(SGTTO) - Do đại dịch Covid-19, các hãng hàng không đang sa lầy trong cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất từ trước đến nay. Và để kiếm tiền, các hãng đã phải xoay xở đủ cách, thậm chí có hãng đã phải bán rau tươi, đậu phộng và… đồ ngủ để vượt qua đại dịch.
- Vượt khó mùa dịch: Doanh nghiệp lữ hành đồng loạt giới thiệu các tour thu đông
- Khách sạn ‘lấy ngắn nuôi dài’ để vượt qua mùa dịch
Mới đây, tại Bangkok, hãng hàng không quốc gia Thái Lan - Thai Airways International đã ra mắt nhà hàng Pop-up ngay tại trụ sở của hãng trên đường Vibhavadi Rangsit. Vì đại dịch, mọi người không thể bay vào thời điểm này nhưng các tín đồ mê du lịch, tín đồ ăn uống vẫn có thể thưởng thức đồ ăn của hãng. Ý tưởng này nhận được phản hồi rất tốt.
Nhà hàng "hàng không" này ngay lập tức thu hút cư dân mạng bởi cách trang trí độc đáo, mang lại cảm giác y hệt như khi bước vào các khoang máy bay. Từng dãy bàn được bài trí với đầy đủ thiết bị chuyên nghiệp, thực đơn được giữ nguyên như trên các chuyến bay.
Ngay cả các hãng hàng không được chính phủ cứu trợ cũng đang phải tìm mọi cách cắt giảm chi phí và tìm kiếm các dòng doanh thu mới. Việc khôi phục hoạt động bay dự kiến sẽ mất nhiều năm và khiến các hãng vận chuyển tốn thêm hàng tỉ đô la. Dưới đây là những cách mà các hãng hàng không đang áp dụng để bù đắp thiệt hại do Covid-19.
Cho thuê máy bay tới Nam Cực
Do hoạt động bay quốc tế phải tạm dừng ít nhất đến giữa năm 2021, hãng Qantas Airways của Úc đang cho thuê một trong những chiếc Boeing Dreamliners của mình để phục vụ du khách ngắm các núi băng ở Nam Cực.
Antarctica Flight đang thuê máy bay và phi hành đoàn từ Qantas để phục vụ cho 7 chuyến bay từ tháng 11-2020 đến tháng 2-2021. Các chuyến bay kéo dài 12 đến 14 giờ và một ghế hạng thương gia với đầy đủ dịch vụ có giá 7.999 đô la Úc (khoảng 135 triệu đồng).
Bán pyjama và hạnh nhân
Hãng bay Qantas của Úc cũng bán những sản phẩm mà họ thường tặng cho những hành khách cao cấp. Ngay sau khi hãng công bố trên mạng, 10.000 bộ pyjama với giá 25 đô la Úc/bộ (khoảng 420.000 đồng) đã được bán hết trong vòng vài giờ. Sản phẩm kèm theo mỗi bộ quần áo gồm kem dưỡng da tay, túi trà, bánh quy và hạnh nhân xông khói, cùng một số món ăn vặt khác trên chuyến bay.
Qantas cũng tận dụng triệt để những chiếc Boeing 747 vốn phải nghỉ hưu sớm do khủng hoảng. Một phát ngôn viên của hãng cho biết một số nội thất trong cabin, chẳng hạn như bàn ăn trong khoang hạng nhất, có thể được bán để người mua làm vật kỷ niệm.
Thưởng thức suất ăn trên trời ngay tại nhà
Air North, hãng hàng không 43 năm tuổi ở Canada, đã bán suất ăn trên chuyến bay cho những người muốn thưởng thức tại nhà, và giao hàng tận nhà cho khách. Thực đơn gồm nhiều món, từ bánh nướng nhân thịt bò với giá 9 đô la Canada (khoảng 160.000 đồng) tới các loại bánh phô mai với giá 13,99 đô la Canada (khoảng 250.000 đồng).
Khách hàng có thể đặt trước tối đa 20 suất ăn chế biến sẵn đông lạnh và người giao hàng sẽ đưa các suất ăn tới nhà khách hàng vào ngày làm việc tiếp theo. Hiện tại, Air North mới chỉ bán suất ăn ở những khu vực thuộc thành phố Whitehorse ở phía tây bắc Canada với phí giao hàng là 10 đô la Canada (khoảng 180.000 đồng).
Chuyến bay không điểm đến
Hãng hàng không ANA của Nhật Bản đã bán vé cho một chuyến bay không có điểm đến. Khoảng 300 hành khách đã trả tiền để trải nghiệm một khu nghỉ dưỡng ở Hawaii trên chiếc Airbus SE A380 thường bay tuyến Tokyo-Honolulu (thuộc Hawaii). Những hành khách này đã được lựa chọn thông qua hình thức quay xổ số của hãng.
Phi hành đoàn đeo khẩu trang và mặc sơ mi của người dân Hawaii. Các tiếp viên phục vụ hành khách các món cocktail trong suốt chuyến bay 90 phút.
Hãng hàng không Starlux đã giới thiệu chuyến bay “giả vờ đi nước ngoài” do đích thân chủ tịch của hãng điều khiển phi cơ vào ngày 7-8. Theo Focus Taiwan, 188 vé với giá 4.221 đài tệ (khoảng 3,4 triệu đồng) cho chuyến đi dọc theo bờ biển phía Đông của Đài Loan đã được bán hết trong 30 giây. Starlux cũng thực hiện một chuyến bay tương tự cho nhân viên và khách hàng, và phi công cũng chính là chủ tịch của hãng.
Cho thuê không gian văn phòng
Air New Zealand đang xem xét việc cho thuê lại một số diện tích nằm trong trụ sở chính của mình ở Auckland (New Zealand) để bù đắp chi phí. Truyền thông địa phương cho biết có tới một phần tư diện tích của tòa nhà văn phòng cao sáu tầng của hãng này, tương đương 5.000 m2 diện tích sàn, sẽ được cho thuê.
Giao trái cây và rau
Tập đoàn AirAsia vốn tiên phong trong lĩnh vực du lịch giá rẻ, đã thông báo mức lỗ kỷ lục vào tháng trước. Để tìm kiếm nguồn doanh thu mới, hãng đã đã bắt đầu một nền tảng theo kiểu amazon.com để bán hoa quả và rau tươi.
Liên doanh thương mại điện tử Ourfarm muốn khai thác khả năng vận chuyển hàng hóa, hậu cần và thanh toán của hãng hàng không này để kết nối trực tiếp nông dân Malaysia với các khách sạn, nhà hàng và siêu thị. Trang web này bán mọi thứ từ khoai tây và cải chip đến dứa và thịt gà.
Ưu đãi tất cả các chuyến bay
Đối mặt với sự sụt giảm nhu cầu bay của hành khách, các hãng hàng không ở Trung Quốc bắt đầu cung cấp các gói chuyến bay không giới hạn để thu hút khách hàng quay trở lại với các đường bay nội địa.
Trong số đó, China Eastern Airlines, vào tháng Sáu vừa qua đã quảng cáo các chuyến bay cuối tuần không giới hạn trong thời gian còn lại của năm với mức phí 3.322 nhân dân tệ (khoảng 11 triệu đồng). Và chỉ trong hai ngày cuối tuần, hơn 150.000 người đã đăng ký mua. Trên một số chuyến bay, lượng khách sử dụng loại vé này chiếm hơn 90% tổng số hành khách.
Thanh Thảo
Theo Bangkok Post; Top of Form