(SGTT) - Tình yêu với bánh đã đưa Nghệ nhân Ẩm thực Lê Thị Kiều Oanh chinh phục những thành tựu trong nghề bếp. Hơn cả mong muốn phát triển bản thân, chị nuôi dưỡng ước mơ đưa tên Việt Nam ghi danh trên đấu trường ẩm thực quốc tế.
- Nghe bếp trưởng Hồng Kông kể chuyện nước chấm Việt
- Đầu bếp 31 tuổi tạo nền ẩm thực ‘hợp nhất’ từ cuộc dạo chơi 48 quốc gia châu Phi
- Bữa cơm “khuyết” và người bếp trưởng chọn gia vị Việt cho món Âu
Nghệ nhân Ẩm thực Kiều Oanh hiện đang giữ chức vụ Giám đốc Công ty International Culinary Arts WSCA-ICA, Trưởng phòng bánh Công ty Cổ phần bánh kẹo Á Châu (ABC Bakery); giảng viên ẩm thực; Phó chủ tịch Liên chi hội Bánh Việt Nam; đồng thời chị còn “chinh chiến” cùng các đầu bếp trẻ với vai trò huấn luyện viên, giám khảo quốc tế. Hơn 21 năm trong nghề, giờ đây, niềm say mê nghề bếp của chị được nâng lên thành khao khát cống hiến cho ngành ẩm thực Việt Nam vang danh thế giới.
Thử thách là cơ hội
Năm 14 tuổi, một lần đến công viên Đầm Sen cùng gia đình, chị Kiều Oanh tình cờ thấy một cuộc thi làm bánh đang diễn ra. Trong ánh mắt của cô học sinh, nghề bánh là những chiếc bánh kem đẹp mắt, được trang trí tỉ mỉ và cầu kỳ nhiều hình dạng bắt mắt. Chị say mê tham quan và ngắm nghía từng chiếc bánh mà các nghệ nhân đang thực hiện.
“Lúc đó có người đàn ông đến và đưa tôi danh thiếp của ông. Chú nói rằng, khi nào con muốn học làm bánh kem hãy gọi cho chú”, chị kể về cơ duyên gặp ông Kao Siêu Lực, Tổng giám đốc ABC Bakery. Ông Kao Siêu Lực là nhà tài trợ cuộc thi năm đó, đồng thời cũng là người thầy đầu tiên và có ảnh hưởng lớn nhất đến sự nghiệp của chị.
Thời gian trôi qua, cũng như nhiều bạn bè đồng trang lứa, chị tiếp tục con đường học tập và thi đỗ Đại học ngành Dược. Nghề đầu bếp nói chung và nghề bánh nói riêng thời ấy chưa sôi động và nhiều cơ hội như hiện nay. Chị dường như quên mất giấc mơ nghề bánh, cho đến khi học dược được một thời gian, chị nhận ra bản thân không phù hợp với ngành học này. Chị kể “Tôi chợt nhớ ra cuộc gặp với chú Kao Siêu Lực, tôi vẫn còn giữ kỹ danh thiếp ngày đó. Tôi quyết định gọi điện cho chú và thật may mắn được nhận vào tiệm bánh Đức Phát (tiền thân của ABC Bakery) để bắt đầu học nghề”.
Ban đầu, chị chỉ dự định xin được làm nhân viên bán hàng để có thể nhìn bánh mỗi ngày. Nhưng ông Kao Siêu Lực định hướng cho chị vào phòng bánh làm việc để thuận tiện cho việc học nghề, dù thời điểm đó chị hoàn toàn không có kiến thức nghề bánh. Đức Phát là cái nôi đầu tiên nơi chị được học tất cả những gì liên quan đến nghề bánh: từ phân loại nguyên liệu, phân loại bánh, cách tính giá sản phẩm… cho đến kinh nghiệm quản lý, điều hành bếp bánh.
Nhớ lại khoảng thời gian mới học nghề, chị chia sẻ “3 tháng đầu khi mới vào làm, hầu như đêm nào tôi cũng bật khóc bởi công việc ở bếp quá áp lực, nhiều thử thách, khác biệt hẳn so với môi trường học thuật mà trước đó tôi theo đuổi. Bên cạnh đó cũng là áp lực về con người, làm sao thích nghi hòa hợp với mọi người ở môi trường bếp. Nhưng nghĩ đến niềm đam mê bánh và sự giúp đỡ tận tình của chú, tôi vượt qua tất cả, tự tạo cho mình động lực. Những thử thách cả chuyên môn lẫn môi trường, tôi đều xem là cơ hội cho mình học hỏi. Tôi quan niệm việc người khác làm được thì chắc chắn mình cũng sẽ làm được”.
