(SGTTO) - Tiêu chí du lịch bền vững áp dụng cho các doanh nghiệp lữ hành được xây dựng nhằm thúc đẩy hoạt động du lịch thân thiện hơn với môi trường và nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp với xã hội, đồng thời cung cấp cho doanh nghiệp các biện pháp tiết kiệm năng lượng, nước.
- Doanh nghiệp ứng dụng bộ tiêu chí bền vững: Tự giác là chính!
- Làm sao để khách sạn thân thiện với môi trường và tiết kiệm năng lượng?
Là một phần của Bộ tiêu chí và chỉ số du lịch bền vững do Đại diện Chương trình Du lịch bền vững Thụy Sĩ (SSTP) bàn giao cho Hiệp hội Du lịch Quảng Nam, tiêu chí này liên quan đến các yếu tố thiết yếu đối với hoạt động của doanh nghiệp lữ hành chuyên nghiệp, bao gồm trách nhiệm đối với môi trường và xã hội, sản phẩm du lịch có trách nhiệm, hợp tác và cam kết về chuỗi cung ứng du lịch có trách nhiệm và nguồn nhân lực.
Vai trò của lữ hành
Doanh nghiệp lữ hành lâu nay được xem là có vai trò cung cấp các chương trình du lịch, được kết hợp từ các dịch vụ của các nhà cung cấp riêng biệt để tạo thành các chương trình du lịch trọn gói (hoặc từng phần), bán trực tiếp cho khách du lịch hoặc thông qua đại lý lữ hành. Doanh nghiệp lữ hành chịu trách nhiệm chính trong việc cung cấp và thực hiện các dịch vụ từ các nhà cung cấp, được xác định trong một chương trình du lịch trọn gói nhất định. Họ cũng có thể là nhà cung cấp dịch vụ trực tiếp, khi một số doanh nghiệp lữ hành kinh doanh có cả dịch vụ vận chuyển và lưu trú hoặc các dịch vụ khác liên quan đến du lịch.
Cũng với vai trò này, doanh nghiệp lữ hành có nhiều cơ hội để lan tỏa thông điệp thân thiện môi trường, hướng đến lối sống xanh.
Bên cạnh đó, dựa trên nhu cầu ngày càng tăng đối với du lịch xanh, thị trường đang yêu cầu các doanh nghiệp lữ hành điều chỉnh dịch vụ của họ bằng cách cung cấp cho khách trải nghiệm xanh. Nói cách khác là cung cấp các dịch vụ có tác động ít nhất đến môi trường, đồng thời hỗ trợ các cộng đồng địa phương.
Để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, các doanh nghiệp lữ hành nên hành động có trách nhiệm hơn bằng cách thiết kế và cung cấp sản phẩm và dịch vụ du lịch xanh. Điều này đồng thời sẽ giảm chi phí vận hành, nâng cao khả năng cạnh tranh và dẫn đến kết quả kinh doanh tốt hơn.
Đó là sự kết hợp của việc cân bằng các khía cạnh kinh tế, xã hội và môi trường, để phân biệt các doanh nghiệp lữ hành bình thường với các doanh nghiệp lữ hành bền vững.
Lữ hành làm "xanh" như thế nào?
Dựa trên tiêu chí được xây dựng riêng cho doanh nghiệp lữ hành, mỗi doanh nghiệp lữ hành có thể tự đánh giá mức độ bền vững mà mình hiện đang hoạt động hoặc được chương trình SSTP hướng dẫn việc tự nguyện đánh giá.
Các doanh nghiệp lữ hành sau đó có thể xây dựng kế hoạch để trở nên có trách nhiệm hơn trong việc cung cấp sản phẩm và dịch vụ du lịch, đồng thời cố gắng hướng tới sự phát triển bền vững như một lợi thế cạnh tranh trong lĩnh vực dịch vụ du lịch.
Một khi đạt mức độ bền vững thỏa đáng, doanh nghiệp lữ hành có thể tiếp tục nâng lên ở cấp độ cao hơn bằng cách đăng ký chứng nhận du lịch bền vững quốc tế. Việc này nhằm quảng bá danh tiếng, thương hiệu của mình cho nhiều đối tượng khách hàng hơn.
