn Fleur de Lys Quy Nhơn, cũng cho rằng việc mở rộng danh sách miễn thị thực cho các thị trường xa, giàu tiềm năng như châu Mỹ, Trung Đông và Đông Âu... là bước đi cần thiết để thu hút dòng khách chất lượng cao.
Từ đầu năm đến nay, Việt Nam đã tiến hành hai đợt “nới” thị thực cho một số thị trường tiềm năng. Vào ngày 15-2, Việt Nam miễn visa nhập cảnh cho ba quốc gia (Ba Lan, Cộng hòa Séc và Thụy Sĩ) theo Chương trình kích cầu phát triển du lịch năm 2025, thời gian áp dụng từ 1-3 đến 31-12.
Từ ngày 15-3 đến 14-3-2028, Việt Nam miễn thị thực nhập cảnh cho công dân 12 nước, gồm Đức, Pháp, Italy, Tây Ban Nha, Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland, Liên bang Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đan Mạch, Thụy Điển, Na Uy và Phần Lan. Công dân mang hộ chiếu của 12 quốc gia trên được phép lưu trú tại Việt Nam 45 ngày kể từ ngày nhập cảnh, không phân biệt loại hộ chiếu hay mục đích nhập cảnh, trên cơ sở đáp ứng các điều kiện theo quy định pháp luật Việt Nam.

Ngoài ra, về việc đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch, Thủ tướng khuyến khích các nhà đầu tư chiến lược, có trách nhiệm với môi trường đầu tư hình thành các khu dịch vụ du lịch phức hợp, các khu du lịch quốc gia, các dự án dịch vụ du lịch quy mô lớn, các trung tâm mua sắm, giải trí chất lượng cao tại các địa bàn trọng điểm.
Các loại hình, sản phẩm dịch vụ đang được quan tâm cũng cần được phát triển như du lịch sức khỏe, du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, trăng mật, du lịch golf… Đồng thời, tăng cường vận động, đăng cai tổ chức các sự kiện quốc tế để thúc đẩy du lịch sự kiện, hội thảo (MICE); tổ chức các sự kiện văn hóa, nghệ thuật cấp quốc gia, quốc tế gắn với công nghiệp giải trí nhằm tạo "tiếng vang", thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước.
Việc thúc đẩy phát triển dịch vụ du lịch, tiêu dùng du lịch cần gắn với “xuất khẩu tại chỗ” các sản phẩm văn hóa, nông nghiệp, công nghiệp mà Việt Nam có thế mạnh.
Năm 2024, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt 17,6 triệu lượt, tăng 39%; khách nội địa đạt 110 triệu lượt, tăng 1,6%; tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 840.000 tỉ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ năm 2023. Trong ba tháng đầu năm 2025, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 6 triệu lượt – cao nhất từ trước đến nay – tăng 29,6% so với quý 1 năm 2024.