(SGTT) - Lúc sinh thời, mỗi lần hái bông (hoa) bí, mẹ tôi thường nói: “Bí rợ (bí ngô) dễ trồng, sai quả, dễ nấu, ăn ngon và dễ tiêu, nhất là các món nấu từ bông và ngọn bí…”. Ở ven vùng đất phù sa sông Thu Bồn quê tôi, vườn nào cũng trồng bí. Người thì cho bí leo giàn, người thì trồng ven bờ rào hay vạt đất bên ao.
- Tháng Ba về lại nhớ… hoa bưởi ướp hương
- Cách kết hợp nhụy hoa nghệ tây vào những món ăn thường ngày
- Khi Đà Lạt mộng mơ vào mùa hoa phượng tím “mơ mộng”
Sau những cơn mưa cuối mùa vào tháng 11 (Âm lịch), dọc theo bờ rào, hoặc các triền ta luy, mẹ tôi dùng cây ngọn thọc lổ, tra vào mỗi hốc hai hạt bí và lấp lại. Những tia nắng ấm áp của đầu Xuân, làm cho các hạt bí nhanh chóng “đâm chồi nẫy lộc”. Những ngọn bí mập mạp, kèm theo những cọng (tay) vươn ra để níu, bám trong khoảng không gian hoặc các cọng tre nhỏ.
Khoảng hai tháng sau, các dây bí đã bò tràn lan khắp bãi và ra hoa, kết quả. Hoa bí màu vàng ẩn hiện trong khóm lá tròn, to và xanh rì như những chiếc ô tí hon, cùng khoe màu khoe sắc với những cánh bướm đồng quê sặc sỡ. Nhưng thú vị hơn, ngọn, trái non, trái già, nụ, hoa đều nấu các món ăn rất ngon.
Khách đến nhà chơi, gặp lúc ”vợ thì đi vắng, chợ thì xa”, chỉ độ nửa tiếng sau, chủ nhà đã có bữa cơm rau ngon lành với các món: bí non xào tỏi, canh bí nấu với tép khô… và đặc biệt là món bông bí xào tỏi. Món này, chủ yếu hái các nụ bông bí chưa nở, tước lớp vỏ quanh cuốn, rửa sạch, để ráo. Dầu phộng thứ thiệt, phi với tỏi cho thơm, bỏ nụ bông bí này vào xào, nêm nếm cho vừa, mùi thơm của dầu phộng phi tỏi, hoà quyện lấy cái ngọt, cái bùi bùi, cái béo đưa vào miệng, ngon đến nổi không dám nhai mạnh, ăn bao nhiêu cơm cũng hết, miếng cơm cháy cuối cùng trong nồi nấu từ gạo quê - sốt dẻo, cũng được bới ra chia!
Ngoài ra, nụ bông bí cũng rất dễ chế biến thành các món ngon như bông bí xào tôm, thịt ba chỉ, thịt bò, tép khô… Nhưng món bông bí luộc, rất là dân dã, chấm với nước cá hay nước mắm tỏi, chanh, nước mắm Nam Ô dầm trứng gà luộc… ăn kèm cơm cũng rất ngon, do cái ngọt, cái bùi bùi của nó. Ở thành phố, chỉ thấy bán ngọn bí, muốn ăn món chế biến từ bông bí này cũng hơi khó, vì bông bí không nhiều. Thông thường, người trồng hái để ăn, tiếp khách và đem ra phố biếu người thân.
Thời thơ ấu, chúng tôi đã nằm học bài dưới giàn bí rợ, được làm bằng các ngọn tre gai, dây bí bò kín giàn rất mát. Song tôi thích nhất là những trái bí tròn như những cái om đất có khía, với màu da non (bí nón) hay màu “rằn ri” (bí già), thòng xuống giàn, cha tôi lấy dây chuối làm võng để nâng những quả bí lên, trông rất là sinh động và ngộ nghĩnh.
Mỗi buổi sáng, sau khi đi thụ phấn cho bông cái xong, chúng tôi ngắt những nhuỵ đực, lấy que tre nhỏ xâu lại thành xâu đem nướng, một mùi thơm quyến rũ, ngào ngạt toả ra, chị em chúng tôi chia nhau ăn, rất ngọt và bùi. Ngày nay, cha mẹ tôi đã ra người thiên cổ, nhưng mỗi lần nhìn trong vườn nhà ai đang hái bông bí mỗi sáng tinh mơ, tôi cứ tưởng đó là hình bóng của mẹ tôi lúc sinh tiền, lòng tôi rộn lên niềm bồi hồi, xúc động.
Tiên Sa