(SGTTO) - Nếu như trước đây, người Việt tìm đến cà phê để giải quyết nhu cầu "nghiện caffein" thì nay, người tiêu dùng cần một ly cà phê thơm ngon, chất lượng hơn. Gu cà phê thay đổi khiến các doanh nghiệp cũng phải thay đổi phương thức kinh doanh cà phê.
Chia sẻ tại chương trình đào tạo "Nâng cao năng lực xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường xuất khẩu cho ngành cà phê Việt Nam" khai mạc sáng nay (12-11) ở TPHCM, ông Nguyễn Tấn Vinh, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất thương mại dịch vụ xuất nhập khẩu K-Pan và là một chuyên gia có 20 năm kinh nghiệm về rang xay và pha chế cà phê, cho biết đã có những thay đổi lớn trong cách thưởng thức cà phê của người Việt mình trong những năm gần đây.
"Nếu như 10 năm trước, cà phê Espresso còn khá lạ lẫm với người tiêu dùng Việt Nam, ngay cả bản thân tôi cũng cảm thấy cà phê này khó uống, không hợp khẩu vị. Thế nhưng hiện nay, hầu hết các quán cà phê đều có Espresso trong thực đơn. Nhiều cửa hàng, quán cà phê nhỏ bán mang đi (take away) cũng đầu tư máy pha để có ly cà phê Espresso", ông Vinh cho biết thêm.
Ngoài ra, những sản phẩm cà phê hương liệu, cà phê bột bắp, pha tạp chất… dần dần bị thay thế bởi người tiêu dùng đã có yêu cầu cao hơn về chất lượng, hương vị thực tế của cà phê.
Riêng về cách chế biến cà phê, nếu như trước đây, phần lớn người dùng cà phê chủ yếu sử dụng phin để pha thì nay cà phê pha máy dần chiếm lĩnh thị trường.
Các doanh nghiệp, cửa hàng cà phê cũng đầu tư mạnh vào lĩnh vực máy móc, thiết bị pha chế cà phê để cạnh tranh. Chi phí cho máy pha cà phê có khi lên đến 300 – 400 triệu đồng/chiếc. “Mới đây, có một dòng máy pha cà phê mới giá hơn 1 tỉ đồng/máy với phiên bản giới hạn, chỉ 99 cái trên toàn thế giới nhưng Việt Nam cũng có người mua”, ông Vinh cho biết.
Phát biểu tại chương trình đào tạo nêu trên, ông Nguyễn Nam Hải, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (VICOFA), cho biết Việt Nam là nước sản xuất và xuất khẩu cà phê hàng đầu thế giới và người Việt cũng tăng lượng uống cà phê trong những năm gần đây.
Cụ thể, cách đây khoảng 5-10 năm, tiêu thụ nội địa tại Việt Nam chỉ đạt 6-7% sản lượng (khoảng 0,5kg/người/năm). Đến nay, tiêu thụ nội địa của Việt Nam đã tăng lên khoảng 13% sản lượng cà phê cả nước. Lượng cà phê tiêu thụ bình quân của mỗi người dân Việt Nam đạt xấp xỉ 2kg/người/năm. Lượng cà phê tiêu thụ nội địa hiện cũng đã đạt khoảng 200.000 tấn/năm.
Đặc biệt, thay vì chỉ có vài thương hiệu tham gia thị trường nội địa như những năm trước, hiện đã có hàng loạt thương hiệu cà phê của các doanh nghiệp trong và ngoài nước được người tiêu dùng biết đến. Có thể kể đến một số thương hiệu như Vinacafe Biên Hòa, Trung Nguyên, Phương Vy, Lemant, K+…
Một số doanh nghiệp còn đầu tư mạnh vào hệ thống sản xuất cà phê rang xay, tạo ra những sản phẩm đáp ứng yêu cầu mới của thị trường. “Đặc biệt là hai công ty Intimex và Tín Nghĩa đã đầu tư trên 30 triệu đô la Mỹ vào hệ thống cà phê rang xay hòa tan để tạo ra các thương hiệu, sản phẩm nổi bật”, ông Nguyễn Nam Hải nói.
Ông Lương Văn Tự, Chủ tịch VICOFA cũng thông tin, Việt Nam hiện có khoảng 500.000 quán cà phê lớn nhỏ, tập trung chủ yếu ở các thành phố lớn như TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng... Lượng tiêu thụ cà phê nội địa tại Việt Nam hàng năm cũng đang có xu hướng tăng dần.
Vì số lượng quán cà phê cũng tăng dần qua các năm, nhiều “ông lớn” đổ xô đầu tư vào kinh doanh cà phê, do đó, các doanh nghiệp phải liên tục cập nhật xu hướng người tiêu dùng, đặc biệt, chú trọng đầu tư khâu pha chế để có ly cà phê ngon.
Nam Bình