(SGTT) - Bên cạnh những món ăn truyền thống trong dịp Tết thì mọi người có thể ứng dụng thêm củ sâm của Việt Nam để sáng tạo nên mâm tiệc gọn gàng, ngon miệng mà cũng không kém phần thanh mát.
Theo đó, bạn Thanh Ngọc, thành viên group Ăn ngon nấu khéo đã sử dụng sâm bố chính, một loại sâm của Việt Nam với những công dụng tốt cho sức khỏe để làm nên mâm tiệc ba món gồm chả giò nhân sâm tôm thịt, lẩu gà tiềm nhân sâm ớt hiểm và chè sâm bố chính long nhãn hạt sen.
Cùng Sài Gòn Tiếp Thị vào bếp để chiêu đãi người thân, bạn bè những món ăn thanh mát, tốt cho sức khỏe này trong dịp Tết nhé!
Khai vị: Chả giò nhân sâm tôm thịt
Nguyên liệu
- 300g thịt heo xay nhuyễn
- 200g tôm lột vỏ thái hạt lựu
- 150g sâm bố chính bào sợi nhỏ
- 50g nấm đông cô ngâm rửa sạch thái nhỏ
- 20g nấm mèo ngâm rửa sạch băm nhỏ
- 30g miến ngâm mềm thái nhuyễn
- 50g khoai môn bào sợi
- 30g hành tím bằm nhuyễn vắt nước
- 20g ngò thái nhỏ
- 2 bịch bánh tráng pía tươi
- Rau sống ăn kèm: xà lách, rau quế,rau thơm,rắp cá... rửa sạch để ráo
- Nước mắm chấm
Cách làm
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu như đã nêu ở phần nguyên liệu. Cho vào tô nêm gia vị vào nhân chả giò: hạt nêm 10g, bột ngọt 5g, đường 5g, tiêu đen xay 5g, nước mắm 5g. Trộn đều hỗn hợp. Lưu ý: có thể cho thêm nửa quả trứng gà vào hỗn hợp để kết dính tốt hơn trong trường hợp nhân quá khô.
Bước 2: Dùng bánh pía quấn nhân. Có thể dùng 2 bánh để bánh giòn lâu hơn và dùng trứng gà dán các mép bánh lại để khi chiên không bị bung ra. Cuốn đều tay cho chả giò được đều nhau.
Bước 3: Nguyên tắc khi chiên chả giò dầu ăn không được quá nóng sẽ làm bánh cháy bên ngoài, bên trong nhân chưa chín. Dầu ăn ngập chả giò và bỏ vào khi dầu chưa nóng, cho lửa nhỏ để nhân chín.
Bước 4: Sau khi thấy chả giò hơi vàng và giòn lên thì tăng lửa lớn vì khi tăng lửa nhiệt độ tăng cao sẽ làm cho dầu ăn thấm trong chả giò được đẩy ra, giúp chả giò không bị hút dầu mỡ và giòn lâu hơn.
Bước 5: Cách làm nước mắm chấm: 4 muỗng canh đường, 4 muỗng canh nước mắm, 4 muỗng canh nước lọc, 3 muỗng canh nước cốt chanh, 10g tỏi băm, 10g ớt băm (có thể thay ớt hiểm bằng ớt sừng nếu không ăn được cay), 1 ít bột ngọt. Sau đó, trộn điều lên và cho 1 ít cà rốt bào sợi vào. Cho ra đĩa trang trí tùy thích. Cho thêm rau ăn kèm để cuốn chung ăn sẽ không ngán và ngon hơn.
Món chính: Lẩu gà tiềm nhân sâm ớt hiểm
Nguyên liệu
- 1 con gà ta
- 1 gói gia vị thuốc bắc tiềm gà
- 100g sâm bố chính
- 50g củ sen
- 30g hạt sen khô
- 15g nấm đông cô
- 20g muối
- 20g hạt nêm gà
- 1 trái nước dừa tươi
- 1 lít nước
- 50-80g ớt hiểm xanh (tuỳ khẩu vị)
- 300g rau xà lách xoong
- 1 bịch nấm kim châm
Cách làm
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu: Gà tửa sạch chiên qua dầu cho săn da. Sâm bố chính rửa sạch để ráo. Củ sen bào vỏ thái khoanh vừa ăn. Các nguyên liệu khác rửa sạch.
Bước 2: Cho tất cả các nguyên liệu đã sơ chế vào nồi. Cho nước lọc và nước dừa vào đun sôi. Sau đó, cho gà đã chiên vào đun sôi hạ nhỏ lửa, tiềm cho tới khi gà vừa ăn.
Bước 3: Tiếp theo tắt bếp cho ra nồi lẩu cho ớt hiểm vào và nêm thêm gia vị cho vừa ăn. Bỏ gà ra đĩa và xé vừa ăn. Trình bày ra bàn ăn, dùng kèm với rau xà lách xoong + nấm kim châm + mì. Có thể chấm muối tiêu chanh hoặc muối tiêu xanh để dùng kèm.
Tráng miệng: Chè sâm bố chính long nhãn hạt sen
Nguyên liệu
- 80g sâm bố chính
- 100g hạt sen tươi
- 50g củ sen
- 50g long nhãn
- 300g đường phèn
- 5g gừng tươi
- 1,2 lít nước lọc
Cách làm
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu: Sâm bố chính làm sạch thái lát vừa ăn tùy thích. Hạt sen rửa sạch. Củ sen bào vỏ thái khoanh tròn mỏng vừa ăn. Long nhãn rửa sạch ngâm vào nước lọc cho nở ra. Gừng rửa sạch thái sợi.
Bước 2: Cho hạt sen và sâm bố chính và củ sen vào nồi cùng 1,2 lít nước và đun sôi, hạ lửa nhỏ 30 phút. Sau khi sen và sâm mềm thì cho phần long nhãn đã ngâm vào đun sôi lại.
Bước 3: Sau cùng cho đường phèn vào vừa ăn theo khẩu vị sau đó cho gừng vào. Múc ra chén và thưởng thức (có thể ăn nóng hoặc cho đá vào ăn mát).
Thanh Ngọc (Bếp cô Lành)