Thứ ba, Tháng mười một 26, 2024

Gỗ xuất khẩu xuống dốc

Thùy Dung

Nếu trong những năm trước đây, kim ngạch xuất khẩu gỗ luôn có tốc độ tăng trưởng xấp xỉ 20% thì hiện tại đã không còn được như vậy. Trong ba tháng đầu năm 2015, lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu gỗ có sự sụt giảm đáng kể.

Mặt hàng nào cũng giảm

Tháng 4 năm ngoái, ông A., giám đốc một công ty sản xuất gỗ nội thất tại Bình Định ký được hợp đồng xuất khẩu sang thị trường EU với giá trị khá lớn. Tưởng chừng hợp đồng này mang về lãi to cho công ty nhưng tình hình tỷ giá đột nhiên biến động, đồng euro trượt dài so với đô la Mỹ khiến doanh nghiệp này phải tiết giảm mọi chi phí về nguyên vật liệu, giao lại một phần số lượng đơn hàng cho các doanh nghiệp vệ tinh để tận dụng mặt bằng, nhân công… “Làm như vậy chỉ với hy vọng giữ được khách hàng và làm sao đỡ lỗ vốn thôi chứ chưa nói tới hòa vốn”, ông A. nói.

Nói về trường hợp của ông A., ông Nguyễn Tôn Quyền, Tổng thư ký Hiệp hội Xuất khẩu gỗ và lâm sản Việt Nam (Vifores), cho rằng điều đó nay không còn là hiếm. Những năm trước, tăng trưởng xuất khẩu ngành gỗ tương đối mạnh, trung bình 20% mỗi năm. Nhưng quí 1-2015 vừa qua, tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ giảm trên 6% so với cùng kỳ năm trước.

Việc tổ chức nhiều hội chợ quốc tế nhằm tạo thêm cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu đồ gỗ. Ảnh: Mạnh Tùng
Việc tổ chức nhiều hội chợ quốc tế nhằm tạo thêm cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu đồ gỗ. Ảnh: Mạnh Tùng

Theo ông Quyền, kim ngạch xuất khẩu gỗ ngoài trời sang thị trường châu Âu đang có mức sụt giảm mạnh nhất. Đây là mặt hàng giá trị cao nên kinh tế châu Âu suy thoái kéo theo sức mua giảm. Cụ thể, lượng xuất khẩu sản phẩm gỗ ngoài trời trong quí 1 giảm ở hầu hết thị trường các nước châu Âu. Trong đó, có những thị trường giảm hơn 30% như Hà Lan.

Theo Vifores, gỗ dăm mảnh xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc hiện cũng không khá hơn gì so với sản phẩm gỗ ngoài trời khi liên tục giảm từ đầu năm đến nay. Điều này theo ông Quyền là do các doanh nghiệp nhập khẩu liên tục giảm giá từ mức 138 đô la Mỹ/tấn (loại gỗ dăm mảnh) xuống chỉ còn 120 đô la Mỹ/tấn. Với mức giá này, doanh nghiệp trong nước lỗ nên họ không xuất khẩu nữa. Đồng thời, Chính phủ dự kiến sẽ hạn chế xuất khẩu dăm mảnh bằng việc tăng thuế nên đối tác cũng cân nhắc nhập khẩu hơn.

Đối với sản phẩm gỗ mỹ nghệ được chế tác từ các sản phẩm gỗ quý hiếm, theo Vifores, từ khi Bộ Công Thương có văn bản tạm đình chỉ việc tạm nhập tái xuất gỗ quý hiếm (tháng 12-2014) thì lượng xuất khẩu sản phẩm gỗ mỹ nghệ sang các thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan và Hồng Kông cũng giảm đi rõ rệt.

Ở mặt hàng gỗ viên nén, theo ông Quyền, từ năm 2014 trở về trước nhu cầu nhập khẩu gỗ viên nén (nén từ mùn cưa, từ phôi bào, phế liệu...) của Hàn Quốc rất lớn với giá trị cao. Lúc đó, các doanh nghiệp đua nhau xây nhà máy sản xuất. Tuy nhiên, công nghệ sản xuất (độ khói, độ trắng, độ tro) của Việt Nam không phù hợp với tiêu chí mà phía Hàn Quốc đặt ra nên họ không còn mặn mà với sản phẩm này của Việt Nam. “Nhiều cơ sở sản xuất phải đóng cửa”, ông Quyền nói thêm.

