Thứ tư, Tháng mười một 6, 2024

HSBC dự báo GDP của Việt Nam sẽ tăng trưởng 5,8% trong 2023

(SGTT) - Tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2022 đạt mức 8%, mức cao nhất trong 25 năm qua. Tuy nhiên, năm 2023 được dự báo là một năm đầy thách thức với những khó khăn trong thương mại. Do vậy, trong báo cáo mới phát hành của mình, Ngân hàng HSBC dự báo tăng trưởng của Việt Nam sẽ chậm lại ở mức 5,8% trong năm 2023.

Việt Nam tăng trưởng 5,9% trong quý 4-2022 so với cùng kỳ năm trước, nâng mức tăng trưởng GDP của cả năm lên 8%, đánh dấu mức tăng trưởng cao nhất của Việt Nam kể từ năm 1997. Kết quả này được dự báo sẽ giúp Việt nam trở thành một trong những quốc gia tăng trưởng thuộc tốp đầu ở châu Á. Việt Nam đã hưởng lợi nhờ việc mở cửa trở lại hoàn toàn từ giữa tháng 3-2022. Sau khi mở cửa, các ngành dịch vụ hướng đến người tiêu dùng và liên quan đến du lịch bao gồm bán lẻ, ăn uống, lữ hành và lưu trú đã bùng nổ đáng kể và thúc đẩy tăng trưởng.

Ảnh: HSBC

Tương tự quý 3, nhu cầu trong nước phục hồi ổn định thúc đẩy phát triển dịch vụ mạnh mẽ trong quý 4. Doanh thu bán lẻ tiếp tục đà tăng trưởng trong quý 4, tăng khoảng 13% so với cùng kỳ năm trước (Biểu đồ 1). Nhờ thị trường lao động được cải thiện (Biểu đồ 2), tiêu dùng cá nhân của Việt Nam đã lấy lại tốc độ như thời trước đại dịch là khoảng 7%.

Tuy nhiên, chuyên gia của HSBC cho rằng đã xuất hiện những dấu hiệu ban đầu đang cho thấy những yếu tố thuận lợi trong nước đang giảm dần. Tổng mức bán lẻ đã đạt đỉnh và đà tăng trưởng của tháng 12 có sự giảm nhẹ. Một phần nguyên nhân dẫn tới sự suy yếu này là do tốc độ phục hồi chậm của ngành du lịch.

Sự phục hồi của ngành du lịch Việt Nam đã và đang chậm so với các nước khác trong khu vực. Trong năm 2022, Việt Nam đón khoảng 3,6 triệu lượt khách, đạt 70% chỉ tiêu đặt ra từ đầu năm (Biểu đồ 3). Tuy nhiên, mức này chỉ bằng 20% so với năm 2019, thấp hơn mức 28% của Singapore (5 triệu lượt khách trong tháng 11) và mức 25% của Thái Lan (hơn 11 triệu lượt khách theo các quan chức).

Mặc dù không quá phụ thuộc vào du lịch như Thái Lan, Việt Nam không thể xem nhẹ tầm quan trọng của ngành này đối với thị trường việc làm trong nước. Khoảng 25% lực lượng lao động làm việc trong các ngành liên quan đến ăn uống và lưu trú và đặc biệt, thị trường việc làm phi chính thức của Việt Nam còn chịu ảnh hưởng nhiều hơn từ du lịch (Biểu đồ 4).

Mới đây, Trung Quốc thông báo mở cửa trở lại kể từ ngày 8-1, đây có thể là cú hích cần thiết cho du lịch Việt Nam. Nguồn khách du lịch lớn nhất của Việt Nam chủ yếu đến từ Trung Quốc đại lục với tỷ trọng là 30%.

Thêm nữa, Việt nam đang cân nhắc các biện pháp để giúp đạt được mục tiêu thu hút 8 triệu du khách. Ví dụ như các quan chức đang kêu gọi kéo dài thời gian miễn thị thực cho khách nước ngoài lên 30 ngày và triển khai thị thực điện tử (e-visa) cho công dân tất cả các nước. Hiện tại, Việt Nam mới chỉ miễn thị thực cho du khách đến từ 24 nước với thời hạn lưu trú 15 ngày.

Ảnh: HSBC

Xuất khẩu sụt giảm 14% trong tháng 12 so với cùng kỳ năm trước, sự suy yếu diễn ra trên diện rộng ở các ngành hàng chính, đặc biệt là điện tử (Biểu đồ 5). Trong khi đó, nhập khẩu cũng giảm mạnh 8,1% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu là ở nhập khẩu các mặt hàng liên quan đến công nghệ.