Tiêu chí dành cho doanh nghiệp lữ hành được chia thành 5 chủ đề bền vững chính. Mỗi chủ đề gồm một số tiêu chí du lịch bền vững được chỉ định, đi cùng với các chỉ số du lịch bền vững để có thể đo lường, định lượng. Năm chủ đề gồm: quản lý du lịch bền vững trong nội bộ hoạt động văn phòng, quản lý và phát triển sản phẩm du lịch bền vững, quản lý việc hợp tác với các nhà cung cấp dịch vụ, phát triển quan hệ khách hàng và phát triển mối quan hệ với các điểm đến.
Doanh nghiệp lữ hành là đơn vị trung gian, hoạt động của doanh nghiệp lữ hành liên quan chặt chẽ tới các nhà cung cấp dịch vụ và điểm đến du lịch, vì vậy 5 chủ đề du lịch bền vững liên quan đến quản lý các hoạt động bên trong doanh nghiệp lữ hành.
Các hành động chi tiết của tiêu chí du lịch bền vững cần được thực hiện để đáp ứng các yêu cầu của chủ đề du lịch bền vững chính. Các chỉ số du lịch bền vững cung cấp hầu hết các chi tiết có thể định lượng để tuân thủ tiêu chí du lịch bền vững.
Tùy thuộc chiến lược kinh doanh, kế hoạch hoặc chính sách của mỗi doanh nghiệp lữ hành, mức độ thực hành du lịch bền vững hiện tại sẽ thay đổi và chuyển sang du lịch có trách nhiệm, phụ thuộc vào khả năng đầu tư và mức độ sẵn sàng của mỗi doanh nghiệp lữ hành.
Mặt khác, doanh nghiệp lữ hành tổ chức các chương trình du lịch đến mọi địa điểm ở Việt Nam và nhiều nơi trên thế giới, nên không phải ở mọi nơi và mọi lúc doanh nghiệp lữ hành cũng có thể tìm được các nhà cung cấp dịch vụ du lịch có trách nhiệm. Rất nhiều khu vực ở Việt Nam và một số quốc gia có tình trạng những người làm du lịch chưa nhận thức về những tác động tiêu cực của du lịch đối với môi trường và xã hội, chưa thấy được sự cần thiết phải thực hành du lịch bền vững.
Do điều kiện kinh tế chưa phát triển, cơ sở hạ tầng du lịch còn nghèo, không có nơi gom rác thải rắn và nhà vệ sinh công cộng…. Hơn nữa, nhân viên trong ngành du lịch chưa được giới thiệu, đào tạo, tập huấn về du lịch có trách nhiệm và du lịch bền vững.
Mặt khác, do mức độ nhận thức về du lịch bền vững còn thấp trong xã hội, nhiều nhà cung cấp dịch vụ chưa thật sự muốn thực hành du lịch có trách nhiệm vì e ngại tăng chi phí.
Do vậy, doanh nghiệp lữ hành chỉ có thể chủ động thực hiện du lịch có trách nhiệm đối với các hoạt động bên trong doanh nghiệp. Còn với các hoạt động bên ngoài doanh nghiệp, họ có thể tác động. Chẳng hạn, họ có thể hỗ trợ thay đổi đối với các nhà cung cấp dịch vụ “ruột” của các doanh nghiệp lữ hành, phục vụ phần lớn lượng khách do doanh nghiệp lữ hành đem đến.
Bước đầu tiên, doanh nghiệp lữ hành sẽ tự đánh giá mức độ bền vững của hoạt động kinh doanh lữ hành hiện tại dựa trên các tiêu chí và chỉ số du lịch bền vững của SSTP. Việc tự đánh giá sẽ được các chuyên gia của SSTP xem xét lại và cung cấp thêm tư vấn cá nhân, hoặc chương trình đánh giá tự nguyện do các chuyên gia của SSTP thực hiện nếu doanh nghiệp đề nghị.
Nhân Tâm