Thứ hai, Tháng mười hai 2, 2024

Đi tìm bản sắc sông Sài Gòn trong quy hoạch TPHCM: Tầm nhìn tương lai cho một dòng sông

A.I
(SGTT) - TPHCM với tốc độ tăng trưởng bình quân 9% mỗi năm luôn được xem là đầu tàu kinh tế của cả nước, là cửa ngõ giao thương giữa các địa phương và quốc tế và là nơi có đóng góp GDP cao nhất Việt Nam. Với vị trí địa lý thuận lợi khi nằm trên trục đường thương mại quan trọng nhất thế giới và được bao quanh bởi một hệ thống sông lớn, thành phố có đủ điều kiện thuận lợi để trở thành một đô thị đáng sống khi có thể dung hòa được các yếu tố kinh tế, xã hội và môi trường.
Sông Sài Gòn cũng được tính là một không gian xanh của thành phố. Ảnh: LÊ VŨ

Sông Sài Gòn xoa dịu những áp lực giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội

Cùng với sự gia tăng dân số và mở rộng đô thị, TPHCM phải đối mặt với những thách thức không nhỏ trong việc cân bằng giữa thúc đẩy kinh tế và duy trì phát triển xã hội bền vững. Tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ mang đến cơ hội lớn, nhưng cũng tạo ra nhiều áp lực cho hệ thống hạ tầng, môi trường và chất lượng sống của người dân. Để đảm bảo phát triển bền vững, thành phố cần có giải pháp nhằm giải tỏa những áp lực cùng vai trò của sông Sài Gòn như một không gian xanh và nguồn tài nguyên tự nhiên quan trọng.

Áp lực đầu tiên phải kể đến đó là vấn đề quá tải về hạ tầng giao thông và nhà ở. Hệ thống giao thông công cộng chưa thể phát huy tối đa trong khi phương tiện di chuyển xe cá nhân vẫn là lựa chọn chủ yếu của người dân dẫn đến tình trạng ách tắc nghiêm trọng. Các dự án giao thông công cộng, như tuyến metro chưa hoàn thiện, khiến áp lực lên hệ thống hiện tại khó được giải phóng.

Giao thông đường thủy thông qua hệ thống sông nước trước đây từng là phương tiện được người dân ưa chuộng nhưng nay lại trở nên yếu thế khi giao thông đường bộ ngày càng phát triển cùng với sự đầu tư cao vào các tuyến đường huyết mạch. Tuy nhiên, nếu nhìn nhận việc di chuyển như một cách để tăng tính trải nghiệm và tham quan thành phố thì việc đi thuyền trên sông Sài Gòn lại có nhiều ưu thế hơn đi đường bộ. Điều này cũng phần nào giải phóng bớt áp lực cho hạ tầng giao thông đường bộ.

Nhu cầu nhà ở tăng cao nhưng giá bất động sản liên tục leo thang khiến người lao động có thu nhập trung bình và thấp gặp khó khăn trong việc sở hữu nhà. Việc không đủ khả năng tiếp cận nhà ở khiến một bộ phận người dân phải sống ở các khu vực ngoại thành với điều kiện hạ tầng kém phát triển. Tại TPHCM hiện có khoảng 100.000 hộ dân sống trong các khu định cư không chính thức với điều kiện dưới chuẩn.

Sự thiếu hụt nghiêm trọng không gian xanh và tiện ích công cộng cho người dân thành phố cũng là một vấn đề xã hội cấp bách. Với tỷ lệ chỉ đạt 0,55 mét vuông không gian xanh trên đầu người, TPHCM nằm trong số các đô thị thiếu không gian xanh nghiêm trọng nhất thế giới. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất mà còn gây căng thẳng tinh thần cho cư dân, đặc biệt trong bối cảnh nhiệt độ đô thị ngày càng tăng và biến đổi khí hậu đang gây ra những hiện tượng thời tiết cực đoan.

Sông Sài Gòn cũng được tính là một không gian xanh của thành phố. Trong bối cảnh diện tích không gian xanh của thành phố đang bị thiếu thốn nghiêm trọng, việc có được một tài nguyên sông nước là lợi thế để cải thiện vấn đề này. Tuy nhiên, việc quy hoạch các khu đô thị quá gần sông, các công trình bê tông hóa quá sát bờ sông đang khiến khả năng tiếp cận hệ sinh thái sông nước của cư dân thành phố bị hạn chế.

Sông Sài Gòn với bài toán kinh tế môi trường trong giai đoạn chuyển đổi xanh

Ở góc độ sinh thái của một dòng sông, điều người ta dễ dàng liên tưởng đến đầu tiên đó là chất lượng nguồn nước sông cung cấp cho các hoạt động sinh hoạt và sản xuất. Tình hình ô nhiễm nguồn nước sông Sài Gòn luôn là vấn đề nghiêm trọng trong một thời gian dài nhưng chưa có biện pháp giải quyết thỏa đáng. Vấn đề quy hoạch hệ thống cung cấp nước và xử lý nguồn nước xả thải đang gây ra các hệ lụy đáng lo ngại cho sức khỏe và chất lượng của các hoạt động kinh tế - xã hội của thành phố.

