(SGTT) - Các hạn chế thương mại áp vào sản phẩm nước ngoài, kết hợp với các khoản tín dụng thuế hào phóng đã giúp vực dậy ngành công nghiệp sản xuất thiết bị năng lượng mặt trời của Mỹ.
- Đến năm 2050, năng lượng tái tạo sẽ chiếm hơn 70% trong cơ cấu nguồn điện Việt Nam
- Cuộc đối đầu giữa ngành du lịch và sản xuất trong tham vọng năng lượng tái tạo ở châu Âu
Tại cuộc điều trần trước Ủy ban Thương mại quốc tế Mỹ (ITC) ở Washington vào 6 năm trước, một lãnh đạo cấp cao của Suniva, nhà sản xuất tấm pin mặt trời , có trụ sở ở bang Georgia, cảnh báo sự cạnh tranh từ các công ty ở Trung Quốc và Đông Nam Á đang gây ra cuộc “tắm máu” trong ngành công nghiệp này. Ông nói, hơn 30 công ty năng lượng mặt trời ở Mỹ buộc phải đóng cửa chỉ trong 5 năm trước đó, và những công ty khác sẽ rơi vào tình thế tương tự, trừ khi chính phủ hỗ trợ họ. Vào tháng 4-2017, Suniva đã đệ đơn ra tòa yêu cầu bảo hộ phá sản.
Những lời thỉnh cầu của Suniva đã thúc đẩy chính quyền Tổng thống Donald Trump áp thuế đối với các tấm pin mặt trời do nước ngoài sản xuất vào năm 2018. Nhưng phản ứng đó không đủ để ngăn chặn việc làm trong ngành công nghiệp năng lượng mặt trời chảy ra nước ngoài. Các nhà máy của Suniva ở Mỹ vẫn dừng hoạt động với triển vọng tái cửa cửa mờ mịt.
Nhưng vào tháng trước, Suniva công bố kế hoạch mở lại một nhà máy ở Georgia. Tất cả là nhờ các quy định bảo hộ thương mại và quan trọng hơn là các khoản tín dụng thuế mới (giảm trừ mức thuế phải nộp) cho hoạt động sản xuất năng lượng mặt trời ở Mỹ từ Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) được Tổng thống Joe Biden ký ban hành hồi năm ngoái.
Các công ty năng lượng mặt trời ở nhiều nước trên thế giới từ lâu được hưởng lợi từ các khoản trợ cấp và bảo hộ thương mại từ chính phủ của họ. Nhưng ở Mỹ, hiện nay, các công ty cùng ngành chưa bao giờ chứng kiến nhiều nỗ lực hỗ trợ đồng thời như vậy từ chính phủ.
Sự kết hợp của hàng tỉ đô la tín dụng thuế cung cấp cho các nhà máy sản xuất thiết bị năng lượng mặt trời và những hạn chế thương mại siết chặt hơn đối với các sản phẩm năng lượng mặt trời nước ngoài dường như đang thúc đẩy làn sóng đưa việc làm trong ngành này về Mỹ.
Theo dữ liệu từ Viện Công nghệ Massachusetts và Công ty nghiên cứu Rhodium Group, kể từ đạo luật IRA được ký ban hành hồi tháng 8-2022, các công ty đã công bố đầu tư mới gần 8 tỉ đô la Mỹ vào các nhà máy sản xuất thiết bị năng lượng mặt trời trên khắp nước Mỹ. Con số này cao hơn gấp ba lần tổng mức đầu tư được công bố từ năm 2018 đến giữa năm 2022.
Suniva có kế hoạch mở lại đồng thời mở rộng một nhà máy sản xuất tấm pin mặt trời ở Norcross, Georgia vào mùa xuân tới. Trong tháng này, REC Silicon (Na Uy) sẽ khởi động lại một nhà máy sản xuất polysilicon ở Moses Lake, bang Washington, vốn đóng cửa vào năm 2019. Polysilicon (silicon đa tinh thể) là một thành phần chính của tấm pin mặt trời.
