Trung Chánh
Những người trong cuộc cho rằng việc lùi thời gian áp dụng quy định về tỷ lệ mạ băng và hàm ẩm trong xuất khẩu sản phẩm cá tra phi lê đến cuối năm 2015 sẽ tiếp tục đẩy ngành này vào cảnh loay hoay với chất lượng cá tra xuất khẩu.
Chưa muốn nâng chuẩn
Nghị định 36/2014/NĐ-CP của Chính phủ về sản xuất, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra có hiệu lực từ ngày 20-6-2014 thể hiện sự quyết tâm của nhà hoạch định chiến lược trong việc lập lại trật tự của ngành cá tra vốn đang đứng trước nguy cơ đổ vỡ từ khâu sản xuất, chế biến cho đến xuất khẩu.
Theo định hướng phát triển của nghị định, đến cuối năm 2015, 100% sản lượng cá tra nguyên liệu, do doanh nghiệp tự nuôi hay liên kết nuôi gia công với nông dân, phải đạt được tiêu chuẩn VietGAP (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt) hoặc các tiêu chuẩn tương đương được Việt Nam công nhận như GlobalGAP, ASC (Aquaculture Stewaship Council – Hội đồng quản lý nuôi trồng thủy sản) và SQF 1000 (Safe Quality Food – thực phẩm an toàn chất lượng).
Tại một hội nghị gần đây được tổ chức ở thành phố Cần Thơ, ông Võ Hùng Dũng, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Cá tra Việt Nam (VN Pangasius), cho biết việc rà soát quy hoạch vùng nuôi cơ bản đã hoàn tất, việc sản xuất theo tiêu chuẩn của nghị định cũng đang diễn ra thuận lợi. “Khả năng đạt mục tiêu sản xuất ít nhất theo chuẩn VietGAP vào cuối năm 2015 là không có vấn đề gì”, ông Dũng cho biết.
Trao đổi với Sài Gòn Tiếp Thị, một số doanh nghiệp và nông dân sản xuất cá tra cho rằng họ hoàn toàn có thể đáp ứng được yêu cầu về nuôi theo tiêu chuẩn an toàn chất lượng. Trên thực tế, thời gian qua có không ít doanh nghiệp, hợp tác xã đã áp dụng tiêu chuẩn an toàn. Chẳng hạn trại nuôi cá tra Mỹ Thuận của Công ty cổ phần Hùng Vương đạt được chứng nhận SQF 1000, hay vùng nuôi của Công ty cổ phần Thủy sản Vĩnh Hoàn đạt được chứng nhận ASC.
Trong khi đó, xuất khẩu sản phẩm cá tra theo tiêu chuẩn mới – hàm ẩm không quá 83% và tỷ lệ mạ băng 10% nếu các nước nhập khẩu không có quy định khác – lại bị doanh nghiệp phản đối quyết liệt, ngay sau khi nghị định được ban hành và có hiệu hiệu lực từ ngày 20-6-2014. Trước phản ứng đó, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát đã có thông báo vào ngày cuối năm 2014, theo đó sẽ lùi thời gian áp dụng quy định tỷ lệ mạ băng và hàm ẩm đến cuối năm 2015, thay vì thực hiện ngay từ đầu năm nay theo tinh thần của nghị định.
Theo lý lẽ của các doanh nghiệp, sở dĩ họ chưa muốn áp dụng vì điều này sẽ làm giá thành tăng lên, trong khi thị trường nhập khẩu không chấp nhận, vẫn muốn tiếp tục làm sản phẩm có hàm ẩm 85-86% như bấy lâu nay. Nói cách khác, sản xuất theo tiêu chuẩn mới (hàm ẩm 83%, mạ băng 10%) buộc doanh nghiệp phải sử dụng nhiều nguyên liệu hơn, nhưng lại không tăng được giá bán nên họ không có lợi.
Tuy nhiên, một số người trong ngành cho rằng động thái lùi thời gian áp dụng tỷ lệ mạ băng và hàm ẩm sẽ khiến ngành cá tra tiếp tục loay hoay trong khó khăn, dù khâu nuôi đang nỗ lực hoàn thiện chất lượng.
[box type="bio"] Theo thống kê của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), kim ngạch xuất khẩu cá tra năm 2014 đạt 1,77 tỉ đô la Mỹ, tăng nhẹ chỉ 0,6% so với năm 2013.[/box]
Khó khăn vẫn còn
Theo tìm hiểu của Sài Gòn Tiếp Thị, trong ba năm gần đây, xuất khẩu cá tra gần như đã hết khả năng đạt mức tăng trưởng mới khi kim ngạch chỉ dao động quanh mức trên 1,7 tỉ đô la Mỹ/năm. Trong khi đó, nông dân nuôi cá cũng gặp nhiều khó khăn, thường xuyên chịu cảnh lỗ lã trong ba năm qua.
Lý giải nguyên nhân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn của một tỉnh ĐBSCL (không muốn nêu tên), cho rằng ngoài yếu tố khách quan từ thị trường nhập khẩu, thì doanh nghiệp cạnh tranh phá giá, chất lượng sản phẩm ngày càng sụt giảm cũng là nguyên nhân. Do vậy, khả năng mở rộng xuất khẩu và tăng khả năng cạnh tranh, nhất là sản phẩm giá trị gia tăng sẽ rất khó khăn.
Ông Phạm Văn Quỳnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cần Thơ, cho rằng việc ban hành nghị định là để lập lại trật tự, đưa ngành này đi vào hoạt động nề nếp, từng bước tăng khả năng cạnh tranh, nâng cao giá trị xuất khẩu và thu nhập cho người nông dân. Tuy nhiên, việc quyết định lùi thời điểm áp dụng quy định mạ băng và hàm ẩm đồng nghĩa với việc chưa buộc doanh nghiệp xuất khẩu phải lập lại trật tự nên khả năng những khó khăn tồn tại nhiều năm nay của ngành cá tra vẫn chưa thể được giải quyết trong năm 2015.
Hiện giá cá tra nguyên liệu những ngày đầu năm nay tại ĐBSCL đã nhích lên khoảng 100-200 đồng/kg so với thời điểm cuối năm 2014, nhưng hiện vẫn còn dao động ở mức thấp, khoảng 23.500-24.000 đồng/kg đối với trường hợp nông dân bán thiếu cho doanh nghiệp 1-2 tháng, còn mua tiền mặt chỉ khoảng 22.500-23.000 đồng/kg.
Ông Nguyễn Thanh Bình, người nuôi cá tra tại quận Ô Môn, thành phố Cần Thơ, cho biết với giá bán như trên, sau khi trừ đi các khoản chi phí đầu tư con giống, thức ăn, điện, nước, người nuôi cá không có lãi, thậm chí lỗ nặng đối với những hộ để xảy ra dịch bệnh.