(SGTT) - Với đủ loại sản phẩm và nhiều kích cỡ, màu sắc, hoa văn, gốm Chăm - Bàu Trúc, Ninh Thuận là sự cộng hưởng tài tình giữa kỹ thuật chế tác truyền thống với những sáng kiến tạo hình mới mẻ để cho ra những sản phẩm hợp nhu cầu thẩm mỹ của người tiêu dùng.
Cách thành phố Phan Rang, Ninh Thuận chừng 12km về phía Nam, làng gốm Bàu Trúc (tên tiếng Chăm là Hamu Krok) nay đã được đổi thành là khu phố Bàu Trúc, thuộc thị trấn Phước Dân của huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận.
Đi dọc những con đường lớn, nhỏ tại khu vực này sẽ thấy quang cảnh làng gốm hiện ra khá sinh động. Những phụ nữ tuổi trung niên trở lên ai cũng bận rộn với nghề, kẻ nắn đất sét thành sản phẩm, người vạch hoa văn, tuốt láng, chỉnh sửa sản phẩm bên hiên nhà. Còn nam giới, người lớn tuổi giúp nhồi trộn đất sét, phơi sản phẩm, những trai trẻ lo họa vẽ, gắn các chi tiết trang trí lên sản phẩm.
Những vựa gốm nơi đây vừa tự sản xuất vừa mua thêm sản phẩm từ những lò gốm trong làng để chờ chuyển đi các nơi bán hay chờ khách hàng các nơi đến lấy. Các vựa gốm này có chỗ chứa là hiên nhà trên, nhà dưới và cả ở sân tựa như là những phòng trưng bày, thường có du khách tới tham quan.
Ông Đàng Chí Quyết, trưởng khu phố (làng) Bàu Trúc, cho hay làng gốm này được xếp là một trong ba điểm du lịch làng nghề Chăm của Ninh Thuận.
"Cái độc đáo ở gốm Chăm Bàu Trúc là người thợ gốm ở đây không dùng bàn xoay để tạo hình như ở tất cả các làng gốm của các dân tộc khác mà họ chỉ dùng cái hòn (đòn) kê để đặt khối đất sét lên rồi dùng tay và bước thụt lui nắn để nắn thành sản phẩm, có những sản phẩm rất lớn như chum, vại", ông Quyết nói.
Họ cũng không dùng lò nung kín mà chỉ nung lộ thiên, chất sản phẩm thô (đã phơi xong) thành đống trên mặt đất rồi dùng rơm, lá khô, củi cành phủ lên và đốt nung cho đạt độ chín. “Du khách đến tham quan làng gốm Bàu Trúc là vì cái lạ lẫm này. Lại còn cái lạ nữa là gốm mỹ nghệ ở làng này làm ra cũng khác lạ với gốm mỹ nghệ ở các các nơi”, ông Quyết cho biết thêm.
Một trong những điểm nổi bật của gốm mỹ nghệ Bàu Trúc là trên một sản phẩm lại có được nhiều màu sắc tự nhiên. “Đây là cái bí quyết của thợ Bàu Trúc mình đó”, chị Sử Thị Kiều Lan, một chủ lò, từng đưa hàng gốm của làng mình đi bán ở nhiều nơi, nói.
Người thợ gốm năng động về thị trường gốm này cũng cho hay là các trai trẻ ở làng nay đã tham gia vào làm gốm chứ không như trước đây là chỉ để lớp các mẹ, các chị. Họ làm ra các hàng mỹ nghệ gốm như tháp, tượng, trang trí hình trên sản phẩm.
Thêm một mặt hàng mới của Bàu Trúc được khách hàng thích là gốm hòn non bộ. Một non bộ được gắn lên đó nhiều món nhỏ như lọ, bình, tháp, tượng nhỏ, tạo nên nét đẹp tổng hòa của gốm Chăm, kích thích được sức sản xuất của làng gốm.
Gốm gia dụng Bàu Trúc vài năm nay dần dần được thị trường quan tâm. “Vì nó lợi cho sức khỏe, môi trường. Nếu được khách hàng tiếp tục chiếu cố, mặt hàng truyền thống này bán được khá thì làng nghề mình sẽ phát triển hơn nữa”, chị Kiều Lan nói.
Huỳnh Văn Mỹ