Hôm qua, ngày 30-11, trong diễn đàn về giải pháp hồi phục du lịch, doanh nghiệp cho rằng, việc áp dụng chính sách không đồng bộ, không nhất quán gây khó khăn cho quá trình phục hồi lĩnh vực kinh tế này. Có doanh nhân bộc bạch: “Doanh nghiệp ‘chưng hửng’ bởi chính sách chống dịch của địa phương”.
- Việt Nam, Thái Lan chuẩn bị trao đổi khách du lịch
- Ngành du lịch toàn cầu tổn thất thêm 2.000 tỉ đô la vì đại dịch Covid-19
Du lịch vẫn đầy khó khăn
Sau gần hai năm hoành hành, đại dịch Covid-19 đã khiến ngành du lịch chồng chất khó khăn. Dù mảng du lịch nội địa đã hoạt động trở lại, mảng du lịch quốc tế bắt đầu thí điểm đón du khách đến bằng hộ chiếu vắc-xin nhưng tình hình chung vẫn u ám.
Theo số liệu tại “Diễn đàn du lịch toàn quốc 2021: Giải pháp phục hồi bền vững du lịch Việt Nam”, trong 10 tháng đầu năm nay, lượng khách du lịch nội địa tiếp tục giảm mạnh, chỉ đạt 32,3 triệu lượt. Khách quốc tế rất ít, chỉ có một ít khách là doanh nhân, chuyên gia nước ngoài còn số du khách đến bằng hộ chiếu vắc-xin hiện chưa đến 1.000 người.
Tổng thu từ khách du lịch trong 10 tháng chỉ đạt khoảng 138.000 tỉ đồng. Đây là sự sụt giảm rất lớn vì vào năm 2020, Covid-19 đã làm tổng thu từ khách du lịch giảm 59% so với năm 2019, chỉ còn 312.200 tỉ đồng. Khách nội địa trong năm 2020 đạt 56 triệu lượt, giảm 34% so với năm trước.
Hiện nay, đa số doanh nghiệp lữ hành, khách sạn vẫn đang đóng cửa. Những nơi có thể mở cửa chỉ hoạt động cầm chừng. Hàng trăm doanh nghiệp lữ hành quốc tế đã rút giấy phép.
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch, tình hình hiện tại rất khó khăn và có thể sẽ còn nhiều khó khăn hơn nữa. Omicron, chắc chắn có ảnh hưởng nên cần có giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp.
Ông cho rằng, cần phải thực hiện 5 giải pháp trước mắt, bao gồm hỗ trợ bằng tiền mặt cho người lao động trong ngành du lịch; xây dựng cơ chế thu hút lại lao động du lịch, hỗ trợ đào tạo và đào tạo lại cho lao động du lịch.
Thêm vào đó là phát triển sản phẩm du lịch mới, khuyến khích doanh nghiệp hợp tác xây dựng sản phẩm, bổ trợ cho nhau; quảng bá du lịch mạnh mẽ trong, quốc tế và ưu tiên tiêm vaccine cho người lao động.
“Trong tháng 12, lần đầu tiên Quốc hội sẽ tổ chức hội nghị về du lịch. Nhân hội nghị này, ngành du lịch cần đề xuất những cơ chế để hồi phục”, ông nói.
Doanh nghiệp khó khăn vì chính sách
Theo hướng dẫn của cơ quan quản lý du lịch, về cơ bản, du lịch chỉ cần giảm công suất là có thể hoạt động trong các cấp độ dịch. Quy định này đi đúng với tinh thần của Chính phủ là “sống chung với dịch” để phục hồi kinh tế.
Tuy nhiên, trên thực tế, do các địa phương có những quy định về phòng, chống dịch khác nhau cộng thêm sự thay đổi đột ngột của các chính sách nên ảnh hưởng rất lớn đến việc hồi phục của doanh nghiệp trong ngành du lịch.
Theo ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Vietravel Holdings, Nghị quyết 128 của Chính Phủ về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 là cần nhưng chưa đủ để doanh nghiệp có thể vận hành liên tục.
Việc quy định cách vận hành đóng, mở dịch vụ theo 4 cấp độ dịch như hiện nay không đồng bộ. “Doanh nghiệp bị chưng hửng bởi chính sách, trung ương chủ trương không “zero covid” nhưng địa phương thì khác cho nên các chính sách thay đổi liên tục làm vô hiệu kế hoạch đầu tư của doanh nghiệp”, ông nói tại diễn đàn.
Việc Hà Nội đưa ra quy định cách ly người từ TPHCM và hủy đột ngột ngay sau đó được doanh nhân này lấy làm ví dụ để cho thấy sự thay đổi thất thường của chính sách chống dịch ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp.
“Phải kỳ công mãi chúng tôi mới có đoàn khách đi Hà Nội – Hà Giang nhưng lại phải hủy vì quy định cách ly, rồi chỉ sau đó một ngày, quy định này lại bỏ. Chính sách thay đổi đột ngột làm du khách lo lắng, sợ đi rồi không về được còn doanh nghiệp thì không dám tiếp tục bán tour dù đã đặt dịch vụ”, ông nói với KTSG Online sau diễn đàn.
Theo ông, tuy Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 128 nhưng địa phương lại có nhiều hàng rào kỹ thuật được dựng lên nên doanh nghiệp không làm được. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần kiến nghị chính sách phòng, chống covid-19 dài hạn và nhất quán.
“Tuy rằng dịch lúc nào cũng có nguy cơ nhưng nếu chính sách cứ “sáng nắng, chiều mưa”, quy định “đóng – mở” thay đổi liên tục thì doanh nghiệp không biết làm cách nào” ông nói.
Theo ông, du lịch là ngành cần sự liên kết rất cao cho nên phải có sự thống nhất trong chỉ đạo, chính sách từ trung ương đến địa phương, tránh tình trạng “cát cứ” giữa các địa phương.
“Phải bảo đảm chính sách không có sự quay xe. Những hàng rào kỹ thuật, những thay đổi liên tục về chống dịch làm doanh nghiệp mất phương hướng”, ông Kỳ nói.
Đào Loan
Theo KTSG Online