Tìm cách chặn đà giảm

Theo đánh giá của một số lãnh đạo doanh nghiệp thuộc Vifores, nhu cầu nhập khẩu sản phẩm gỗ ngoài trời sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp sản xuất gỗ đang rục rịch xây dựng nhà máy, nhập khẩu máy móc để sản xuất sản phẩm gỗ trong nhà. Nhưng nguồn vốn cũng như lãi suất đang là bài toán khó của doanh nghiệp. Về tỷ giá, ông Quyền cho hay, khó có thể thay đổi và phụ thuộc vào quyết định của Ngân hàng Nhà nước nhưng doanh nghiệp trong Vifores chỉ đề nghị được tiếp cận với chính sách tín dụng xuất khẩu. Đây là chính sách đã ban hành từ lâu nhưng các doanh nghiệp trong ngành gỗ không tiếp cận nổi.

Về nguồn nguyên liệu trong nước, theo Vifores, đây là nguồn gỗ cần thiết giúp giảm được việc nhập khẩu gỗ nguyên liệu. Đơn cử, năm 2014 các doanh nghiệp trong nước đã sử dụng 2 triệu mét khối gỗ cao su và 1 triệu mét khối gỗ phân tán, gỗ vườn. Điều này đã giảm được lượng gỗ nguyên liệu nhập khẩu chỉ còn 4 triệu mét khối so với con số 7 triệu mét khối của năm 2013.

Tuy nhiên, theo đại diện Vifores, cái khó của doanh nghiệp là chứng minh được gỗ trồng là gỗ hợp pháp. “Để gỗ xuất khẩu được sang các thị trường khó tính như Mỹ, EU thì cần phải chứng minh được tính hợp pháp về nguồn gốc của nó”, ông Quyền nói.

Nói về những kiến nghị của Vifores, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Cao Đức Phát cho hay lãi suất cũng như tỷ giá thì ngoài thẩm quyền của bộ. Tuy nhiên, ông Phát cam kết sẽ giải quyết về thông tư chứng minh tính hợp pháp của gỗ cao su và gỗ vườn nhà. “Tôi đề nghị Tổng cục Lâm nghiệp chậm nhất là đến ngày 30-6 tới đây phải ra được thông tư chứng minh được tính hợp pháp của gỗ cao su và gỗ vườn nhà”, ông Phát nói.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Bộ Giao thông vận tải giải ngân 68% vốn đầu tư...

0
(SGTT) - Theo thông tin từ Vụ Kế hoạch Đầu tư (Bộ Giao thông Vận tải), trong 11 tháng của năm 2024, vốn giải...

Những công thức món ăn từ bông cải có hình xoắn...

0
(SGTT) - Bắt nguồn từ ẩm thực Ý, bông cải (hay còn gọi là súp lơ) Romanesco broccoli có tạo hình đẹp mắt với...

Người bán có thể ủy quyền cho sàn TMĐT lập hóa...

0
(SGTT) - Theo công điện mới nhất của Thủ tướng về quản lý thương mại điện tử (TMĐT), Bộ Tài chính được giao nghiên...

‘Tri thức May và Mặc áo dài Huế’ là Di sản...

0
(SGTT) - Vừa qua, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức Lễ đón nhận danh hiệu Di sản...

TPHCM làm tuyến metro Bến Thành – Tham Lương bằng vốn...

0
(SGTT) - Dự án metro Bến Thành - Tham Lương (metro số 2) sẽ được TPHCM triển khai bằng ngân sách thành phố thay...

Thức ăn cay có phải là nguyên nhân gây mụn?

0
(SGTT) - Mụn luôn là một trong những vấn đề da liễu phổ biến nhất, không chỉ ảnh hưởng đến diện mạo mà còn...

Kết nối