Thứ Bảy, Tháng 7 26, 2025

Nghề làm gốm đen truyền thống của người M’nông ở Đắk Lắk

Du lịchHành trình - Điểm đếnNghề làm gốm đen truyền thống của người M’nông ở Đắk Lắk
(SGTT) – Không bàn xoay, không lò nung, không khuôn đúc – nghề làm gốm của người M’nông Rlăm ở buôn Dơng Bắk (nay thuộc xã Liên Sơn Lăk, tỉnh Đắk Lắk) vẫn tồn tại bền bỉ qua nhiều thế hệ, với kỹ thuật “nuôi đất”, “trích đất” và nung lộ thiên.

Cuối năm 2024, gốm Yang Tao đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, đánh dấu bước chuyển quan trọng trong hành trình gìn giữ và phục hồi một làng nghề truyền thống đặc sắc của Tây Nguyên.

Tại buôn Dơng Bắk, a mí H’Phiết Uông – người phụ nữ M’nông Rlăm ngoài 75 tuổi vẫn miệt mài nặn gốm. Ảnh: Tiêu Dao

“Nuôi đất” cho gốm

Tại buôn Dơng Bắk, a mí H’Phiết Uông – người phụ nữ M’nông Rlăm ngoài 75 tuổi vẫn miệt mài nặn gốm. Trong tay bà là một chú voi nhỏ vừa nung xong, màu đen bóng.

Buôn nằm bên hồ Lăk, dưới chân núi Chư Yang Sin, cạnh dòng sông Krông Ana một trong những con sông lớn của Tây Nguyên. Từ xa xưa, người dân nơi đây đã biết canh tác lúa nước, trồng năn – lác để đan chiếu, chèo thuyền đánh cá và chọn đất làm gốm. Những nghề thủ công truyền thống ấy hiện vẫn được một số hộ gìn giữ, dù không còn phổ biến như trước.

Dưới tán cây Kơnia, a mí H’Phiết Uông – một nghệ nhân gốm người M’nông Rlăm – vẫn đều đặn làm gốm mỗi ngày. Bà bắt đầu học nghề từ năm 18 tuổi, đến nay đã hơn nửa thế kỷ gắn bó với đất. “Hôm nào nhặt được đất thì làm thôi, khách đặt kiểu gì mình làm kiểu đó, còn không thì làm theo ý mình”, bà chia sẻ.

Để làm gốm, người M’nông Rlăm phải biết cách “nuôi đất” và “trích đất” – những khái niệm gắn liền với cả kỹ thuật và tín ngưỡng. Ảnh: Tiêu Dao

Theo H’Phiết Uông, để làm gốm, người M’nông Rlăm phải biết cách “nuôi đất” và “trích đất” – những khái niệm gắn liền với cả kỹ thuật và tín ngưỡng. Đất sét dùng để làm gốm được lấy từ bờ sông Krông Ana, có màu nâu vàng đặc trưng, khác với đất sét ở nhiều vùng khác. Sau khi lấy về, đất được ủ bằng cách che đậy, tưới nước hằng ngày để giữ ẩm và bảo tồn chất đất.

Khi làm gốm, người thợ sẽ “trích đất” – tức lấy một lượng đất vừa đủ để tạo nên một sản phẩm. Quá trình này được xem là một nghi thức tâm linh. Kích thước sản phẩm to hay nhỏ sẽ tùy thuộc vào khối đất đã được trích, người thợ không được thêm hoặc bớt.

“Đất này như quà tặng của Yàng (trời) chỉ dành riêng cho người M’nông”, bà H’Phiết nói. Trên vùng cao nguyên đất đỏ, theo bà, chỉ khu vực Yang Tao (này là xã Liên Sơn Lăk, tỉnh Đắk Lắk) mới có nguồn đất sét phù hợp để làm gốm theo cách truyền thống này.

Gốm truyền thống của người M’nông Rlăm không sử dụng bàn xoay mà được tạo dáng hoàn toàn bằng tay. Người thợ di chuyển xung quanh sản phẩm trong quá trình nặn – một kỹ thuật tương đồng với cách làm gốm của người Chăm.

Gốm truyền thống của người M’nông Rlăm không sử dụng bàn xoay mà được tạo dáng hoàn toàn bằng tay. Ảnh: Tiêu Dao

Những người phụ nữ (a mí) M’nông thường tự đi lấy đất sét từ bờ sông Krông Ana mang về buôn. Trong khi làm gốm, họ đứng, di chuyển vòng tròn quanh chiếc bàn gỗ thấp – tạo nên chuyển động liên tục thay cho trục quay. Đôi tay nhuốm màu đất kết hợp với nước để nặn thành hình dáng mong muốn.

Mỗi sản phẩm sau khi tạo hình được đánh bóng bằng đá, khắc họa tiết bằng que tre, sau đó phơi khô tự nhiên rồi nung trong lửa khoảng 30 phút. Nhiên liệu dùng để tạo màu cho gốm chỉ gồm vỏ trấu và mùn cưa, không dùng men hóa học.

Hiện nay, a mí H’Phiết Uông là một trong số ít nghệ nhân còn theo nghề tại buôn Dơng Bắk. Bà cho biết “Ngày xưa, cả vùng Yang Tao có 11 buôn đều làm gốm. Gốm làm ra dùng để đổi lấy lúa, khoai, trâu bò, thậm chí đổi cả nông cụ. Giờ thì chỉ còn Dơng Bắk làm, mà cũng chỉ còn 5-6 người thôi.”