Maxeon, nhà sản xuất tấm pin mặt trời và tấm mô-đun năng lượng mặt trời, có trụ sở tại Singapore, sẽ khai trương một nhà máy trị giá 1 tỉ đô la ở bang New Mexico vào năm tới. Các ưu đãi trong đạo luật IRA là yếu tố thúc đẩy các quyết định đầu tư của các công ty nói trên.
Trung Quốc đã nắm quyền thống trị trong ngành công nghiệp năng lượng mặt trời trong hơn một thập niên. Nhu cầu năng lượng mặt trời của Mỹ đã tăng mạnh kể từ năm 2010, với mức tăng khoảng 24% mỗi năm. Nhưng phần lớn chi tiêu tăng thêm đó là để mua các tấm pin mặt trời rẻ hơn của nước ngoài, thường do các công ty Trung Quốc sản xuất hoặc sử dụng linh kiện của Trung Quốc. Điều này làm dấy lên mối lo ngại về việc Mỹ quá phụ thuộc vào chuỗi cung ứng thiết bị năng lượng mặt trời ở Trung Quốc.
Việc làm trong lĩnh vực sản xuất thiết bị năng lượng mặt trời ở Mỹ đạt đỉnh vào năm 2016, với chỉ hơn 38.000 công nhân. Đến năm 2020, gần 1/5 số việc làm đó đã biến mất. Nhưng hiện tại, lĩnh vực này đang chứng kiến việc làm tăng trưởng trở lại.
E2, một tổ chức phi lợi nhuận về môi trường, ước tính, các khoản đầu tư mới được công bố trong năm đầu tiên triển khai đạo luật IRA giúp tạo ra 35.000 việc làm xây dựng tạm thời và 12.000 việc làm lâu dài trên toàn bộ ngành năng lượng mặt trời ở Mỹ trong những năm tới. Hàng nghìn công việc lâu dài đó có liên quan đến sản xuất, gồm khoảng 2.000 việc làm tại nhà máy mới của Maxeon ở New Mexico.
Các nhà kinh tế và lãnh đạo của các công ty ghi nhận số lượng công việc tăng lên phần lớn là nhờ các khoản trợ cấp của nhà nước làm thay đổi bài toán kinh tế của ngành theo hướng có lợi cho hoạt động sản xuất trong nước.
Peter Aschenbrenner, Giám đốc chiến lược của Maxeon, cho biết chi phí sản xuất ở Mỹ của Maxeon sẽ giảm khoảng 10% nhờ khoản tín dụng thuế sản xuất mới trong đạo luật IRA áp dụng cho tấm pin mặt trời và tấm mô-đun năng lượng mặt trời. Ông nói, khoản tín dụng thuế đó đủ bù đắp mức lương cao hơn và chi phí xây dựng nhà máy ở Mỹ. Đạo luật IRA cũng bao gồm các khoản tín dụng dành cho khách hàng mua tấm pin mặt trời được sản xuất tại Mỹ.
Aschenbrenner cho biết, những ưu đãi đó có thể giúp Mỹ xây dựng một ngành công nghiệp năng lượng trời đủ lớn và hiệu quả để cạnh tranh với Trung Quốc trong những năm tới, ngay cả khi không có trợ cấp.
Nhưng một số nhà kinh tế lo ngại các chương trình trợ cấp và ưu đãi thuế như vậy sẽ gây tốn kém chi phí quá lớn để tạo ra việc làm. Một nghiên cứu năm 2021 của Viện Kinh tế quốc tế Peterson về các chương trình chính sách công nghiệp trước đây cho thấy, khoản đầu tư năm của chính phủ Mỹ hồi năm 2009 vào Solyndra, một công ty năng lượng mặt trời cuối cùng đã phá sản, khiến người nộp thuế phải trả khoảng 216.000 đô la cho mỗi công việc được tạo ra, gấp hơn 4 lần mức lương hàng năm phổ biến trong ngành.
Lê Linh