Thứ bảy, Tháng mười hai 28, 2024

“Mùa dịch, biết là sai quy định, nhưng không làm lấy gì ăn”

(SGTT) - Giữa lòng thành phố sôi động nhất Việt Nam hiện có biết bao nhiêu mảnh đời đang phải chật vật, bươn chải để kiếm kế sinh nhai giữa làn sóng dịch Covid-19 bùng phát mạnh, khi mỗi ngày mở mắt là bao nhiêu chi phí đang chờ họ.

Theo UBND TPHCM, bắt đầu từ ngày 29-6 thành phố tiếp tục áp dụng Chỉ thị 10, dừng các loại hình dịch vụ, kinh doanh không cần thiết, ngưng hoạt động các chợ tự phát, xe buýt, xe khách và xe taxi. Mặc dù biết phải tuân thủ yêu cầu của thành phố, nhưng thực tế cuộc sống nhiều người mưu sinh kiếm ăn từng bữa đang bị ảnh hưởng khá lớn. Nguồn thu nhập bị cắt giảm khiến nhiều người rơi vào tình trạng lo lắng, không biết phải làm gì để duy trì cuộc sống trong những ngày sắp tới.

Lao động tự do chật vật mưu sinh

Trên tuyến đường Trần Phú (quận Tân Phú), một vài tài xế xe công nghệ chở khách đã phải đậu xe dưới trời nắng trong vài giờ đồng hồ để chờ và đón khách. Liên tục mở điện thoại để kiểm tra, tuy nhiên lại không có bất kỳ thông báo tin nhắn hay cuộc gọi nào đến từ khách hàng.

Chia sẻ với Sài Gòn Tiếp Thị, anh Trường An cho biết: "Trước khi chưa bùng dịch, một ngày tôi chạy khoảng mười mấy chuyến thu nhập cũng ổn. Còn bây giờ thì số lượng khách đặt xe giảm đi đáng kể, một ngày không được bao nhiêu. Vừa làm vừa học để kiếm thêm thu nhập mà dịch vậy nên khoảng thời gian này tất cả mọi thứ tôi đều phải phụ thuộc vào gia đình ".

Tại Ngã tư Hàng Xanh (quận Bình Thạnh), thời gian này không khó để bắt gặp cảnh tượng các chú xe ôm truyền thống ngồi trên chiếc xe cũ của mình với đôi mắt đượm buồn nhìn dòng người qua lại.

Chú Lộc, một tài xế xe ôm truyền thống chia sẻ: "Trước mắt, bây giờ không có khách. Dịch bệnh khó khăn đủ thứ, xe ế lắm vì không ai dám đi đâu, nhà ai nấy ở. Ra ngoài đường lúc này đứng chủ yếu kiếm cơm từ thiện. Chạy xe thì nhiều lắm trong ngày cũng chỉ được một, hai cuốc xe. Một cuốc xe nhiều khi có 10.000 - 20.000 đồng. Mình sống chủ yếu là nhờ từ thiện từ cháo, cơm, mì gói, đủ thứ. Nhiều khi người ta ghé thì người ta cho năm ba chục nghìn để xoay xở qua ngày".

Xe ôm truyền thống vẫn đậu xe chờ khách dù đường xá vô cùng vắng vẻ.

Mỗi ngày thức dậy đối mặt với biết bao nhiêu thứ phải lo, gánh nặng chồng chất lên nhau, nỗi lo cơm, áo, gạo, tiền khiến nhiều người không có công việc ổn định phải cố gắng bám trụ sống qua ngày.

Tiệm cắt tóc của chị Thảo nằm trong một con hẻm nhỏ trên đường 1A (huyện Bình Chánh) đã phải đóng cửa gần hai tháng nay, không thể tạo ra thu nhập. Chị quyết định chuyển hướng sang bán bánh tráng, chả lụa, đồ khô… trên mạng xã hội.

Chị chia sẻ: "Tôi làm nghề tóc. Trước đây làm có thu nhập hằng ngày, khách cũng lai rai, kiếm sống lo chi phí các thứ thì cũng ổn. Còn hiện tại do bị ảnh hưởng dịch Covid, không có tiền, lại đủ thứ chi phí nên phải mua bán nhỏ thêm trên mạng thì nó cũng tạm ổn thôi; chứ kinh tế gia đình đang bị ảnh hưởng dữ lắm".

Cuộc sống vốn khó khăn nay lại càng bấp bênh hơn, khi có lệnh cấm hoạt động các khu chợ tự phát, nhiều tiểu thương phải chấp nhận nghỉ để chống dịch, chật vật sống qua ngày mà không biết khi nào có thể bán lại.

Trên con đường Hương Lộ 2 (quận Bình Tân), chị Thảo với một ít rau được bày ra dưới lề đường với hy vọng bán được được chừng nào hay chừng đấy. Chị nơm nớp lo lực lượng trật tự đô thị phạt nhưng có một nỗi lo lớn hơn đó là ngày mai không có gì để ăn.

"7:00 sáng, tôi đi lấy hàng rồi mang về phòng trọ để đó, chiều mới mang ra bán. Một ngày ra bán chút xíu rồi về, lời năm bảy chục ngàn. Tiền trọ này kia phải đóng, không bán thì tiền đâu mà đóng", chị Thảo cho biết.

Biết sai quy định, nhưng vẫn phải làm vì miếng cơm

Trái với Chỉ thị 10 được ban hành, đi dọc theo tuyến đường Tây Lân (quận Bình Tân) vào lúc 17:30, khu chợ tự phát vẫn hoạt động sôi nổi. Người mua kẻ bán vẫn ồn ào, náo nhiệt.

