Thứ ba, Tháng mười một 5, 2024

Gặp gỡ đầu bếp Gen Z với niềm đam mê ẩm thực Tây Bắc

(SGTT) - Theo nghề bếp từ năm 18 tuổi, đầu bếp Kim Ngọc Lan (sinh năm 2001) hiện đang là quản lý và bếp phó nhà hàng Tây Âu & Beef Kim Ngoc Lan. Dù chỉ bắt đầu nghề bếp trong khoảng bốn năm nhưng chị đã có những thành tích nổi bật.
Đầu bếp Kim Ngọc Lan. Ảnh: NVCC

Chị Ngọc Lan chia sẻ, công việc làm bếp thực sự rất áp lực về mặt thời gian, chị hầu như không có nhiều thời gian cho bản thân và gia đình. Nhưng đã là đam mê nên chị muốn theo đuổi đến cùng, cho đến hiện tại chị vẫn rất yêu nghề. Đặc biệt, đầu bếp Ngọc Lan theo đuổi ẩm thực Tây Bắc bởi mê mẩn những loại gia vị đặc trưng và cách chế biến món ăn độc đáo của vùng đất này.

Mẹ là người truyền cảm hứng

Chị Ngọc Lan đến từ tỉnh Hòa Bình và hiện đang công tác tại Hà Nội. Nói về cơ duyên đến với nghề, chị cho hay, mẹ chính là người truyền cảm hứng và đồng thời cũng là người thầy đầu tiên. Vốn là đầu bếp nên mẹ chị Lan dạy cho con mình cách nấu ăn ngay từ khi còn nhỏ. Thêm đó là những kiến thức về gia vị, nguyên liệu thân quen trong gian bếp. Thế nên, khi chị quyết tâm theo đuổi việc trở thành đầu bếp chuyên nghiệp thì mẹ rất ủng hộ.

“Từ khi học bếp, đi làm và cho đến bây giờ, tôi mới hiểu nghề bếp và mẹ mình đã vất vả như thế nào. Những vết sẹo do dao theo từng tháng năm, hay những ngày trời nắng nóng đổ lửa, mẹ vẫn miệt mài trong bếp suốt hai mươi mấy năm. Đối với người khác, mẹ có thể chỉ là một đầu bếp bình thường nhưng đối với tôi mẹ là 'siêu đầu bếp' nấu ăn ngon”, chị Lan bồi hồi.

Theo đó, đầu bếp Kim Ngọc Lan đã tốt nghiệp lớp Bếp Á tại Trung tâm Đào tạo ẩm thực Sao Mai, một trong những trung tâm lớn ở miền Bắc chuyên về đào tạo ngành bếp; Bếp Âu khóa đào tạo Masterchef tại Copenhagen, Đan Mạch năm 2021. Hiện sau mấy năm theo nghề, chị đang là quản lý và bếp phó tại nhà hàng hợp tác chung với người chị.

Kỷ niệm mà chị Ngọc Lan nhớ nhất trong quá trình thực tập là khóa học đến Đan Mạch khi đang làm việc ở một khách sạn tại Hà Nội. Bếp trưởng là người Đan Mạch đã tổ chức cho các học viên ở bếp đi thực tập bên Đan Mạch để nâng cao nghiệp vụ. Đặc biệt là ông dạy mọi người cách kết hợp giữa ẩm thực Đan Mạch - Việt Nam.

“Trong quá trình thực tập và học hỏi, bếp trưởng có tổ chức một cuộc thi ẩm thực, may mắn là đội tôi (2 người) giành được giải cao nhất. Do thấy tôi năng nổ, người bạn đồng hành đã nhường lại giải thưởng đại diện ẩm thực Việt cho tôi", chị Lan kể.

