Ngô Diệp -
Tôi từng làm biên tập viên cho một trang điện tử. Rồi một ngày, cơ quan thay sếp mới, tôi bị mất việc đột ngột, phải rong ruổi khắp nơi nộp hồ sơ xin việc. Không ngờ sự cố này đã tạo ra ngã rẽ, đưa tôi đến với nông nghiệp sạch.
Tôi tìm được việc khá nhanh, nhưng chỉ vài tháng lại nhảy một lần. Trong khi đó ở nhà, mẹ tôi quyết định không trồng lúa nữa mà chuyển qua trồng cây ăn trái. Nhiều người bảo, cây ăn trái hay bị trộm vặt, kỹ thuật chăm sóc khó khăn, nhưng bà bỏ ngoài tai tất cả, quyết định trồng gần 200 cây táo trên diện tích sáu sào Bắc bộ (1 sào = 360 m2).
Khi vườn táo lên xanh tốt cũng là lúc những trận bão tràn về. Những cành táo non bị tước khỏi cây, thậm chí có cây bị bật gốc, rễ chỏng chơ lên trời. Nhưng rồi gia đình tôi cũng thu hoạch được khoảng ba tấn táo đầu mùa. Nhìn những trái táo xanh mượt, ai cũng thích. Chúng tôi đưa táo ra chợ làng bán, đồng thời giới thiệu cả trên mạng xã hội Facebook và Zalo. Được nhiều người biết đến, vườn táo bắt đầu nhộn nhịp. Thế là bố mẹ tôi quyết định mượn thêm ruộng của hàng xóm để mở rộng canh tác.
Chán ngấy cái cảnh long nhong khắp nơi tìm việc, tôi bắt đầu suy nghĩ nhiều về nông nghiệp, và bước chuyển hướng nghề nghiệp chỉ thực sự bắt đầu sau bữa cơm với tô canh rau cải xanh. Bữa đó, tôi đi chợ mua cải về nấu canh. Nhìn mớ rau xanh mướt, mẹ tôi nói: coi chừng rau bẩn đấy! Tôi tự tin nói với mẹ, rằng người bán rau nhìn chất phác, bà ấy khẳng định rau không thuốc trừ sâu, không chất kích thích. Tôi đã nấu nồi canh cải với niềm tin ấy. Mâm cơm dọn ra, tô canh nóng bốc khói, mùi cải xanh quyện hương gừng ấm áp, cả nhà cùng ăn ngon lành. Ai ngờ đâu, chỉ khoảng nửa giờ sau, cả nhà ôm bụng thay nhau chạy vào nhà vệ sinh.
Tại sao người ta lại có thể nói dối một cách trơn tru đến vậy. Người lớn mà còn bị vậy thì những em bé đang ăn dặm sẽ sao đây. Câu hỏi ấy cứ luẩn quẩn trong đầu, ám ảnh tôi mãi. Cho đến một ngày nọ, trong lúc ngồi xe buýt đi làm, tôi tự hỏi: tại sao mình cứ phải đi xa tìm những công việc mà mình không thật sự thích? Sao mình không tìm cách đưa rau sạch đến với mọi người? Ngoài kia, nhiều người cần được ăn rau sạch, mình phải làm gì đây?
*
* *
Thế rồi tình cờ, tôi quen một chuyên gia về thực phẩm trên Facebook. Ban đầu, tôi ngưỡng mộ và muốn hợp tác, nhưng những gì vị chuyên gia đó chia sẻ so với thực tế lại khác nhau quá xa. Tôi vỡ mộng. Được thôi, tôi sẽ bắt đầu theo cách của riêng mình. Nghe tôi trình bày, bố mẹ tôi có chút lo ngại nhưng vẫn ủng hộ. Tôi sẽ tự tay cung cấp thực phẩm đến khách hàng. Nhưng phải làm sao khi nhà mình không hề có một cây rau nào.
Bước đầu tiên, tôi đến làm vườn với bác tôi, tự tay làm đất, trồng rau. Khi rau đã lên xanh, tôi quay clip đưa lên Facebook, thế là tôi có những “đơn đặt hàng” đầu tiên từ bè bạn. Nhà tôi cách Hà Nội chừng 25 km, đủ xa và đủ vất vả cho một người chạy xe đi giao như tôi. Nhưng tôi không chùn bước, tự nhủ với mình rằng cần phải có chiến lược riêng, rằng mọi người đến với mình bằng niềm tin thì mình không thể phụ lòng được. Tôi vẫn nhớ như in buổi giao hàng đầu tiên. Tôi khởi hành với bốn đơn hàng, vượt qua quãng đường hơn 80 km, mệt bơ phờ mà tiền lời chỉ đủ tiền xăng.
Ngay sau đó, tôi lập trang web bán hàng, chụp ảnh, viết bài giới thiệu và tìm cách tự quảng cáo sản phẩm. Dần dần, mọi người biết đến tôi nhiều hơn, đơn hàng tăng lên cũng là lúc rắc rối tìm đến. Khách hàng mỗi người mỗi ý, có người đòi hỏi phải giao rau đúng ngày này, giờ này. Không ít lần, tôi đã phóng xe đi 26 km chỉ để giao một đơn hàng có giá trị chưa tới 300.000 đồng. Chưa hết, có khách phàn nàn, rằng tại sao tiền ship (tiền công giao hàng) lại cao hơn trong nội thành những 5.000 đồng. Tôi mỉm cười giải thích với khách, rằng với khoảng cách 23 km, giá ship hàng 25.000 đồng liệu có cao quá không. Lại có khách đặt hàng lúc 11 giờ đêm, yêu cầu sáng mai phải có rau, tôi vẫn đồng ý. Bốn giờ sáng hôm sau, tôi thức dậy gọi điện cho bác, 5 giờ vào vườn hái rau.
