Thứ hai, Tháng mười một 25, 2024

Hoảng loạn trong mùa dịch sẽ tạo cơ hội cho những người đầu cơ làm giá

(TBKTSG Online) - Xin người tiêu dùng đừng hoảng loạn, đừng mua, đừng trữ hàng hóa vì nếu mua, trữ thì bao nhiêu cũng không đủ. Chưa kể nếu khách hàng làm thế sẽ tạo cơ hội cho những người đầu cơ làm giá.

Bà Trần Thị Mỹ Vân, Chánh văn phòng Tổng giám đốc Công ty Acecook Việt Nam, phát biểu tại buổi làm việc của Sở Công Thương TPHCM với các doanh nghiệp về tình hình dự trữ hàng hóa, bảo đảm cân đối cung – cầu hàng hóa trên địa bàn TPHCM để ứng phó khẩn cấp với dịch bệnh Covid-19.

Doanh nghiệp đảm bảo cung ứng đủ hàng hóa nên kêu gọi người tiêu dùng không tích trữ hàng hóa. Trong hình: Người tiêu dùng mua hàng tại MM Mega Market. Ảnh: MM

Bà còn cho biết có thông tin có cửa hàng bán mì gói đồng giá khoảng 300.000 đồng/thùng, trong khi một số loại mì của Acecook giá chưa đến 100.000 đồng/thùng và cho tới nay công ty không tăng giá bất kỳ sản phẩm nào.

Ý kiến của bà Vân cũng là ý kiến của đại diện nhiều doanh nghiệp, bởi nếu người tiêu dùng tích trữ sẽ tạo khan hiếm giả, tạo điều kiện cho kẻ xấu lợi dụng để đầu cơ, đẩy giá.

Theo đại diện các doanh nghiệp nhu cầu tiêu thụ lương thực, thực phẩm mà chủ yếu là gạo, các mặt hàng chế biến như bún ăn liền, mì, phở, miến ăn liền và đồ hộp, xúc xích… tăng mạnh từ sau Tết đến nay, đặc biệt tăng đột biến trong 2 ngày thứ Bảy và Chủ nhật tuần rồi (ngày 7 và 8-3).

Cụ thể, ông Nguyễn Đăng Phú, Phó Tổng giám đốc Công ty Việt Nam kỹ nghệ súc sản (Vissan), cho biết khoảng 10 ngày nay, tiêu thụ đồ hộp của công ty tăng gần 100%, xúc xích tiệt trùng tăng 15 - 20%, đồ đông lạnh tăng trên 20%; các doanh nghiệp sản xuất mì gói, bún, phở ăn liền như Acecook, Vifon, Colusa – Miliket, Công ty cổ phần thực phẩm Bình Tây… cũng cho biết sức mua đã tăng 45-50% kể từ đầu tháng 3 đến nay, thậm chí như Công ty Kỹ nghệ Thực phẩm Việt Nam (Vifon) đã phải tạm cắt đơn hàng xuất khẩu để ưu tiên sản xuất cho nội địa…

Tuy nhiên các doanh nghiệp cũng thông tin đến ngày hôm 10-3, tình hình đã ổn định trở lại, người tiêu dùng không còn hiện tượng mua gom như hai ngày cuối tuần, một phần là bởi doanh nghiệp sản xuất lẫn phân phối đã có sự chuẩn bị tốt để ứng phó với tình huống thị trường khi dịch bệnh lan rộng. Một số đơn vị phân phối lớn như Saigon Co.op, Big C, Lotte Mart, Aeon, MM Mega Market đang tăng dự trữ hàng hóa, xây dựng kịch bản dự trữ hàng bằng container, tiếp tục làm việc với các nhà cung cấp, linh hoạt tăng thời gian mở cửa bán hàng….

Mặc dù tình hình đã ổn định trở lại nhưng các doanh nghiệp lương thực, thực phẩm và doanh nghiệp phân phối tại TPHCM cho biết đã chuẩn bị đầy đủ nguyên liệu đủ để sản xuất, cung ứng cho thị trường trong thời gian dài và cam kết không điều chỉnh giá trong vài tháng tới.

Ví dụ bà Vân của Công ty Acecook Việt Nam cho biết năng lực sản xuất của công ty có thể tăng hơn 30% so với bình thường và hiện công ty vẫn đang sản xuất ổn định mỗi ngày.

