Cẩm Anh-
Các loại gốm sứ Thổ Nhĩ Kỳ khi nhập về Việt Nam khá được lòng khách hàng bởi hoa văn và màu sắc nổi bật. Người tiêu dùng chọn mua chúng để làm vật dụng hàng ngày hoặc trang trí nhà cửa.
Dù chưa thật sự phổ biến trên thị trường nhưng gốm Thổ Nhĩ Kỳ do có những nét riêng nên khá thu hút so với một số loại gốm khác. Tại TPHCM, người có nhu cầu có thể chọn mua tại cửa hàng GK Decoration, đường Điện Biên Phủ, quận 3.
Khách hàng chọn mua gốm Thổ Nhĩ Kỳ tại cửa hàng trên đường Điện Biên Phủ, quận 3, TPHCM. Ảnh Cẩm Anh.
Nhiều mặt hàng
Các sản phẩm gốm sứ Thổ Nhĩ Kỳ bày bán tại GK Decoration là các bình hoa, bình đựng rượu, đèn dầu, vật dụng trang trí với nhiều kiểu dáng lạ mắt. Chiếm số lượng nhiều trên các kệ hàng là đồ gia dụng như tô chén, các loại đĩa nhiều kích cỡ. Ngoài ra, cửa hàng còn nhập về các loại khay và hộp đựng kẹo mứt, gia vị, phù hợp nhu cầu người dùng.
Theo nhân viên cửa hàng, gốm sứ Thổ Nhĩ Kỳ được xem như mặt hàng cao cấp nên giá bán khá cao so với các loại gốm khác. Chẳng hạn, những chiếc bình rượu, bình hoa có giá 1,5-2,9 triệu đồng/cái, các loại chén đĩa từ 1-2 triệu đồng/cái.
Mang ý nghĩa tâm linh, xua đuổi điềm không may theo quan niệm của người Thổ Nhĩ Kỳ, người dùng có thể chọn mua các món đồ gốm để treo tường, được gọi là “con mắt thần”. Sản phẩm có hình tròn và ba vòng trung tâm được đính trên cây hoặc dây thừng, giá 500.000 đồng đến 1,9 triệu đồng/sản phẩm.
Bên cạnh đó, cửa hàng còn bán những miếng gốm hình vuông khoảng 6 cm hình các con thú ngộ nghĩnh được các nghệ nhân vẽ bằng tay. Theo nhân viên cửa hàng, miếng gốm này được các bạn trẻ chọn mua để dán lên tường, tủ lạnh, có giá 90.000 đồng/miếng.
Chị Diễm Phương, quản lý cửa hàng GK Decoration, cho biết các mặt hàng này được nhập trực tiếp từ Thổ Nhĩ Kỳ. Sản phẩm kích thước càng lớn thì lại càng được ưa chuộng, đặc biệt là những sản phẩm có giá cao như đĩa và bình hoa. Ngoài ra, những chiếc đèn dầu làm từ gốm cũng được khách hàng tìm mua khá nhiều, tùy kích cỡ sẽ có giá từ 600.000 đồng/đèn.
Chị Phương cũng cho biết, tuy cửa hàng nhập chủ yếu là hàng gia dụng nhưng vì mẫu mã lạ mắt nên nhiều khách chọn mua làm đồ trưng bày, hoặc dùng trong quán ăn, nhà hàng với số lượng khá lớn. Chị Thuận, nhà ở quận 10, chia sẻ rằng chị chuyển sang dùng gốm Thổ Nhĩ Kỳ vì vừa dùng làm vật dụng thường ngày, vừa có công dụng trang trí vì chúng có kiểu dáng và hoa văn bắt mắt, sang trọng. “Những món đồ này giúp không gian bếp đa dạng sắc màu và sáng sủa hơn, khách đến chơi cũng thấy thích thú”, chị Thuận nói.
[box] Để bảo quản các sản phẩm gốm sứ Thổ Nhĩ Kỳ, người dùng nên vệ sinh chúng bằng vải mềm. Người dùng chỉ cần lau nhẹ, không nên dùng vật cứng cọ sát quá nhiều dễ làm ảnh hưởng đến lớp màu men của gốm. Các loại đĩa nếu trưng bày nên mua kèm đế để việc sử dụng được lâu dài.[/box]
Một chiếc bình gốm Thổ Nhĩ Kỳ.
Đặc trưng gốm Thổ
Bên cạnh màu sắc và kiểu dáng, theo chị Phương, một trong nhiều lý do mà gốm Thổ Nhĩ Kỳ được khách hàng chọn mua là vì độ bền của gốm, độ sáng, trong và không phai màu của men.
Theo đó, các họa tiết trên bề mặt đồ gốm Thổ Nhĩ Kỳ được vẽ thủ công với nhiều màu sắc, họa tiết gợi sự tò mò. Yếu tố thủ công giúp giá thành của loại gốm này cao hơn. Từ những bình hoa, bộ ấm chén, sản phẩm gốm sứ gia dụng cho đến các sản phẩm trang trí đều hài hòa giữa màu sắc và hoa văn, kích cỡ.
Chị Phương cho biết, hoa văn đặc trưng của gốm sứ Thổ Nhĩ Kỳ là hoa lựu tượng trưng cho tín ngưỡng phồn thực, thể hiện sự sinh sôi và phát triển. Hầu hết các sản phẩm gốm sứ đều có hình ảnh hoa lựu vẽ nổi và cách điệu ở thân hay viền ở đáy, cổ.
Gốm sứ Thổ Nhĩ Kỳ làm từ đất sét trắng, bên cạnh đó yếu tố nguồn nước và khí hậu của quốc gia này thích hợp cho việc chế tác các sản phẩm gốm thủ công đậm tính dân tộc. Các công đoạn làm ra gốm Thổ Nhĩ Kỳ đều là thủ công. Gốm không nung bằng lò củi mà sử dụng nhiên liệu với nhiệt độ trên 3000C để đảm bảo gốm không bị nứt hỏng.
Nghệ nhân vẽ gốm không theo khuôn mẫu nhất định. Hoa văn và cách phối màu được vẽ theo thói quen và sự sáng tạo của mỗi người. Họ có thể mất vài tuần hay vài tháng để hoàn thành một sản phẩm. Mỗi sản phẩm sẽ có độ sắc nét, tinh tế và ý nghĩa khác nhau nhưng vẫn giữ được đặc trưng hoài cổ.