Không chỉ là thực tập và đi học ở trường, chị Lan còn dành thời gian để tham gia thêm các cuộc thi ẩm thực để trau dồi tay nghề và khẳng định bản thân trong nghề bếp. Trong tất cả những cuộc thi từng tham gia, chị nhớ nhất là cuộc thi "Nữ công gia chánh" bởi đó là cuộc thi ẩm thực đầu tiên chị tham gia. "Lúc đó thi thố tài năng cùng 40 bạn đầu bếp nữ làm tôi khá lo lắng, nhưng cuối cùng tôi đã hoàn thành tốt bài thi của mình và giành giải quán quân", chị cười nói.

Đầu bếp Ngọc Lan với những thành tích trong nghề bếp. Ảnh: NVCC

Với tuổi đời khá trẻ, ít ai biết rằng chị Lan đã phải nỗ lực nhiều để có được những thành tích và vị trí như hiện nay. Theo đó, chị gặp rất nhiều khó khăn vì lựa chọn vừa làm vừa học để nhanh chóng trau dồi bản thân khi mới vào nghề.

Đầu tiên là việc sắp xếp thời gian để cân bằng giữa việc học và làm. Khó khăn thứ hai là không có thời gian cho bản thân và gia đình. Trong khi ở độ tuổi 19-20, nhiều người bạn có thể vui chơi, khám phá trải nghiệm nhưng chị lại dành phần lớn thời gian mài dũa tay nghề trong bếp. Thêm nữa, chị còn dành thời gian học ngoại ngữ để có thể đọc và nghiên cứu ẩm thực với những tài liệu nước ngoài.

Sau đó là những áp lực đặc thù của ngành bếp mà bất cứ đầu bếp nào cũng phải trải qua: đảm bảo món ăn hoàn hảo, làm vừa lòng thực khách, làm việc dưới “sức nóng” của căn bếp khi cao điểm, làm việc tới tận khuya, làm ngoài giờ, những tai nạn nhỏ trong bếp…

Trong những lúc khó khăn nhất, bị bếp trưởng khiển trách trong bếp, chị Lan đã từng nhiều lần muốn bỏ cuộc. Nhưng nhờ được người thân ủng hộ và động viên, chị được tiếp thêm sức mạnh và cố gắng kiên trì vượt qua. Bên cạnh đó, cảm giác vui sướng khi làm hài lòng thực khách sau quá trình học hỏi, tỉ mỉ chế biến được món ngon dù có nhiều vất vả cũng giúp đầu bếp trẻ như chị được tiếp thêm lửa nghề.

Mở nhà hàng riêng năm 22 tuổi

Sinh trưởng từ một vùng đất có nhiều loại gia vị đặc biệt - Tây Bắc, chị Lan có niềm đam mê với ẩm thực mang phong vị nơi đây. “Ẩm thực Tây Bắc có những loại gia vị rất đặc trưng được lấy từ thiên nhiên như hạt dổi, lá và quả mắc mật, mắc khén… Ẩm thực Tây Bắc góp phần tạo nên sự phong phú cho ẩm thực Việt Nam. Tôi đang theo đuổi phong cách ẩm thực kết hợp gia vị Tây Bắc hoàn hảo để cho ra những món ăn phục vụ thực khách”, đầu bếp trẻ chia sẻ về đam mê với gia vị Tây Bắc.

Chị Kim Ngọc Lan bắt đầu làm nghề từ năm 19 tuổi (2019) với vị trí phụ salad. Đến cuối năm thì chị lên vị trí phụ thớt chín. Tháng 10-2021, chị bắt đầu công việc tại chỗ làm mới với chức vụ phụ salad đến cuối năm. Đầu năm 2022, chị giữ chức vụ kiểm kho trưởng salad đến tháng 4-2022. Cũng trong thời gian này, chị đảm nhiệm chức vụ bếp trưởng tạm thời tại nhà hàng Tây Âu & Beef Kim Ngoc Lan chuyên về beefsteak cùng với chủ đầu tư là chị gái Kim Tố Uyên.