Ghé ngang một cửa hàng tạp hóa bị giăng dây, người dân vẫn bán buôn bất chấp lệnh giãn cách. Qua cuộc trò chuyện với chủ cửa hàng, được biết khung giờ hoạt động của khu vực chợ tự phát chủ yếu là chiều tối.

Buổi sáng, khi có mặt của đội an ninh đô thị và lực lượng chức năng kiểm tra xử phạt, các tiểu thương không thể dọn hàng để buôn bán. Ai cũng phải bươn chải kiếm sống qua ngày trong khu chợ chồm hổm. Buôn gánh bán bưng trước giờ đã quen. Khi dịch bệnh ngày càng lan rộng, nhiều người cũng muốn chuyển sang nghề khác, nhưng giờ đi làm thuê cũng không ai mướn.

Chủ tiệm tạp hóa cho biết thêm "Cũng sợ dịch lắm mà bây giờ không ai hỗ trợ, không bán thì tiền thuế, tiền nhà vẫn phải trả hàng tháng. Tiền đâu mà trả. Siêu thị tiện lợi đối diện vẫn bán như thường, chỗ tôi không bán ngày nào là đói ngày đó. Một ngày chi phí sinh hoạt trong gia đình cũng đã hơn 300.000 đồng".

Cửa hàng tạp hóa dù bị giăng dây nhưng vẫn cố gắng kiếm sống từng ngày. Ảnh: Kim Chi
Tiểu thương bán rau trong khu chợ tự phát đường Tây Lân (quận Bình Tân). Ảnh: Kim Chi

Dẫu biết bán buôn vào thời điểm nhạy cảm như thế này có thể làm ảnh hưởng không ít đến xã hội, nguy cơ tiềm ẩn và lây lan dịch bệnh khó có thể kiểm soát được, tuy nhiên, nhiều người vẫn phải tiếp tục bán vì miếng cơm, manh áo hàng ngày. Nếu không làm thì nỗi lo lớn hơn nhiều của họ đó là "không có gì để ăn".

Rong ruổi cả buổi cũng chỉ mong kiếm được chút lãi trang trải qua ngày. Trong thời điểm dịch bệnh đang hoành hành, những người lao động cũng chỉ ngậm ngùi, cắn răng chịu đựng, với hy vọng mong cho dịch bệnh nhanh chóng qua đi, trả lại cho họ nhịp sống như những ngày bình thường.

Kim Chi


Với chuyên đề “Họ sống thế nào trong đại dịch”, chúng tôi muốn khắc họa một bức tranh cuộc sống mà trong đó, từ những người đang không có một công cụ lao động nào trong tay cho đến những doanh nghiệp quy mô lớn, làm thế nào để duy trì và ổn định được “sức khỏe” của mình trong đại dịch.

Chuỗi nội dung trong chuyên đề này sẽ được đăng tải trên ác ấn phẩm của nhóm Kinh tế Sài Gòn gồm Kinh tế Sài Gòn OnlineSài Gòn Tiếp Thị và The Saigon Times (tiếng Anh).

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Nhất vị tô bún mọc, sườn, tôm 40 năm ở quận 11

0
(SGTT) - Cứ đều đặn vào bốn giờ sáng mỗi ngày, bà Hai lại cặm cụi chuẩn bị mở quầy bún thân quen của mình. Món bún mọc, sườn, tôm do bà nấu đã là một phần ký ức tuổi thơ của những thế hệ người dân quận 11...

Đến chợ Thủ Đức nhớ thử vị phở Huỳnh

0
(SGTT) - Trung tâm thương mại Thủ Đức (hay còn gọi chợ Thủ Đức) là ngôi chợ biểu tượng đặc trưng của TP Thủ Đức, tấp nập sự giao thương hàng hóa. Ẩm thực nơi đây khá đa dạng để phục vụ người dân tham quan, mua sắm. Nếu...

Nông dân, tiểu thương tăng tốc chuẩn bị nguồn rau cho mùa tiêu thụ lớn nhất năm

0
(SGTT) - Thời điểm này, nông dân và các hợp tác xã rau an toàn trên địa bàn TPHCM đang đẩy mạnh sản xuất, mở rộng quy mô và tăng sản lượng để chuẩn bị nguồn cung ứng cho mùa tiêu thụ lớn nhất trong năm. Song song đó,...

Amp – tiệm cà phê có sân thượng ‘đón tết sớm’

0
(SGTT) - Dành riêng không gian sân thượng để bài trí theo chủ đề tết, tiệm Amp ở đường Tô Hiến Thành, quận 10 hiện là điểm thu hút các tín đồ lê la cà phê tìm đến để check-in, chụp ảnh và thưởng thức những thức uống đặc...

Càng cận tết, càng khó tìm vé tàu xe về quê

0
(SGTT) - Càng gần tết, giá vé các loại tàu, xe, máy bay càng đắt đỏ và ít lựa chọn. Nhiều người có nhu cầu về quê ăn tết nhưng hiện vẫn chưa mua được vé phù hợp. Thời tiết cả nước dịp Tết Dương lịch 2025 ra sao? ...

Ngân hàng ‘tranh thủ’ phát hành thẻ miễn phí cho khách đi metro số 1

0
(SGTT) - Tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) chính thức vận hành từ ngày 22-12. Trong 10 ngày đầu (22-12 đến 31-12-2024), tàu phục vụ miễn phí, hành khách cần sử dụng thẻ Mastercard để lên tàu. Dịp này, nhiều ngân hàng tại TPHCM đã bố...

Kết nối


Cùng chuyên mục