(SGTT) - Đêm biên giới A Lưới (TP Huế) mang đến cho du khách trải nghiệm ẩm thực độc đáo của đồng bào dân tộc Tà Ôi. Bập bùng ánh lửa, nồng nàn men rượu cần, rượu đoak và tiếng trống chiêng gợi mở cánh cửa văn hóa nơi đại ngàn.
- Hiểu hơn về "Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia" ẩm thực dân tộc Thái
- Chút hương ruộng đồng trưa cuối tuần cùng lẩu cá rô đồng
Không gian A Roàng cũ (xã A Lưới 4) là thủ phủ ẩm thực Tà Ôi, nơi homestay và các nhà cộng đồng đón những đoàn khách đầu tiên. Tại đây, người Tà Ôi trân trọng giới thiệu những món ăn gắn với rau rừng, thịt khô gác bếp, cá suối nướng và cơm lam, tất cả thể hiện mối giao hòa giữa con người và thiên nhiên.
Trong kho tàng món bánh truyền thống, hai tên món ăn khiến ai cũng trầm trồ là a quát (bánh sừng trâu) và a deep man (bánh nếp vừng). A quát được xem như "bánh tình yêu" vì chỉ cô dâu Tà Ôi mới khéo tay gói, tượng trưng cho sự thủy chung đôi lứa: chiếc lớn đại diện chàng trai, chiếc nhỏ thay cô gái.

Còn a deep man được làm từ xôi nếp giã nhuyễn trộn mè rang, vo thành khối rồi cắt miếng dày, xếp tròn như hai bàn tay ghép lại. Các loại bánh khác chế biến từ nếp than Cu char hay nếp Pa Cô cũng làm say lòng thực khách bởi độ dẻo, hương thơm đặc trưng.
Rau rừng trong mỗi bữa ăn được tuyển chọn tươi nhất. Rau tàu bay giòn có thể luộc chấm hoặc xào, môn thục trộn mỡ nướng trong ống tre, rau rớn giòn chát xào hoặc trộn gỏi, lá trưng để cuốn thịt nướng, rau chua nấu canh cá suối… Mỗi loại rau khi kết hợp với gia vị dân dã như muối, ớt và các thảo mộc địa phương (tiêu rừng, lá bưởi non, ngò ta, lá lốt, lá môn vọt...) tạo nên bản giao hưởng vị giác vừa chân phương, vừa thú vị.

Thức uống không thể thiếu là rượu cần: nước gạo đục, chua chua, ngọt nhẹ, ủ từ nhiều ngày, đủ để lòng người xao xuyến giữa men nồng và tiếng cười.
Viên Đăng Phú, chàng trai Tà Ôi, từ hướng dẫn viên du lịch trở thành cầu nối văn hóa. Anh không chỉ giới thiệu cảnh sắc A Lưới mà còn tự tay học hỏi cách chế biến món hiếm trong các buôn làng. Phú thường dẫn khách vào rừng hái rau, bắt cá suối, trải nghiệm homestay với bữa ăn thuần Việt cao nguyên.

"Nhiều sản phẩm mà người Tà Ôi xa xứ và du khách quốc tế đều hứng thú", Phú chia sẻ. Sự đón nhận ấy tiếp thêm động lực để anh quảng bá ẩm thực bản địa lâu dài hơn.
Du lịch ẩm thực chính là ngọn lửa sưởi ấm kinh tế A Lưới. Nhờ anh Phú và các homestay, nhiều bà con dân tộc thiểu số có việc làm, thu nhập ổn định. Hạ tầng nông thôn ngày càng hoàn thiện như đường sá, điện, trường học, bệnh xá và homestay được đầu tư khang trang.

Ông Hồ Văn Khởi, Phó Chủ tịch UBND xã A Lưới 4, chia sẻ từ sự độc đáo của ẩm thực Tà Ôi, việc “giữ chân” du khách không chỉ để họ trải nghiệm đầy đủ nét đẹp thiên nhiên, con người, văn hóa, ẩm thực của cùng cao A Lưới, mà còn giúp thúc đẩy ngành công nghiệp không khói trên địa bàn phát triển, tạo công ăn việc làm và thu nhập cho người dân địa phương. Từ kiến thức và tâm huyết của người đảng viên hướng dẫn, cùng nhiều cách làm hay, sáng tạo đã có những mô hình du lịch tiêu biểu để phát triển kinh tế xóa đói giảm nghèo bền vững.
Trong ánh điện đêm thung lũng, tiếng chiêng vẫn đều đều, men rượu vẫn say đắm, còn dư vị miền cao mãi vang vọng trong lòng mỗi du khách ghé thăm.