(SGTTO) Người tập cần lưu ý nên ăn gì và ăn khi nào trước khi tập thể dục để tránh tình trạng khó tiêu, đầy bụng và nôn trớ.
Đối với các bữa ăn chính với lượng thức ăn nhiều, thời gian tập thể dục nên cách bữa ăn chính trước đó ít nhất hai giờ và trước bữa ăn chính sau đó ít nhất một giờ.
Nguyên nhân đầu tiên là do dạ dày cần khoảng hai giờ để có thể tiêu hóa hết lượng thức ăn có trong dạ dày. Nếu tập trước hai giờ, khi lượng thức ăn còn nhiều trong dạ dày sẽ gây nên tình trạng khó tiêu, đầy bụng và dễ nôn trớ, bởi vì lưu lượng máu tập trung nhiều hơn đến các cơ bắp để vận động nên sẽ giảm lượng máu đến dạ dày để tiêu hóa thức ăn.
Thứ hai, sau khi tập thể dục, các cơ bắp cần được tưới máu để hồi phục, thời gian hồi phục sẽ là khoảng một tiếng cho đến khi nhịp tim trở về mức bình thường. Nếu ăn bữa ăn chính quá sớm sau bữa tập sẽ khiến suy giảm lượng máu đến các cơ bắp, làm cho quá trình hồi phục cơ bắp kém hiệu quả và kéo dài. Do đó, việc phân bố thời gian cho các bữa ăn chính hợp lý sẽ giúp cho cơ thể tập trung vào một việc trong một thời điểm: tiêu hóa thức ăn hoặc là hồi phục cơ bắp. Nhờ đó, cơ thể hoạt động hiệu quả hơn, cơ bắp phát triển tốt hơn và hệ tiêu hóa cũng làm việc tốt hơn.
Đối với các bữa ăn phụ, với lượng thức ăn ít, có thể ăn nhấm nháp vào lúc trước ăn, trong ăn và cả sau ăn. Bữa ăn phụ trong tập thể dục tốt nhất nên là một bữa ăn nhẹ nhàng, ở dạng lỏng, với các loại thức ăn mềm, dễ tiêu, ít béo, nếu ở dạng rắn thì khối lượng chỉ nên khoảng 100g. Điều này giúp tạo cảm giác nhẹ nhàng, thoải mái ở bụng, không gây cảm giác khó chịu, nặng bụng, buồn nôn trong khi tập thể dục. Tác dụng của bữa ăn phụ chủ yếu là cung cấp và duy trì năng lượng ở mức ổn định, đảm bảo cơ thể không bị đuối sức, giúp gia tăng thành tích và hiệu quả trong luyện tập.
Bác sĩ dinh dưỡng Nguyễn Văn Anh
Nguyên Phó khoa dinh dưỡng Bệnh viện Nhân Dân Gia Định, chủ nhiệm CLB dinh dưỡng