(SGTT) - Ngọn Độc Nhãn Sơn lừng lững nhô lên giữa miền thung lũng, cỏ xanh mơn man, đang tĩnh tọa soi bóng mặt hồ phẳng lặng, thẳm xanh màu ngọc bích...
Cao Bằng mỗi mùa đều có những nét đẹp riêng. Nhưng với tôi, có lẽ nơi này lại quyến rũ nhất vào khoảng tháng 8-9, thời điểm thác Bản Giốc ầm ào nước đổ. Đẫm trong khói lam chiều, nơi cuối cánh đồng lúa vàng trĩu hạt, con thác bụi mù trắng xóa lẫn trong mịt mờ sương khói. Hoặc trễ hơn, vào thời điểm gần cuối năm, những cánh đồng tam giác mạch bung biêng hoa nở và trên khắp núi đồi trải dài xuống tận thung lũng, bất tận thảm hoa vàng dã quỳ lay lay trong gió.
Tôi trở lại Cao Bằng với cung đường mới, khám phá những danh thắng tại vùng đất miền biên viễn địa đầu Tổ quốc, cùng với thác Bản Giốc, hồ Thang Hen, động Ngườm Ngao; đặc biệt là khám phá thung lũng núi Thủng Nà Ma mà dân ưa xê dịch thường gọi Mắt Thần Núi.
Nếu như Hồ Thang Hen đẹp tựa chốn bồng lai, động Ngườm Ngao ví như tiên cảnh chốn trần gian, thác Bản Giốc là thiên đường hạ giới thì vào đến thung lũng Mắt thần núi Nà Ma như vào miền cực lạc, nơi chỉ cách trung tâm TP Cao Bằng khoảng độ 30km theo cung đường đèo quanh co ngoạn mục.
Để vào núi Thủng Nặm Trá (Thủng Nà Ma, núi Phja Piót theo tiếng Tày) chỉ cần đi hết đèo Mã Phục đến địa phận xã Quốc Toản (huyện Trà Lĩnh) là đến. Theo con đường mòn lạo xạo gót chân, hai bên là hàng rào xếp đá kì công, uốn lượn cùng những ruộng bậc thang lấp xấp dẫn chúng tôi vào thung lũng núi Mắt thần.
Đường vào núi đẹp đến ngỡ ngàng. Chỉ tầm 15 phút băng qua con đường mòn hơn cây số rưỡi tính từ đường cái. Bạn nên đi bộ. Vừa ngắm cảnh, hòa cùng với cảnh quan thiên nhiên, non xanh nước biếc, thoảng hương đồng cỏ nội với đồng lúa, ruộng ngô, những nếp nhà sàn lợp ngói âm dương, đàn trâu, bò nhẫn nha gặm cỏ mới tận hưởng trọn vẹn vẻ đẹp vô cùng tuyệt mỹ nguyên sơ xứ này.
Lên cuối dốc là đến, cảnh quan rộng mở, trải dài xuống tận bên dưới thung lũng. Ngay trung tâm là Núi mắt thần Phja Piót, ngọn Độc Nhãn Sơn lừng lững nhô lên giữa một thung lũng cỏ xanh mướt. Có một khoảng trống đường kính chừng 50 mét giữa thân núi, nơi mà nhìn xuyên qua đó có thể thấy ánh mặt trời và khoảng trời xanh bên kia. Trông xa như con mắt độc nhãn của vị thần núi tĩnh tọa, đang phóng tầm mắt canh giữ vùng trời đất thiêng bao quát hàng nghìn dặm.
Bao quanh ngọn núi là hồ nước xanh biếc, phẳng lặng ôm ấp bởi những thảm cỏ xanh mơn man, hiền hòa; phía sau là rừng cây, xa hơn chút nữa là các dãy núi trùng điệp, chồng lên nhau kéo dài tít tắp.
Rõ là, đứng trước khung cảnh thiên nhiên hoang sơ, thơ mộng, đẹp tựa tiên cảnh nơi đây khiến như mình đang ở một nơi nào đó vô thực, tách biệt với bên ngoài ồn ào, náo nhiệt; lại cảm thấy như mình đang hòa cùng thiên nhiên trong tiếng gió vi vu qua tán lá như cách chia sẻ của Như Huệ - chuyên viên phòng Quản lý Du lịch, Sở VHTTDL tỉnh Cao Bằng. Trong ánh tà dương chiếu qua khoảng trống của ngọn núi hắt trên mặt nước, trong gợn sóng vỗ nhè nhẹ bờ cỏ, bóng núi nghiêng nghiêng… một cảm xúc mê đắm lòng người. Cảm ơn thiên nhiên đã ưu ái ban tặng cho miền đất biên viễn Cao Bằng một tuyệt tác vô cùng độc đáo đến vậy.
Cùng với nhiều danh lam thắng cảnh như thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao, hồ Thăng Hen, khu rừng sinh thái Phja Oắc-Phja Đén, Núi mắt thần… đã làm nên danh thắng chốn này một vẻ mộc mạc nhưng vô cùng hấp dẫn, một nét duyên non nước Cao Bằng rất riêng nhưng thật vô cùng quyến rũ.
Một số hình ảnh về cảnh quan, đời sống của người dân Cao Bằng:
Hữu Long