Với mặt hàng gạo, mặc dù giá lúa gạo đang có xu hướng tăng nhưng các doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường như Công ty Vinh Phát Wilmar, Công ty Lương thực Thành phố, Công ty TNHH Lương thực Tấn Vương… vẫn duy trì lượng tồn kho và giữ giá bán đúng theo giá đã đăng ký như công ty Vinh Phát Wilmar đang dự trữ 50 ngàn tấn gạo để xuất khẩu nhưng sẽ ưu tiên bán cho thị trường nội địa.

Trong thông tin gửi báo chí trước đó, đại diện MM Mega Market Việt Nam cho biết, ngay từ đầu năm, công ty đã phối hợp với nhà cung cấp, nông dân để tăng lượng hàng thiết yếu bán ra từ 20 – 40% so với kế hoạch nhằm đảm bảo đủ hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân. Hiện tại, MM đang làm việc chặt chẽ với nhà cung cấp để đặt hàng và tăng số lượng xe giao hàng đến các trung tâm, đặc biệt là các trung tâm ở khu vực miền Bắc, tránh tình trạng thiếu hàng và sốt giá. Hiện các mặt hàng như: gạo, thực phẩm chế biến, thực phẩm tươi sống… đã được MM tập trung chủ động nguồn hàng hóa, tăng lượng mua vào với tổng giá trị hàng hóa hơn 1.200 tỉ đồng. Đặc biệt, các mặt hàng hỗ trợ phòng ngừa bệnh truyền nhiễm như khẩu trang y tế, nước rửa tay, nước sát trùng... đã tăng lượng hàng lên từ 190% đến 1.500%.

Ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công Thương TPHCM đề nghị doanh nghiệp phân phối và doanh nghiệp sản xuất nên liên lạc thường xuyên với nhau, cùng dự trữ đầy hàng trong kho để sẵn sàng cung ứng ra thị trường trong những tình huống cấp bách nhất. Trong khi đó, bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó Giám đốc Sở Công Thương lưu ý trong trường hợp dịch Covid-19 bùng phát mạnh mẽ, TPHCM sẽ huy động doanh nghiệp sản xuất, cung ứng 100% cho thị trường nội địa. Theo đó các doanh nghiệp đang có hoạt động xuất khẩu cần chuẩn bị tâm lý, kịch bản trong trường hợp tạm dừng xuất khẩu.

Trước đó, ngày 9-3, trong tin nhắn gửi cho người dân tại TPHCM, UBND TPHCM khẳng định luôn đảm bảo cung ứng hàng hoá, nhu yếu phẩm và thực phẩm phục vụ người dân. Đồng thời, theo UBND TPHCM để hạn chế có mặt nơi đông người, đề nghị người dân ưu tiên lựa chọn mua sắm hàng hoá trực tuyến.

Vũ Yến

Theo TBKTSG Online

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Xuất khẩu gạo Việt Nam đã vượt 8 triệu tấn

0
(SGTT) - Việt Nam đã xuất khẩu thêm 293.484 tấn gạo trong nửa đầu tháng 11, nâng tổng lượng gạo xuất khẩu của cả...

TPHCM thử nghiệm thu phí đậu xe qua tài khoản ETC

0
(SGTT) - Đường Hai Bà Trưng, Lê Lai (quận 1) và Phạm Hữu Chí (quận 5) sẽ chuyển sang hình thức thu phí đậu...

Hoàn thành “đại trùng tu” di tích Điện Thái Hòa –...

0
Trải qua hơn 3 năm “đại trùng tu”, Điện Thái Hòa - nơi Hoàng đế ngự ngai vàng - đã được hoàn thiện, sẵn...

Bừng sáng đêm giao lưu nghệ thuật truyền thống Hàn Quốc...

0
Chương trình giao lưu biểu diễn nghệ thuật mang tên “Hòa vọng khúc ca” của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế...

Lợi ích của nước muối đối với làn da

0
(SGTT) - Nước muối không chỉ là một nguyên liệu quen thuộc trong đời sống hàng ngày mà còn mang đến nhiều lợi ích...

Rét đậm ở Bắc bộ từ 26-11, vùng núi có nơi...

0
(SGTT) - Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, từ đêm mai (26-11), ở Bắc bộ và bắc Trung bộ,...

Kết nối