Thứ hai, Tháng mười một 25, 2024

Mồ hôi diêm dân mặn hơn muối!

Làng muối tại xã An Ngãi, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, đang vào vụ thu hoạch. Mới khoảng 10 giờ sáng, song cái nắng gay gắt cùng những cơn gió chướng có thể khiến người lạ rất khó chịu, nhưng với diêm dân lại vui, xem đây là thời điểm thuận lợi để thu hoạch muối. Nhưng niềm vui chỉ ngắn ngủi, họ lại ưu tư, lo âu cho cuộc sống hôm nay và ngày mai.

Xã An Ngãi là địa phương có diện tích ruộng muối lớn nhất khu vực Bà Rịa- Vũng Tàu, có gần 200 hộ dân sống bằng nghề làm muối, với diện tích 371 ha ruộng muối. Bình thường thu hoạch khoảng 6-7 vụ/năm, những năm thời tiết không thuận lợi chỉ 4-5 vụ/năm. Bình quân 1 ha muối thô cho sản lượng gần 70 tấn/vụ, giá bán hiện nay chỉ ở mức 1.100 đồng/kg trong khi 1 ha muối trải bạt sẽ cho sản lượng khoảng 130 tấn/vụ, cao gần gấp đôi so với muối thường và có giá 1.300 đồng/kg. Tuy nhiên, diêm dân phải đầu tư chi phí 70-80 triệu đồng/ha và ba năm phải thay bạt một lần.

Mất mùa mà giá vẫn rớt!

Nghề làm muối vô cùng vất vả, họ làm quần quật mấy tháng liền nhưng chỉ đủ chi phí trang trải cho sinh hoạt thường nhật trong cuộc sống của gia đình. Nhưng oái ăm, hễ muối được mùa thì giá quá thấp, mất mùa thì giá lại đẩy lên cao gấp đôi, ba lần. Nên diêm dân cứ ở mãi trong vòng luẩn quẩn nghèo khó.

Diêm dân Nguyễn Văn Nam cho biết, vụ muối 2013-2014 này thời tiết bất thường, gió yếu, trời lạnh kéo dài đã ảnh hưởng đến sự kết tinh của muối nên năng suất thấp. “Sau Tết, thời tiết cũng không thuận lợi; có thể nói vụ muối năm nay mất mùa, đã vậy, giá còn rớt xuống thấp”. Và, đầu ra cho hạt muối bao năm nay vẫn luôn bấp bênh.

Nghề làm ra vị mặn cho đời ở Xã An Ngãi là nghề truyền thống lâu đời, cha truyền con nối (khoảng 160 năm). Cảnh “diêm ông diêm bà” thay nhau đẩy những chiếc xe kút kít nặng trĩu đưa muối về “tập kết” một chỗ thật nhịp nhàng. Những thanh niên đầu trần, phơi người dưới cái nắng trưa gay gắt; nhất là cánh phụ nữ họ cũng đẩy bon bon chẳng “thua kém lẹm cằm” các đấng nam nhi. Ai cũng mồ hôi nhễ nhại thấm ướt áo, làm những mảng muối trắng vền vện. Thế mới cảm nhận mồ hôi của người làm muối đổi lấy đồng tiền bát gạo còn mặn hơn rất nhiều.

Muối An Ngãi sản xuất theo phương pháp truyền thống còn mang tính tự phát, năng suất và chất lượng muối sản xuất phụ thuộc vào kinh nghiệm dân gian, dẫn đến năng suất thấp, chất lượng chưa cao. Rồi phải đầu tư thuê nhiều nhân công cải tạo đồng ruộng, thời gian sản xuất cũng kéo dài hơn muối trải bạt, sản phẩm làm ra lại kém chất lượng vì lẫn lộn tạp chất quá nhiều, đầu ra hoàn toàn phụ thuộc vào thương lái, giá cả lên xuống thất thường. Muối “Bà Rịa” cung cấp cho các địa phương trong tỉnh và các nơi khác như TPHCM, Phú Quốc (chủ yếu để sản xuất nước mắm Kiên Giang). Theo diêm dân nơi đây, muối “Bà Rịa” làm nước mắm thơm hơn, màu trong và cho độ đạm cao.