Tinh thần lạc quan và cầu tiến đã tiếp cho chị nhiệt huyết học nghề bánh. Chị tận dụng thời gian rảnh sau khi làm hết phần việc của mình để tham gia các khâu khác, nhằm học hỏi thêm kinh nghiệm từ thợ chính. Chỉ hai tháng kể từ ngày đầu nhận việc, chị đã lên được vị trí thợ chính phòng bánh từ cơ duyên một lần thợ chính nghỉ, chị trực tiếp thử sức tiếp quản vị trí này và hoàn thành tốt công việc.
Đưa Việt Nam vang danh thế giới
Cũng tại Đức Phát, đầu bếp Kiều Oanh lần đầu có cơ hội thử sức mình với các cuộc thi ẩm thực. Công ty có quy định sẽ tổ chức cuộc thi toàn hệ thống cho các nhân viên có tay nghề hai năm kinh nghiệm trở lên. Chị tham gia ngay lần đầu sau khi đạt đủ điều kiện, tuy nhiên dù không có giải ở lần đầu thi, chị tiếp tục nỗ lực rèn luyện tay nghề và quay trở lại cuộc thi những đợt tiếp theo. Sau đó, chị đã đạt được Giải Nhất 2 lần liên tiếp, mở ra cơ hội dự thi quốc tế lần đầu tiên tại Singapore vào năm 2010.
Lần đầu dự thi với bạn bè quốc tế, chị Oanh đã gặp nhiều bỡ ngỡ, khó khăn. Thậm chí đó còn là một kỷ niệm khó quên và bước ngoặt trên con đường sự nghiệp của chị. Năm đó, chị chuẩn bị bài thi sẵn sàng tất cả, luyện tập ngày đêm để chuẩn bị nguyên liệu lên đường sang nước ngoài đi thi. Vào ngày thi, chị mới biết thí sinh không được chuẩn bị nguyên liệu trước, phải làm trực tiếp tại cuộc thi.
“Tất cả những gì tôi chuẩn bị đều phải bỏ. Khoảnh khắc đó, tôi bật khóc, run sợ vì thời gian thi chỉ có 2 giờ, không kịp để chuẩn bị món bánh như dự kiến. Tôi đã thoáng nghĩ sẽ bỏ cuộc, nhưng khi nhìn xung quanh, thấy khán giả gọi “Việt Nam kìa”, tôi chợt tỉnh lại bởi nếu tôi bỏ cuộc, người ta sẽ chỉ nhìn thấy Việt Nam bỏ cuộc, chứ không phải Kiều Oanh bỏ cuộc. Hơn nữa, tôi bỏ cuộc tức là bác bỏ tâm sức của thầy và đồng nghiệp đã hỗ trợ khi thi. Tôi lập tức lấy lại bình tĩnh và hoàn thành phần thi với một món bánh khác”, chị nhớ lại kỷ niệm lần đầu ra nước ngoài thi đấu.
Phần thi năm ấy của chị đã đạt 100 điểm - điểm tuyệt đối giúp chị giành huy chương Vàng xuất sắc nhất cuộc thi FHA 2010 Culinary Challenge và danh hiệu Nghệ nhân có Đôi tay vàng. Chiến thắng vinh quang, song điều làm chị suy tư chính là vị thế của đầu bếp Việt và ẩm thực Việt trên bản đồ ẩm thực quốc tế. Chị nhận thấy bản thân đi thi không có người đi trước hướng dẫn chia sẻ kinh nghiệm nên gặp phải nhiều khó khăn, khi thắng giải thì các nước bạn tung hô rất hoành tráng, còn chị chỉ có một lá cờ Việt Nam nho nhỏ trên tay.
“Khi đó tôi tự hỏi có phải do Việt Nam còn thiếu những tổ chức hỗ trợ đầu bếp thi quốc tế, chưa khẳng định được vị thế dù có nhiều người tay nghề giỏi. Tôi trăn trở làm sao để giúp đỡ các bạn đầu bếp trẻ có sự chuẩn bị tốt nhất trước khi đi thi nhằm đạt thành tích tốt; làm sao đưa cờ Việt Nam tung bay thật cao, thật rộn ràng trên các sân khấu ẩm thực quốc tế lớn, đưa danh tiếng ẩm thực Việt vang danh với bạn bè năm châu”, chị Kiều Oanh nói.
Từ đó, động lực phát triển bản thân của chị còn được hun đúc bởi mong ước tên Việt Nam được gọi nhiều lần, nhiều nơi hơn nữa trên khắp thế giới. Chị tích cực tham gia thử sức hàng chục cuộc thi ẩm thực lớn - nhỏ trong và ngoài nước, đem về hàng loạt giải thưởng danh giá. Năm 2022 chị nhận được bằng khen Nghệ nhân Ẩm thực bởi những đóng góp và thành tích của mình cho nền ẩm thực và danh tiếng nước nhà với cương vị một đầu bếp.