Triển vọng sản xuất của Việt Nam đang bắt đầu nhìn thấy thách thức với bằng chứng là chỉ số PMI mới nhất tiếp tục lao dốc xuống 46,4 trong tháng 12, mức thấp nhất trong vòng 1,5 năm qua.

Vì vậy, Việt Nam nhiều khả năng sẽ chứng kiến thâm hụt nhẹ tài khoản vãng lai (giá trị xuất khẩu và nhập khẩu của cả hàng hóa và dịch vụ và chuyển dịch vốn quốc tế) năm thứ hai liên tiếp, khả năng rơi vào khoảng 1,4% GDP, ảnh hưởng đến tốc độ phục hồi đồng tiền Việt.

Đồng Việt Nam đã chịu áp lực giảm giá lớn trước sự mạnh lên của đồng đô la Mỹ, khiến tài khoản vãng lai suy yếu và làm suy giảm lợi thế về chênh lệch lợi suất. Để bảo vệ đồng nội tệ, các nhà chức trách đã bán bớt ngoại tệ dự trữ, dự trữ ngoại tệ vốn đã giảm mạnh 20% tính tới quý 3-2022 so với thời điểm đạt đỉnh vào cuối năm 2021.

Mặc dù vậy, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vẫn tăng trưởng tốt, tiếp tục là mỏ neo vững chãi cho thương mại của Việt Nam mặc dù triển vọng ngắn hạn vẫn còn thách thức. FDI mới giảm 18% trong năm 2022, nhưng chỉ giảm nhẹ 1% trong lĩnh vực sản xuất.

Một trong số những nguyên nhân là những gã khổng lồ ngành công nghệ truyền thống như Samsung và LG đã công bố kế hoạch tiếp tục mở rộng với mức đầu tư trị giá 2 tỉ đô la Mỹ từ Samsung và 4 tỉ đô la Mỹ từ LG nhằm củng cố chuỗi cung ứng ở Việt Nam. Trong khi đó, báo chí đã đưa tin về việc Apple sẽ bắt đầu sản xuất máy tính MacBooks ở Việt Nam từ giữa năm 2023. Tất cả những diễn biến này đều cho thấy Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn ở ASEAN đối với nhà đầu tư nước ngoài.

Ngoài ra, lạm phát cao cũng là vấn đề cần lưu tâm chặt chẽ khi Việt Nam tiếp tục chứng kiến áp lực lạm phát mạnh lên, đặc biệt là giá hàng hóa cơ bản. Do đó, HSBC kỳ vọng tăng trưởng của Việt Nam sẽ chậm lại ở mức 5,8% và lạm phát bình quân tăng lên 4% trong năm 2023.

Như Quỳnh

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Yếu tố nào giúp GDP quí 3 của Việt Nam vượt...

0
(SGTT) -  Bão Yagi gây thiệt hại nặng nề với ước tính trên 80.000 tỉ đồng cho Việt Nam. Tuy nhiên, nền kinh tế...

UOB: Kinh tế Việt Nam có thể ‘tăng trưởng chậm lại’...

0
(SGTT) – Theo báo cáo của ngân hàng UOB, kinh tế Việt Nam trong quí 2 năm 2024 tiếp tục đà tăng trưởng ấn...

Các đêm diễn của Taylor Swift tác động đến kinh tế...

0
(SGTT) - Sáu đêm diễn của Taylor Swift tại Singapore không chỉ mang lại hiệu ứng tốt chỉ cho quốc đảo này mà còn...

Ưu tư trên dặm đường quê hương

0
(SGTT) - Gần đây tôi có cơ hội đi dọc duyên hải miền Trung, xuyên qua một số tỉnh, thành bằng đường bộ. Vậy...

HSBC dự báo 10 xu hướng lớn ảnh hưởng kinh tế...

0
(SGTT) - Bước sang năm 2024, một bối cảnh kinh tế mới mẻ nhưng cũng không kém phần phức tạp đang bắt đầu thành...

Thế giới quanh ta và cơ hội mới của Việt Nam

0
(SGTT) - Địa kinh tế thế giới tiếp tục biến động. Trên mặt trận này, tình hình Mỹ – Trung Quốc vẫn quyết liệt....

Kết nối