(SGTT) - Với việc tổ chức vận tải liên vận quốc tế bằng đường sắt, từ ga Cao Xá, tỉnh Hải Dương, hàng hóa xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp sẽ được kết nối trực tiếp với đường sắt các nước nằm trên tuyến vận tải đường sắt Á – Âu.
- Đường sắt Việt Nam tạm ‘buông tay’ vận tải hành khách để chở hàng
- Sẽ có chuyến tàu liên vận quốc tế đầu tiên từ ga Cao Xá ở Hải Dương từ 23-4
TTXVN đưa tin, sáng 2-5, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) và UBND tỉnh Hải Dương đã tổ chức khai trương đoàn tàu vận chuyển hàng hóa đầu tiên từ ga Cao Xá (huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương) tham gia hành trình liên vận quốc tế.
Sau khi khai trương, đoàn tàu gồm 12 container chở lưu huỳnh, nhôm và sữa, đóng tại các nhà máy trên địa bàn các tỉnh Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên đã lên đường đến ga Yên Viên (Hà Nội), sau đó kết nối vào các đoàn tàu liên vận quốc tế để xuất khẩu sang Trung Quốc.
Dự kiến, vào ngày 20-5, tỉnh Hải Dương sẽ tổ chức mở vườn vải Thanh Hà, cắt băng xuất khẩu vải chuyến đầu tiên tại ga Cao Xá.
Theo VNR, sau khi hoàn thành việc đầu tư xây dựng và đưa vào khai thác giai đoạn 1, ga Cao Xá tham gia vào vận tải hàng hóa nội địa từ Hải Dương đi các tỉnh, tham gia vào hành trình vận tải liên vận quốc tế.
Trong giai đoạn 2, nếu được phê duyệt, VNR sẽ tiếp tục triển nâng cấp, cải tạo ga Cao Xá đủ điều kiện là ga liên vận quốc tế, trong đó đáp ứng các quy định về điều kiện kinh doanh hàng miễn thuế, kho bãi, địa điểm làm thủ tục hải quan, tập kết, kiểm tra, giám sát hải quan số.
Khi đó, tại ga Cao Xá, sẽ tổ chức khai thác hai tuyến liên vận quốc tế gồm tuyến 1: Cao Xá – Yên Viên (Hà Nội) – Kép (Bắc Giang) – Đồng Đăng (Lạng Sơn) – Bằng Tường (Quảng Tây, Trung Quốc), từ đây đi sâu vào nội địa Trung Quốc hoặc quá cảnh sang các nước Trung Á, Nga, EU. Tuyến 2 từ ga Cao Xá – Lào Cai – Sơn Yêu (Hà Khẩu Bắc, Vân Nam, Trung Quốc) và chuyển đổi phương tiện đi sâu vào nội địa Trung Quốc.
Sau khi nâng cấp, hàng hóa xuất, nhập khẩu có thể thực hiện được thủ tục hải quan ngay tại ga Cao Xá, vận chuyển bằng đường sắt liên vận đi tiếp đến các cửa khẩu biên giới để sang các nước, rút ngắn được thời gian làm thủ tục cũng như vận chuyển. Mục tiêu của VNR là nâng sản lượng vận tải liên vận quốc tế bằng đường sắt lên 4,5 triệu tấn/năm trong các năm tiếp theo.