Việc gìn giữ nghề gốm truyền thống của người M’nông Rlăm đang đối mặt với nhiều thách thức, trong đó có sự mai một về nhân lực, nguyên liệu khan hiếm, và khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm.

Phát triển du lịch cộng đồng từ nghề gốm

Người M’nông Rlăm làm gốm bằng phương pháp thủ công và nung lộ thiên, không sử dụng lò nung như nhiều nơi khác.

Sau khi tạo hình và phơi khô, các sản phẩm gốm được đặt trực tiếp lên nền đất trống. Bên dưới có lót củi khô, xung quanh chất rơm để đốt. Quá trình nung kéo dài khoảng 30 phút, với nhiệt độ và lửa thay đổi liên tục, đòi hỏi người thợ theo dõi sát để kiểm soát ngọn lửa.

Lớp khói trấu bám vào bề mặt gốm tạo nên sắc đen bóng đặc trưng – đây là điểm khác biệt nổi bật của gốm M’nông Rlăm so với nhiều dòng gốm khác. Ảnh: Tiêu Dao

Khi gốm vừa "chín" tới, sản phẩm được vùi ngay vào đống vỏ trấu đang cháy. Lớp khói trấu bám vào bề mặt gốm tạo nên sắc đen bóng đặc trưng – đây là điểm khác biệt nổi bật của gốm M’nông Rlăm so với nhiều dòng gốm khác. Một số sản phẩm có màu đen đồng nhất, số khác hiện lên những vệt khói, ám vàng hoặc nâu tùy vào cường độ lửa và thời gian nung.

Các vật dụng truyền thống thường gặp gồm bình, ché, bát, chén, lu đựng nước... đều có độ bền cao, khả năng chịu nhiệt tốt và không tráng men. Nhiều người từng nhầm lẫn rằng gốm M’nông có phủ men, nhưng thực chất đó là kết quả của kỹ thuật xử lý đất, nung trấu và cách đánh bóng truyền thống.

Các vật dụng truyền thống thường gặp gồm bình, ché, bát, chén, lu đựng nước... đều có độ bền cao, khả năng chịu nhiệt tốt và không tráng men. Ảnh: Tiêu Dao

Tuy nhiên, cũng như nhiều nghề thủ công truyền thống khác, nghề gốm M’nông Rlăm tại Yang Tao chịu ảnh hưởng lớn từ biến động kinh tế - xã hội và sự thay đổi trong nhu cầu tiêu dùng. Gốm không còn là nguồn thu nhập chính như trước, nhiều hộ đã bỏ nghề. Hiện tại, chỉ còn một vài nghệ nhân như H’Phiết Uông, H’Lưm Uông, H’Huyên Bhôk tiếp tục làm gốm tại buôn Dơng Bắk. Họ duy trì nghề với quy mô nhỏ, chủ yếu để gìn giữ kỹ thuật truyền thống và truyền dạy cho con cháu.

Sự phát triển của du lịch cộng đồng thời gian gần đây đã mang đến hy vọng mới cho nghề làm gốm của người M’nông tại buôn Dơng Bắk.

Chính quyền địa phương đã triển khai một số đề án bảo tồn và phát triển làng nghề gốm truyền thống, đặt hàng sản phẩm gốm từ nghệ nhân địa phương, tổ chức các lớp truyền dạy nghề, và giới thiệu sản phẩm đến các đơn vị lữ hành. Gốm thủ công của buôn Dơng Bắk đã được công nhận là sản phẩm OCOP đạt 3 sao cấp tỉnh, mở ra cơ hội tiếp cận thị trường rộng hơn.

Một số lớp học nghề từng thu hút vài chục học viên, chủ yếu là người trẻ trong buôn. Các nghệ nhân tranh thủ thời gian nông nhàn để làm sản phẩm vừa để gìn giữ tay nghề, vừa phục vụ khách du lịch và các đoàn nghiên cứu.

Song song đó, các tour du lịch trải nghiệm cũng đã về đến Yang Tao, tạo điều kiện cho nghệ nhân địa phương trình diễn kỹ thuật làm gốm cổ. Du khách khi đến thăm làng gốm không chỉ được tìm hiểu quy trình thủ công, mà còn có thể trực tiếp tham gia tạo hình, trang trí sản phẩm và mang về làm kỷ niệm.

Nghề gốm truyền thống của người M’nông Rlăm tại buôn Dơng Bắk đã chính thức được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào cuối năm 2024. Ảnh: Tiêu Dao

Những hoạt động này bước đầu giúp gốm Yang Tao có thêm cơ hội được hồi sinh, đồng thời trở thành điểm nhấn văn hóa trong phát triển du lịch bền vững tại khu vực Tây Nguyên.
Nghề gốm truyền thống của người M’nông Rlăm tại buôn Dơng Bắk đã chính thức được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào cuối năm 2024.

Ông Nguyễn Anh Tú, Chủ tịch UBND xã Liên Sơn Lăk, cho biết thời gian qua, các sở, ban, ngành, hiệp hội và chính quyền địa phương đã triển khai nhiều giải pháp nhằm phát triển sản phẩm du lịch gắn với nghề làm gốm truyền thống của buôn Dơng Bắk. "Từ những định hướng cụ thể này, chúng tôi tin rằng trong thời gian tới, nghề gốm không chỉ được bảo tồn mà còn góp phần tạo sinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân", ông Tú nói.

Tiêu Dao

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục