(SGTT) - Bên cạnh giá cao thì độ phủ hạn chế được xem là rào cản lớn đối với người tiêu dùng hiện nay trong việc tiêu dùng xanh.
Cuộc khảo sát tiêu dùng xanh 2024 cũng cho thấy bức tranh tiêu dùng xanh trong cộng đồng dân cư còn khá “tối màu”. Ngay tại Hà Nội và TPHCM là hai trung tâm văn hóa, kinh tế lớn cả nước nhưng tỷ lệ người tiêu dùng xanh ở mức độ phổ biến cũng chỉ chiếm khoảng 12% – 18%.
Thông tin trên được đại diện Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất lượng cao - đơn vị thực hiện cuộc khảo sát chia sẻ vào chiều ngày 30-10. Sự kiện trong khuôn khổ cuộc họp thông tin về Vòng Chung kết cuộc thi Khởi nghiệp Xanh – Phát triển bền vững 2024.
Cụ thể, ông Nguyễn Văn Phượng, phụ trách điều tra thị trường của Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao, cho rằng lựa chọn sản phẩm xanh và tiêu dùng xanh chưa phải là ưu tiên hàng đầu của người tiêu dùng hiện nay.
Các rào cản khiến người tiêu dùng chưa "mặn mà" với sản phẩm xanh gồm sản phẩm có giá cao (78%), kế đến là sự sẵn có còn hạn chế, thiếu thông tin định hướng, cũng như chưa có chính sách khuyến khích tiêu dùng xanh.
Ngoài ra, việc người tiêu dùng phàn nàn chất lượng hàng hóa không đúng như cam kết của nhà sản xuất cũng là trở ngại làm giảm lòng tin với đối với sản phẩm xanh trên thị trường (18% người tiêu dùng cho rằng sản phẩm xanh chưa đáp ứng được kỳ vọng của họ).
Rào cản khác là nhận thức của một bộ phận người tiêu dùng còn hạn chế, đặc biệt người tiêu dùng ở nông thôn vẫn chưa có đầy đủ nhận thức về bảo vệ môi trường khi tiêu dùng và mức độ hiểu biết về tiêu dùng xanh còn khá hạn chế (7%).
Khảo sát cũng cho thấy, tỉ lệ người tiêu dùng chọn nơi mua sản phẩm xanh tùy thuộc vào đặc trưng tiêu dùng sản phẩm và mức độ cung ứng tại các kênh phân phối. Trên bình diện chung kết quả khảo sát cho thấy các kênh GT (kênh cung cấp hàng hóa truyền thống) và MT (kênh siêu thị) chiếm tỷ lệ khá tương đồng trong hoạt động cung ứng sản phẩm xanh (67% và 66%). Các kênh online cũng chiếm khoảng 45%.
Cuộc khảo sát được thực hiện theo phương pháp điều tra xã hội học trực tiếp với người tiêu dùng tại Hà Nội, và TPHCM trong hai tháng 8 và 9-2024.
Đối tượng khách hàng chính yếu của các sản phẩm xanh hiện nay là người tiêu dùng độ tuổi từ 31 - 45, trình độ đại học, có nghề nghiệp ổn định và mức thu nhập từ 15 - 30 triệu đồng.
Hiện người tiêu dùng biết đến sản phẩm xanh và tiêu dùng xanh nhiều nhất từ các thông tin qua mạng internet, các nguồn thông tin (kinh nghiệm bản thân, người thân, người bán…) được tiếp cận với tỉ lệ nhất định (dưới 40%).
Thông qua việc tiếp cận các kênh thông tin về tiêu dùng xanh cho thấy, đối với hầu hết người tiêu dùng, vấn đề tiêu dùng xanh vẫn còn khá mới, với tâm thức chưa có nhiều trải nghiệm tiêu dùng nên thông tin trên mạng trở thành nguồn thông tin chủ đạo.
Tuy nhiên, kết quả khảo sát cũng cho thấy, người tiêu dùng trong nước hiện nay có nhận thức và thái độ khá tích cực đối với tiêu dùng xanh, có sự hiểu biết về các khía cạnh cơ bản của khái niệm “tiêu dùng xanh”. 55% người tiêu dùng được hỏi đã chọn mua sản phẩm xanh căn cứ vào: quy trình sản xuất bền vững, có nguồn gốc thiên nhiên, thân thiện môi trường.