“Mấy mối mua hàng của chị mất việc đi về quê hết rồi em ơi”, “bây giờ các bạn công nhân mua sắm tiết kiệm hơn trước nhiều lắm” hay “các bạn lấy hàng ít lại rồi, ngày nào bán hết là mừng ngày đó”… là những câu nói cùng đôi mắt đượm buồn của những chủ hàng quán, những người bán hàng tại các khu chợ “chồm hổm” nằm gần khu công nghiệp, khu chế xuất của TPHCM.
Những ngày cuối tháng 5, phóng viên Kinh tế Sài Gòn Online đã đến và ghi nhận không khí mua bán tại các hàng quán, khu chợ “chồm hổm” gần các công ty TNHH Pouyuen Việt Nam (quận Bình Tân) – nơi đang cắt giảm công nhân với số lượng lớn, các nhà xưởng sản xuất trên đường An Dương Vương, quận 8. Những người buôn bán ở các nơi này cho biết, khung cảnh nhộn nhịp tấp nập của chợ đã không còn như xưa.
Dù là giờ cao điểm tan tầm làm việc nhưng nhiều hàng quán tại đây chỉ lác đác vài người mua, thậm chí có nơi không có khách hàng trong cả buổi chiều.
Chủ một tiệm ăn trên đường Trần Văn Giàu, quận Bình Tân, bộc bạch những khó khăn do buôn bán ế ẩm, khách hàng ngày một ít dần. “Nếu như trước đây, lượng công nhân đi làm nhiều và thu nhập của họ ổn định thì tiệm luôn đông khách vào các giờ cao điểm buổi sáng và buổi chiều. Tuy nhiên, thời gian gần đây tôi luôn rảnh rỗi bởi có khách hàng đâu mà phục vụ”, chủ tiệm than thở.
Trên tuyến đường Trần Văn Giàu (đoạn gần công ty TNHH Pouyuen Việt Nam), khu chợ tự phát của người dân tự mở cũng rơi vào tình cảnh hiu hắt, có lúc trong ngày người bán đông hơn người mua.
Một người bán trái cây ở đây chia sẻ: “Lúc trước, khi hết giờ làm chợ đông đúc lắm. Công nhân đến mua bởi các hàng hóa ở đây có mức giá bình dân. Giờ thì một số người lao động thất nghiệp đi về quê, một số đi nơi khác kiếm việc làm, còn người buôn bán kiểu như tôi thì mất mối hết rồi”.
Đem hàng ra ngoài chợ “chồm hổm” này từ lúc 4 giờ chiều, nhưng đến giờ tan tầm cô Hoa vẫn chưa có khách mua.
Để kịp chuẩn bị cho bữa cơm chiều sau khi tan ca, chị Thùy – công nhân tại công ty TNHH Pouyuen – tranh thủ ghé chợ “chồm hổm” để mua thực phẩm. Chia sẻ với chúng tôi, giọng chị Thùy đượm buồn, do công ty cắt giờ làm, lương cũng không còn cao như trước đây nên gia đình phải tiết kiệm hơn trước, cân nhắc những gì đáng và cần mua. Mỗi tháng, hai vợ chồng chị phải chi các khoản như nhà trọ, tiền ăn uống, đi lại. Để có thể đủ tiền chi tiêu, gia đình phải thắt lưng buộc bụng.
Minh Hoàng - Lê Vũ
Theo Kinh tế Sài Gòn Online