Diêm dân lo ngại vụ muối năm nay vừa mất mùa lại vừa còn rớt giá.
Diêm dân lo ngại vụ muối năm nay vừa mất mùa lại vừa còn rớt giá.

Muối tồn kho nhưng vẫn nhập khẩu!

Nhờ thời tiết thường thuận lợi, nắng gió nhiều, độ mặn nước biển cao hơn các tỉnh thành khác nên sản lượng thu hoạch muối khá. Tuy nhiên, diêm dân An Ngãi còn nhiều trăn trở về việc phát triển lâu dài nghề muối; mặc dù hai năm gần đây, giá muối tăng nhưng tình trạng “được mùa-dội chợ-rớt giá” vẫn xảy ra thường xuyên. Có những gia đình làm muối rất nghèo, họ phải bán “muối non”, chịu cảnh ăn trước trả sau, đời sống hết sức khó khăn. Làm nghề bao năm chưa chắc đã lo đủ cuộc sống hằng ngày, nói chi đến căn nhà chui ra chui vô cũng không ra hồn ra vía…

Các làng nghề truyền thống nói chung của các địa phương trên địa bàn tỉnh còn phát triển theo hình thức tự phát, quy mô nhỏ lẻ, chủ yếu theo hộ gia đình. Trong lần gặp gỡ các diêm dân ở An Ngãi này, theo ý nguyện của họ là muốn các cơ quan chức năng hỗ trợ cho các hộ nâng cấp cải tạo đồng muối và cho vay vốn với lãi suất ưu đãi, giúp đầu tư sản xuất muối sạch theo phương pháp trải bạt đạt tiêu chuẩn ở quy mô lớn nhằm nâng thu nhập để diêm dân yên tâm gắn bó với nghề. Và cả việc đầu tư xây dựng các kho dự trữ muối.

Việt Nam có trên 3.200 km đường biển nên có khả năng sản xuất được nhiều muối, tuy nhiên điều xót xa và nghịch lý hơn cả là hàng năm vẫn phải nhập muối từ các nước khác về! Anh Nam nói: “Ngoài việc băn khoăn về chính sách nhập khẩu muối của Chính phủ, các hộ diêm dân nơi đây cũng đang thấp thỏm lo khi một số người rỉ tai nhau: diện tích ruộng muối xã An Ngãi có thể nằm trong vùng quy hoạch để phát triển du lịch của huyện Long Điền. Anh Nam lo lắng: “nếu đúng sự thật như thế thì mấy trăm hộ dân sẽ sống ra sao và nghề làm muối bao đời nay sẽ có kết cục như thế nào?”.

Mỹ Nhân

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Tỷ lệ chỗ trên các chuyến bay Tết Ất Tỵ đạt...

0
(SGTT) - Các hãng hàng không trong nước đang tăng cường thêm các chuyến và bổ sung máy bay nhằm phục vụ cho dịp...

Xuất khẩu gạo Việt Nam đã vượt 8 triệu tấn

0
(SGTT) - Việt Nam đã xuất khẩu thêm 293.484 tấn gạo trong nửa đầu tháng 11, nâng tổng lượng gạo xuất khẩu của cả...

TPHCM thử nghiệm thu phí đậu xe qua tài khoản ETC

0
(SGTT) - Đường Hai Bà Trưng, Lê Lai (quận 1) và Phạm Hữu Chí (quận 5) sẽ chuyển sang hình thức thu phí đậu...

Hoàn thành “đại trùng tu” di tích Điện Thái Hòa –...

0
Trải qua hơn 3 năm “đại trùng tu”, Điện Thái Hòa - nơi Hoàng đế ngự ngai vàng - đã được hoàn thiện, sẵn...

Bừng sáng đêm giao lưu nghệ thuật truyền thống Hàn Quốc...

0
Chương trình giao lưu biểu diễn nghệ thuật mang tên “Hòa vọng khúc ca” của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế...

Lợi ích của nước muối đối với làn da

0
(SGTT) - Nước muối không chỉ là một nguyên liệu quen thuộc trong đời sống hàng ngày mà còn mang đến nhiều lợi ích...

Kết nối