Trước đây, tôi thường ngủ dậy muộn và khả năng nhớ đường rất kém. Còn bây giờ, tôi tự động dậy sớm và đi đến đâu là nhớ đường đến đấy. Đúng là làm việc với niềm đam mê thôi thúc sẽ hướng người ta đến những điều tích cực. Trong tôi chỉ có một suy nghĩ là phải cố gắng lên. Nhưng thú thực, nhiều lúc rong ruổi một mình, tôi tủi thân, chẳng vì lý do gì to tát mà chỉ là mệt thôi.
Tôi vốn chẳng có ý định kết hôn vì sợ rằng sẽ khổ, sợ mình sẽ không có khả năng nuôi con tốt. Nhưng lúc này, hình ảnh những đứa con khiến tôi mạnh mẽ hơn. Rõ ràng, tôi đang làm một việc rất tốt cho tôi, cho xã hội kia mà! Tôi phải cố gắng và tự hào chứ! Các con tôi sẽ hãnh diện rằng mẹ chúng luôn nghĩ tích cực, phấn đấu vì chúng và vì sự tươi đẹp của xã hội. Cứ thế, tôi tự nói chuyện với chính mình để động viên, khích lệ mình. Động lực ấy giúp tôi tràn đầy năng lượng, quên đi mệt mỏi, thậm chí còn mơ về ngôi nhà nhỏ trong tương lai, điều mà tôi chưa từng dám nghĩ đến. Cũng có những tuần không có ai đặt hàng, tôi dặn lòng mình không được nản chí, phải tự tìm kiếm khách hàng.
*
* *
Ở làng tôi, mọi người hay quan tâm, hỏi han nhau. Có lần ra chợ, một người trong làng hỏi: “Giờ cháu làm gì? Lương bao nhiêu?” Ban đầu, tôi ngại nói về công việc của mình, nhưng nghĩ lại thấy bán rau có gì sai đâu, mình làm một việc chân chính, bằng tất cả sự đam mê và niềm tin kia mà. Tôi tự tin trả lời là đang bán rau qua mạng và viết báo. Nhiều người khen, nhưng người chê bai cũng không ít. Thậm chí, có người còn nói bóng gió với bố mẹ tôi rằng học đại học mà đi bán rau là vứt đi. Tôi buồn nhưng không thể để bố mẹ buồn được. Tôi tâm sự với bố mẹ: “Bố mẹ đừng để tâm người khác nói gì. Con đang sống cuộc đời của con, và con vui với công việc này”.
Quê tôi có nhiều món ngon, từ chim bồ câu non, vịt, ngan thả đồng và cả gạo nữa. Chả gì quê tôi có đền Cổ Loa cổ kính và đền Sái linh thiêng, mang sản vật quê đi bán cũng là quảng bá đấy chứ! Nghĩ thế tôi lại thấy vui. Nhắc đến Đông Anh mà quên đặc sản bún Mạch Tràng, Cổ Loa là một thiếu sót. Tôi muốn giới thiệu đến mọi người thứ bún màu đen đen nhưng dai và dẻo sợi ấy. Không chỉ vậy, tôi tìm đến những người thợ chuyên đi đánh tôm, cua, cá, ếch, lươn ngoài đồng. Ai cũng dành cho tôi nụ cười tươi cùng những lời động viên, khích lệ. Từ một người sợ những con vật ấy, giờ đây tôi đã thoăn thoắt sơ chế chúng thành những món ăn sạch sẽ. Thì ra, cuộc sống có những điều thật đẹp. Chúng đến tự nhiên, nhẹ nhàng theo cách nó vốn thế.
Trong cuộc sống, tiền cần thiết thật nhưng có nhiều thứ còn quan trọng hơn và đáng quý hơn nhiều. Khách hàng không chỉ khen thực phẩm của tôi ngon mà còn giới thiệu cho nhiều bạn bè. Đó là lời động viên lớn nhất mà tôi có được. Họ giúp tôi có động lực, tiếp thêm những ý tưởng kinh doanh cho tôi. Tôi bắt đầu lên kế hoạch tự trồng rau theo nhu cầu, thiết kế vườn nuôi gà ta lấy trứng sạch chuyên cung cấp cho các bà bầu, người ốm.
Niềm vui như được nhân đôi khi tôi giúp dì tôi bán chanh đào, chanh gai không thuốc trừ sâu, không chất kích thích. Lúc đầu, dì tôi cứ lo chanh không phun thuốc trái sẽ xấu, không ai mua. Tôi khuyên dì hãy nghĩ khách ăn cũng như mình ăn. Mình chăm sóc tốt, chắc chắn sẽ có người hiểu những giá trị ấy. Ngoài chanh, tôi còn giúp hai cậu tôi bán các loại lạc nhà trồng với tiêu chí không biến đổi gen, không hóa chất.
Ngoài bán rau, dịch bài, viết báo, tôi còn viết truyện ngắn. Từ công việc này mà không ít ý tưởng truyện ngắn đã lóe lên trong tôi. Tôi gặp chúng trên đường và phác thảo luôn lúc rảnh rỗi. Cuộc sống còn gì đẹp hơn khi ta được làm điều mình thích mà điều ấy lại mang đến niềm vui cho người khác nữa. Chẳng lâu nữa đâu, vườn rau của tôi sẽ phủ một màu xanh bình yên, vườn táo sẽ trĩu quả, và khu vườn sẽ tràn ngập những tiếng cười nói của khách hàng đến mua rau, lấy trái. Ở góc sân, những giỏ táo, túi rau đang được xếp ngay ngắn chờ chủ nhân mới. Tôi đang mong chờ một mùa xuân an lành, rạng rỡ sẽ đến.