“Tôi được nhiều bằng khen từ Hiệp hội Du lịch Việt Nam và tôi nhận ra, mình cứ làm tốt nhất nhiệm vụ là đang góp phần yêu nước, làm rạng danh tổ quốc. Khi ẩm thực Việt Nam rạng danh trên trường quốc tế cũng là cơ hội cho nhiều bạn bè thế giới biết đến chúng ta, từ đó có thể góp phần đưa nền kinh tế Việt Nam phát triển thông qua du lịch”, chị Oanh hào hứng nói về lý tưởng của mình.
Với lý tưởng đó, chị Kiều Oanh trở về và bắt đầu hành trình hiện thực hóa dự định giúp đỡ những đầu bếp trẻ khác hoàn thành sứ mệnh. Chị tham gia vào Hội đầu bếp Chuyên nghiệp Sài Gòn (SPC) - trực thuộc Hội Đầu bếp chuyên nghiệp thế giới (Worldchefs) với cương vị chủ nhiệm Câu lạc bộ Bếp bánh (Vietnam Pastry Alliance -VPA). Năm 2018, Chị Kiều Oanh còn đăng ký học và đạt chứng nhận giám khảo quốc tế để học hỏi thêm kinh nghiệm và kiến thức về các tiêu chuẩn cuộc thi ẩm thực thế giới.
Trở về Việt Nam chị cùng ông Kao Siêu Lực mở cuộc thi Đầu bếp bánh Việt Nam tài năng năm 2021, dưới sự chỉ đạo của Hiệp hội Du lịch TPHCM và Hội đầu bếp Chuyên nghiệp Sài Gòn mở rộng cho đầu bếp khắp cả nước tham gia. Bài thi của thí sinh sẽ được gửi 10 nước khác nhau, những giám khảo chấm thi đều là giám khảo quốc tế để được đánh giá theo chuẩn quốc tế. Cuộc thi tổ chức thành công là bước đệm để chị tiếp tục mở các chương trình đào tạo, huấn luyện đầu bếp trẻ tham gia cuộc thi ẩm thực nước ngoài.
Chị nhận thấy đầu bếp ở Việt Nam còn nhiều bỡ ngỡ và chưa có hiểu về các quy chuẩn thi quốc tế nên thường gặp nhiều khó khăn và khó đạt giải chỉ bởi những lỗi nhỏ. Từ đó, chị Kiều Oanh cùng Hội đầu bếp chuyên nghiệp Sài Gòn Đăng ký với Hiệp hội Đầu bếp thế giới tại Pháp tổ chức hội thảo Giám khảo quốc tế tại Việt Nam. Hội thảo diễn ra khoảng mỗi lớp 25 - 30 học viên với điều kiện là đầu bếp từ hai năm kinh nghiệm trở lên, Giáo viên giảng dạy và được giấy chứng nhận do Worldchefs cấp để truyền đạt kinh nghiệm và kiến thức khi tham gia thi quốc tế, giúp các bạn tăng cơ hội chiến thắng”, chị chia sẻ về hội thảo vừa tổ chức vào tháng 3-2023.
Nhìn lại 21 năm theo nghề, chị đúc kết “Tôi may mắn có những người đồng hành là đồng nghiệp, anh em, người thầy giỏi, luôn yêu thương và ủng hộ. Tôi tự hào là người Việt Nam và đã có thể ghi dấu ở nhiều đấu trường quốc tế. Hiện tại, tôi hoàn toàn làm vì tâm niệm muốn đưa ẩm thực Việt Nam ra thế giới bởi tôi đã được truyền cảm hứng, tình yêu nghề và tâm huyết từ người thầy đầu tiên - ông Kao Siêu Lực và tôi muốn lan tỏa tinh thần đó đến thế hệ sau, tiếp tục cùng tôi nối dài tên Việt Nam trên bản đồ ẩm thực thế giới”.
Với những đóng góp của mình cho ẩm thực Việt Nam, chị đã nhận được danh hiệu Nghệ nhân Ẩm thực Việt Nam vào năm 2022; bằng khen “Đầu bếp có đóng góp xuất sắc trong sự phát triển và quảng bá ẩm thực Việt Nam”; vinh danh đầu bếp Xuất sắc của năm 2023 vào ngày hội Đầu bếp thế giới 20-10-2023 tại Dinh Độc Lập cùng nhiều bằng khen khác từ thành phố và các hiệp hội liên quan trong năm qua.