Những món ăn đặc sắc do đầu bếp Ngọc Lan chế biến tại nhà hàng hợp tác với người chị. Ảnh: NVCC

Nhà hàng mở vào đầu năm 2022, thời điểm dịch Covid-19 vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp nên đã gặp nhiều khó khăn: doanh thu thấp vì lượng du khách còn ít, nhà hàng đang trong quá trình sửa chữa và cơ cấu lại nhân sự, chưa biết cách thu hút khách hàng…

"Lúc này, tôi và chị gái đã họp lại ban quản lý và bếp để thống nhất lại thực đơn, cho chạy quảng cáo tiếp thị, đến nay đã dần đi vào hoạt động ổn định”, chị Ngọc Lan chia sẻ về khó khăn khi lần đầu mở nhà hàng riêng.

Được biết, hầu hết các món trong thực đơn đều là công thức do chị sáng tạo. Lần đầu kinh doanh có nhiều khó khăn, chị cùng chị gái vẫn giữ vững quyết tâm cùng nhau vượt qua khó khăn để duy trì nhà hàng.

Sau khi thống nhất lại hoạt động nhà hàng và tìm được bếp trưởng mới, chị Lan lui về giữ vị trí bếp phó và tiếp tục ra ngoài đi thực tập và học hỏi thêm kinh nghiệm ở các nhà hàng khác. Đến tháng 2-2023, chị có cơ hội đảm nhiệm chức vụ đứng chảo Âu và check food.

Chị Ngọc Lan nói thêm, nấu ăn là một nghề đòi hỏi sức khỏe, kiên trì và chăm chỉ, tưởng chừng như nữ giới khó có thể theo đuổi lâu dài. Nhưng từ hành trình của mẹ và của chính mình, chị cho rằng, chỉ cần có đam mê và sự kiên trì thì mọi người có thể vượt qua.

Nhìn lại bốn năm theo nghề, đầu bếp Ngọc Lan bộc bạch: “Nghề bếp dường như không ưu ái dành cho các bạn nữ. Có một lần tôi sơ ý bị thương trong khi gọt rau củ, bếp trưởng nói vui rằng, làm nghề bếp mà ngày nào không xước tay thì về buồn không ngủ được. Điều đó cũng cho thấy sự khắc nghiệt của công việc này. Làm bếp rất vất vả, nhưng xa bếp thì tôi rất nhớ. Đến hiện tại, tôi vẫn đam mê, yêu nghề và tiếp tục chinh phục đỉnh cao mới”.

Yến Nhi

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Đầu bếp Trần Trung Hải: ‘Bếp Việt mới là niềm đam...

0
(SGTT) - Chỉ với bếp Việt, đầu bếp Trần Trung Hải mới tìm lại được hương vị xưa, quen thuộc từ những món ăn...

Bếp trưởng Đỗ Xuân Trình: để làm bếp trưởng không chỉ...

0
(SGTT) - Người đầu bếp giỏi không chỉ luôn học hỏi, rèn luyện kỹ năng nấu bếp mà còn phải đặt tâm của mình...

Nghệ sĩ ẩm thực người Anh tạc tượng người nổi tiếng...

0
(SGTT) – Khi nhạc sĩ nổi tiếng người Anh Ed Sheeran sáng tác ca khúc Shape of You, ông cũng không nghĩ đến hình...

Đầu bếp Arturo Rivera Martínez ‘hái sao’ Michelin nhờ món bánh...

0
(SGTT) – Một tiệm bánh nhỏ ở giữa lòng thành phố Mexico vừa được cẩm nang ẩm thực Michelin trao tặng một sao danh...

Đầu bếp Phạm Thị Thiên Hương: Ở bếp bánh mỗi ngày...

0
(SGTT) - Năm 12 tuổi, chị Phạm Thị Thiên Hương đã tự tay làm ra chiếc bánh ngọt đầu tiên. Cứ thế, hành trình...

Nữ đầu bếp người Nigeria và hành trình ‘hái sao’ Michelin...

0
(SGTT) – Mang triết lý ẩm thực Tây Phi ứng dụng vào nhà hàng Chishuru ở giữa lòng thành phố Luân Đôn (Anh Quốc),...

Kết nối