Hợp tác xã hoa tươi Đầm Sen (quận 11, TPHCM), đơn vị quản lý chợ hoa Đầm Sen, cho biết 50 tiểu thương bán hàng tại chợ vừa có công văn gởi UBND quận 11, về việc xin phép được mở cửa hoạt động tạm thời trong vòng 7 ngày (từ ngày 11-6 đến ngày 17-6) để tiêu thụ hoa tươi dịp Tết Đoan Ngọ cho bà con nông dân, chủ yếu là hoa từ Lâm Đồng.
Chợ hoa Đầm Sen chính thức đóng cửa tạm ngưng hoạt động từ ngày 31-5 để thực hiện phòng chống dịch theo chỉ đạo của UBND quận 11. Thời gian ngưng hoạt động dự kiến là 15 ngày. UBND quận vận động tạm ngưng chợ hoa trong thời gian TPHCM thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 15 vì hoa tươi được xác định là loại hình hoạt động dịch vụ không thiết yếu.
Trao đổi với KTSG Online, ông Lý Phú Quí, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) hoa tươi Đầm Sen, cho biết, 50 tiểu thương bán hàng tại chợ vừa có công văn gởi UBND quận 11, về việc xin phép được mở cửa hoạt động tạm thời trong vòng 7 ngày (từ ngày 11-6 đến ngày 17-6) để tiêu thụ hoa tươi dịp Tết Đoan Ngọ cho bà con nông dân.
Việc tạm đóng cửa chợ để chấp hành các yêu cầu về phòng dịch là điều cần thiết. Tuy nhiên, nếu không được mở cửa tạm thời trong dịp Tết Đoan Ngọ sắp tới, cả dây chuyền trồng và tiêu thụ hoa tươi của hàng ngàn bà con nông dân sẽ bị ảnh hưởng, thiệt hại có thể lên đến cả trăm tỉ đồng.
“Chợ chỉ mong muốn được cho phép mở cửa để tiêu thụ lượng hoa tươi bà con nông dân Đà Lạt đã trồng, chuẩn bị cho thị trường đợt Tết Đoan Ngọ (mùng 5 tháng 5 âm lịch) sắp tới. Sau đó, nếu dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, cần đóng cửa chợ thì bà con tiểu thương vẫn chấp hành”, ông Quí nói.
Cũng theo ông Quí, nông dân trồng hoa đang rất khó khăn. Vụ hoa đợt Tết Nguyên đán Tân Sửu đã không có lời lãi gì nhiều, đến nay lại gặp tình cảnh này khiến nhiều bà con đứng trước nguy cơ phá sản, thậm chí không có khả năng trả nợ ngân hàng.
“Hiện bà con tiểu thương dù chưa biết có được phép mở cửa chợ hay không nhưng vẫn ứng tiền cho nông dân xoay xở qua ngày, mỗi hộ từ 10-20 triệu đồng”, ông Quí cho biết.
Theo ông Quí, thông thường, dịp Tết Đoan Ngọ, lượng hoa về chợ hoa Đầm Sen thường tăng gấp rưỡi so với ngày thường. Tuy nhiên năm nay, vì lo ngại tình hình dịch bệnh nên nhà vườn cũng đã chủ động giảm diện tích hoa xuống giống cũng như giảm tối đa sản lượng hoa đưa về TPHCM.
Cụ thể, các tiểu thương yêu cầu người trồng hoa chỉ đưa về chợ hoa loại một, đạt chất lượng cao. Còn lại, nếu hoa đã nở hoặc mẫu mã không được đẹp… thì không chuyển xuống chợ mà hủy bỏ ngay tại vườn.
“Nói tiếng là bỏ nhưng tiểu thương vẫn hỗ trợ nhà vườn, cụ thể, mỗi thùng hoa tiểu thương sẽ hỗ trợ thêm cho bà con từ 2.000-3.000 đồng/bó, coi như giúp bà con lấy lại chút vốn liếng đã bỏ ra”, ông Quí cho biết.
Ngoài ra, theo ông Quí, nếu được cho phép hoạt động tạm thời trong dịp Tết Đoan Ngọ sắp tới, chợ cũng sẽ chỉ bán trực tuyến (online) và đưa hàng về các tỉnh theo mối quen biết từ trước chứ không mở cửa đón khách như thông thường. Do đó, số lượng hoa tiêu thụ cũng sẽ giảm 40 - 50% so với những năm trước.
Theo tính toán, trong những ngày cận Tết Đoan Ngọ, mỗi ngày sẽ khoảng 15-20 xe chở hoa về chợ, mỗi xe chở khoảng 7-8 tấn nên tổng lượng hoa về chợ khá lớn.
Trước đó, Hiệp hội hoa Đà Lạt và Sở Công Thương tỉnh Lâm Đồng đã có công văn gởi đến Sở Công Thương TPHCM và UBND quận 11 (TPHCM) để phối hợp tháo gỡ khó khăn cho ngành hoa. Theo đó, đề xuất TPHCM tạo điều kiện cho chợ hoa Đầm Sen được hoạt động lại từ ngày 27-4 đến ngày 5-5 Âm lịch (nhằm ngày 7 đến 14-6).
Trong công văn này, ông Phan Thanh Sang, Chủ tịch Hiệp hội hoa Đà Lạt, cho biết dự kiến trong dịp tết Đoan Ngọ năm nay, nông dân Đà Lạt sẽ cung cấp cho các tiểu thương chợ hoa Đầm Sen khoảng 20 triệu cành hoa các loại như cúc, đồng tiền, cát tường, cẩm chướng, lily…
Ngoài ra, nông dân trồng hoa tại Đà Lạt cũng cung cấp cho các chợ đầu mối khác như chợ hoa Hồ Thị Kỷ, chợ đầu mối nông sản Bình Điền, chợ đầu mối nông sản thực phẩm Thủ Đức… khoảng 28 triệu cành hoa các loại.
Nam Bình
Theo KTSG Online