(SGTT) - Sau đúng một năm triển khai, gói tín dụng 125.000 tỉ đồng cho vay ưu đãi phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân chỉ giải ngân được 415 tỉ đồng cho chủ đầu tư và 540 triệu đồng cho người mua nhà.
- TPHCM sẽ phát triển 35.000 căn hộ nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2025
- Quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội tăng hơn 5.000 hecta
TTXVN dẫn thông tin theo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA), gói tín dụng 125.000 tỉ đồng với sự tham gia của 5 ngân hàng thương mại để cho vay ưu đãi phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân dường như chưa phù hợp với người mua, thuê mua nhà ở xã hội.
Tính đến thời điểm này, gói tín dụng 125.000 tỉ đồng cho vay ưu đãi phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đã triển khai đúng một năm. Tuy nhiên, thống kê mới đây từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy sau một năm triển khai, kết quả giải ngân gói tín dụng này vẫn rất thấp. Với chủ đầu tư dự án mới giải ngân được 415 tỉ đồng tại 6 dự án, còn người mua nhà hơn 540 triệu đồng tại hai dự án.
Theo đại diện Ngân hàng Nhà nước, nguyên nhân là do nguồn cung nhà ở xã hội còn hạn chế. Hiện mới có 28 tỉnh, thành công bố danh mục nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư.
Tổng cộng mới có 68 dự án được công bố thuộc danh mục vay vốn chương trình này. Ngoài ra, một số dự án còn gặp vướng mắc về mặt pháp lý, giải phóng mặt bằng, thủ tục tính tiền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất. Điều này dẫn tới các ngân hàng chưa có cơ sở để cấp tín dụng cho chủ đầu tư dự án.
Nguyên nhân không chỉ vì phải chịu lãi suất cao 7,5%/năm với thời hạn vay 5 năm, mà còn bởi vì mức lãi suất này bị điều chỉnh 6 tháng/lần và sau thời hạn ưu đãi, ngân hàng sẽ áp dụng lãi suất thỏa thuận, thả nổi. Phía HoREA nhận định người mua, thuê mua nhà ở xã hội đang có tâm lý ngại vay.
Do vậy, HoREA đề nghị Ngân hàng Nhà nước mở rộng thêm hai đối tượng được vay gói 125.000 tỉ đồng bao gồm người mua nhà ở thương mại có giá từ 3,5 tỉ đồng/căn trở xuống và chủ nhà trọ được vay để xây dựng mới hoặc cải tạo, nâng cấp nhà trọ cho công nhân, lao động thuê ở.
HoREA kiến nghị Bộ Xây dựng tiếp tục khôi phục lại gói tín dụng 110.000 tỉ đồng, lãi suất 4,8-5%, thời hạn vay tối đa 25 năm mà Bộ Xây dựng đã đề xuất hồi tháng 2-2023 đối với chủ đầu tư dự án và người mua, thuê mua nhà ở xã hội.
Đồng thời, trong dự thảo Nghị định về phát triển và quản lý nhà ở xã hội cần tăng thêm lợi nhuận định mức lên 15%, thay vì 10% như trước, áp dụng cho doanh nghiệp tự tạo lập quỹ đất.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng được thế chấp bằng chính dự án nhà xã hội khi vay vốn ưu đãi, kể cả vay gói 125.000 tỉ đồng. Bởi hiện nay, chủ đầu tư phải thế chấp bằng tài sản khác mới được vay.
Về phía người mua nhà, vướng bởi quy định đối tượng thụ hưởng còn phức tạp khiến người dân gặp khó khăn khi vay ưu đãi. Các quy định về đối tượng và điều kiện mua nhà ở xã hội vẫn còn hạn chế, khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn khi kinh doanh loại hình này.
Do đó, cần sớm cho áp dụng Luật Nhà ở sửa đổi và ban hành Nghị định về nhà ở xã hội theo hướng tháo gỡ, mở rộng đối tượng được mua, được thuê với điều kiện đơn giản, dễ thực hiện để người nghèo sớm tiếp cận được với các sản phẩm nhà ở xã hội.