(SGTT) - Ninh Thuận vừa có thêm hai bảo vật quốc gia được công nhận là tượng thờ Mukhalinga-yoni Po Klaong Garay và bia ký Phước Thiện. Nâng tổng số bảo vật quốc gia thuộc di sản văn hóa Chăm ở Ninh Thuận lên 4 bảo vật quốc gia.
- 6 trải nghiệm du lịch nên thử khi đến Ninh Thuận
- Phát triển du lịch sinh thái tại ‘thảo nguyên cây gai’ ở Ninh Thuận
- Hè về, khám phá những vườn nho Ninh Thuận
Bảo vật quốc gia là những hiện vật có giá trị đặc biệt về văn hóa, lịch sử được Nhà nước Việt Nam bảo vệ và bảo quản theo chế độ riêng biệt. Ninh Thuận còn lưu trữ nhiều di sản văn hóa Chăm, nơi người Chăm sinh sống và hành lễ trên các đền tháp hàng năm. Vì vậy, Ninh Thuận được coi là không gian bảo tồn các di sản văn hóa sống của người Chăm trong cả nước.
Vào năm 2020, có hai bảo vật quốc gia thuộc di sản văn hóa Chăm được công nhận là điêu khắc Mukhalinga-yoni Po Romê thờ trong đền tháp Po Romê xây dựng vào thế kỷ thứ 17 ở thôn Hậu Sanh, xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước. Đền tháp Po Romê được cộng đồng người Chăm thờ phụng và hành lễ hàng năm, thu hút du khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan rất đông. Đặc biệt, vào dịp cộng đồng người Chăm tổ chức lễ hội Katê.
Bảo vật quốc gia thứ hai là bia ký Hoà Lai có niên đại từ thế kỷ thứ 9. Hiện nay, bia ký Hoà Lai đang bảo quản và trưng bày phục vụ khách tham quan tại Bảo tàng tỉnh Ninh Thuận.
Ngày 18-1-2024, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận bảo vật quốc gia, theo đó, cả nước có 29 bảo vật quốc gia mới được công nhận. Trong đó, Ninh Thuận có thêm hai bảo vật quốc gia được công nhận là tượng thờ Mukhalinga-yoni Po Klaong Garay và bia ký Phước Thiện, nâng tổng số bảo vật quốc gia thuộc di sản văn hóa Chăm ở Ninh Thuận lên 4 bảo vật quốc gia.
Bảo vật quốc gia tượng thờ Mukhalinga-yoni Po Klaong Garay là điêu khắc đá bằng chất liệu sa thạch gồm có bệ Yoni, trụ Linga đính hình mặt vị thần được người Chăm thờ phụng trong đền tháp Po Klaong Garay ở phường Đô Vinh, thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, được xây dựng từ thế kỷ thứ 13, 14. Cụm đền tháp Po Klaong Garay hiện nay còn ba ngôi tháp, là tháp Cổng ở phía đông, tháp Lửa ở phía nam và ngôi tháp chính điện ở phía tây có đặt tượng thờ Po Klaong Garay.
Bảo vật quốc gia bia Phước Thiện được phát hiện vào năm 1992 ở thôn Phước Thiện, xã Phước Sơn, huyện Ninh Phước. Trên hai mặt tấm bia có khắc chữ Chăm cổ, dựa vào nội dung văn khắc và đặc điểm chữ viết các nhà khoa học xác định bia Phước Thiện có niên đại cuối thế kỷ thứ 8. Hiện nay, bia Phước Thiện đang lưu trữ, bảo quản, trưng bày phục vụ khách tham quan tại Bảo tàng tỉnh Ninh Thuận.
Với bốn bảo vật quốc gia thuộc di sản văn hóa Chăm đã được công nhận, cùng với các di tích quốc gia đặc biệt và các di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, Ninh Thuận trở thành nơi bảo tồn các di sản văn hóa sống của người Chăm trong cả nước. Từ di sản, Ninh Thuận thu hút đầu tư phát triển các loại hình du lịch cộng đồng và khám phá miền di sản văn hóa Chăm.
Bá Minh Truyền
Trung tâm Nghiên cứu Văn hoá Chăm Ninh Thuận