(SGTT) - “Chợt nhớ ngày sinh nhật của cháu đang cận kề, nếu đặt bánh kem qua ứng dụng thức ăn trực tuyến thì sẽ mất thời gian tìm kiếm nơi bán ở gần, tôi thử qua một ứng dụng đặt hàng online, và cuối cùng ngày sinh nhật cháu mình đã có món bánh kem như ý”.
Đó là chia sẻ của chị Nguyễn Thị Hồng (ngụ ở một chung cư quận Bình Thạnh, TPHCM) khi trải nghiệm đặt món ăn trực tuyến ở phạm vi gần nơi ở. Hiện nay, trào lưu mua, bán thực phẩm qua mạng khá phổ biến và một số người chọn ứng dụng có tính năng gần nơi ở để thuận tiện khi cần mua sắm.
- Đi chợ online tăng mạnh trong mùa giãn cách xã hội
- Nhộn nhịp chợ thực phẩm online
- Đi chợ online, nhu cầu tăng dần
Ứng dụng “gắn kết tình làng, nghĩa xóm”
Được biết, hiện có nhiều ứng dụng kết nối trung gian giữa người bán – người mua, chẳng hạn ứng dụng 3km để đặt món ăn trong phạm vi 3km trở lại. Theo đó, một người sống ở chung cư hay nhà phố dễ dàng tìm được người bán ở gần mình. Trở lại câu chuyện chị Hồng, chị chia sẻ nếu như thông thường, chị mất nhiều thời gian để chọn mua bánh kem, chưa kể phải chạy ra ngoài tìm nếu không mua được trực tuyến. Nhưng với tính năng kết nối gần nhau, cuối cùng chị đã chọn mua được bánh kem mà người bán là “hàng xóm” mà mình không hay biết.
Còn với chị Nguyễn Oanh (ngụ tại quận Tân Phú, TPHCM), một người bán thực phẩm, cho hay, lúc đầu chị chỉ làm một số món bánh ngọt để bán cho người quen. Rồi khi thấy ứng dụng bán hàng online thuận tiện cho cả chị và khách hàng nên chị mạnh dạn đăng ký tham gia. Từ đó, lượng khách tăng thêm mà phần lớn đều là những người hàng xóm của mình. “Do gần nhau, tôi tranh thủ chạy giao hàng cho người mua, vừa tiện cho họ, vừa giúp công việc buôn bán của tôi thêm thuận lợi, uy tín”, chị Oanh cho hay.
Chuyện bán thực phẩm online: Khó mà cũng dễ
Sau hai năm tập trung cho mảng bán món ăn online, chị Hà Nguyễn (ngụ tại quận Bình Thạnh, TPHCM) đã có những vị khách “ruột”. Theo chị, ban đầu, chỉ có người thân ủng hộ mua bánh, nên chị mới tìm hiểu thêm nhu cầu của thực khách là gì. Sau đó, chị đăng ký học thêm một số lớp dạy kỹ năng trang trí món ăn, chụp ảnh để sản phẩm của mình trở nên hoàn hảo hơn. “Nhờ người quen cho hay, tôi mới rõ món ăn ngày nay không chỉ ngon miệng mà phải thật bắt mắt”, chị cho biết.
Trong khi đó, chị Hạ Như (chủ quán I’m Salad, quận Bình Thạnh, TPHCM) bày tỏ tâm tư việc chuyển nghề từ nhân viên văn phòng sang người bán món ăn nhà làm vì nhận ra sự cần thiết của cuộc sống healthy (sống khỏe) trong thời đại này.
Nghĩ là làm, chị thực hiện khảo sát, bắt đầu nấu các món lành mạnh và mời hàng xóm thưởng thức để cho nhận xét. Ngoài ra, chị còn học thêm lớp học dinh dưỡng để tính lượng calo cho một khẩu phần ăn phù hợp với người đang theo chế độ ăn lành mạnh.
“Trụ đến nay cũng gần hai năm, so với việc bán trực tiếp, tôi thấy bán online có hiệu quả tốt. Trong tương lai, tôi sẽ thiết kế đa dạng hơn các món ăn lành mạnh (healthy) đến với khách hàng”, chị Như chia sẻ.
Để thu hút người mua, ngoài vấn đề vệ sinh, an toàn thực phẩm, nét độc đáo trong các món ăn của mỗi người bán là điều không thể thiếu. Anh Trần Quốc Trung (chủ tiệm bánh Oven Gang, ngụ quận 1, TPHCM), chia sẻ món ăn nổi bật của tiệm là bánh su kem các loại.
Điểm thu hút là mỗi loại bánh đều có vị nhân từ cơ bản đến hương vị nổi bật được chọn lọc từ các loại thực phẩm theo mùa. Tuy nhiên, kinh doanh trên ứng dụng cũng không phải dễ dàng. Anh cho biết thêm, số lượng khách đặt hàng online mỗi ngày mỗi khác, dẫn đến việc chuẩn bị nguyên liệu và thời gian chế biến cũng khác nhau. Thêm nữa, vì chỉ có mỗi cá nhân làm bánh, nên sẽ có giới hạn số lượng mỗi ngày. “Có hôm khách vào đặt hàng nhưng hết bánh, cả mình và khách đều tiếc nuối”, anh Trung bộc bạch.
Với ưu thế thị trường đang ưu chuộng món ăn nhà làm như hiện nay, đây là cơ hội cho người nội trợ cũng như những ai yêu thích ẩm thực thử sức kinh doanh tại nhà qua các ứng dụng đặt thức ăn trực tuyến. Theo đó, những ứng dụng có tính năng lọc người bán - người mua gần nhau thì sẽ nhận được nhiều sự quan tâm hơn.
Trần Đào