Tình trạng ô nhiễm, mất vệ sinh ở khu vực lòng và ven sông Sài Gòn không chỉ tác động đến bản thân con sông và vùng phụ cận mà còn gây ảnh hưởng rộng hơn khi sông Sài Gòn được xem như huyết mạch nuôi dưỡng thành phố. Sông Sài Gòn đến với các hoạt động sống thông qua hệ thống kênh rạch được đào rộng dẫn nước sông đi khắp mọi ngõ ngách, cung cấp nguồn nước cho từng hộ dân. Chính vì vậy, nước sông độc hại sẽ dẫn đến tình trạng sức khỏe cư dân cũng bị đầu độc và làm suy giảm các hoạt động sống. Hơn nữa, việc giữ nguồn nước trong sạch cũng giúp duy trì được hệ sinh thái động, thực vật gắn liền với con sông, giúp con sông là một thực thể sống sinh động bên cạnh bối cảnh phát triển còn nhiều bức bối của đô thị.

TPHCM phát triển bền vững cùng sông Sài Gòn

Sau hơn 300 năm phát triển, sông Sài Gòn có vai trò quan trọng trong việc góp phần thúc đẩy thành phố trở thành trung tâm kinh tế lớn nhất nhì cả nước. Tuy nhiên, quy mô kinh tế của TPHCM có khuynh hướng tới hạn khi các nguồn lực đang dần bị bão hòa. Điều này đòi hỏi thành phố phải thay đổi chiến lược phát triển thiên về chiều sâu hơn là chiều rộng.

Cùng với thực trạng đó, bối cảnh thế giới trong thiên niên kỷ thứ 3 cũng có nhiều thay đổi, vấn đề môi trường và xã hội đang ngày càng được quan tâm và các chính sách phát triển bền vững, đảm bảo tiêu chuẩn ESG đang được đẩy mạnh để thay đổi hành vi sản xuất kinh doanh và sự lựa chọn của thị trường. Điều này cho thấy trong giai đoạn sắp tới thành phố cần giảm tốc độ phát triển lại để định vị và thiết lập các mô thức vận hành kinh tế - xã hội phù hợp với bối cảnh mới.

Để góp phần hiệu quả vào hành trình phát triển bền vững của thành phố, sông Sài Gòn có nhiều lợi thế trong việc đóng vai trò cân bằng các yếu tố môi trường, xã hội bên cạnh mục tiêu kinh tế, nhưng để phát huy được điều đó, một số chính sách quy hoạch các không gian ven sông cần được thực hiện theo các nội dung cụ thể như sau:

Phát triển không gian ven sông thành khu vực kinh tế và dịch vụ theo hướng bền vững

Một trong những chính sách quan trọng là quy hoạch và phát triển các khu đô thị ven sông như khu đô thị Thủ Thiêm, tạo thành các trung tâm kinh tế mới nhằm giảm áp lực cho khu vực trung tâm thành phố hiện tại. Với vai trò là trung tâm thương mại và tài chính, các khu đô thị ven sông không chỉ giúp tăng trưởng kinh tế mà còn tạo thêm cơ hội việc làm, thu hút đầu tư trong và ngoài nước. Các trung tâm kinh tế này có thể là trụ sở cho các doanh nghiệp dịch vụ, tài chính, và công nghệ cao, đồng thời khuyến khích phát triển dịch vụ du lịch đường sông, từ đó góp phần tăng doanh thu cho thành phố.

Tuy nhiên, để phát triển bền vững, các dự án cần có những yêu cầu nghiêm ngặt về bảo vệ môi trường và thiết kế hạ tầng xanh. Quy hoạch khu đô thị cần xem xét đến những vấn đề về giao thông, hệ thống cung cấp và xử lý nước thải và khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu. Chính quyền cần thiết lập các tiêu chuẩn về xây dựng bền vững cho các tòa nhà và hệ thống thoát nước, đồng thời khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo. Hơn nữa, các tòa nhà cao tầng, các công trình bê tông cần có quy định cách xa khu vực tiếp giáp dòng sông ở một khoảng cách nhất định để đảm bảo không cắt đứt vai trò sinh thái của sông Sài Gòn với cộng đồng cư dân thành phố.

Thứ hai, là tạo không gian công cộng và tăng diện tích cây xanh cho cư dân. TPHCM hiện có diện tích không gian xanh rất hạn chế so với các đô thị lớn khác, điều này gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và chất lượng sống của người dân. Để giải quyết vấn đề này, chính quyền thành phố cần quy hoạch sông Sài Gòn thành một “trục xanh” cho đô thị, kết hợp phát triển công viên, khu vực đi bộ và không gian sinh hoạt ngoài trời ven sông. Các khu vực công cộng ven sông có thể là nơi tổ chức các hoạt động cộng đồng, từ lễ hội văn hóa, nghệ thuật, thể thao, đến các hoạt động dã ngoại và giải trí.

Bài học từ các đô thị lớn trên thế giới cho thấy việc tăng cường không gian xanh công cộng đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện chất lượng sống và gắn kết cộng đồng.

Tăng cường công bằng xã hội qua các dự án công cộng ven sông

Một yếu tố quan trọng trong chính sách quy hoạch sông Sài Gòn là đảm bảo công bằng xã hội, đảm bảo mọi tầng lớp cư dân đều có quyền tiếp cận không gian ven sông. Các không gian ven sông, bao gồm công viên, quảng trường, khu vui chơi ngoài trời... cần được phát triển theo hướng mở và miễn phí cho cộng đồng. Các dự án công cộng này cần được thiết kế sao cho mọi người dễ tiếp cận, không phân biệt tầng lớp hay khu vực sinh sống.

TPHCM có thể học hỏi từ mô hình công bằng xã hội của Seoul với sông Hàn. Chính quyền thành phố Seoul đã phát triển một hệ thống công viên và không gian công cộng dọc sông Hàn, nơi người dân có thể tham gia vào các hoạt động vui chơi, giải trí, thể thao mà không phải trả phí. Nhờ đó, không gian ven sông Hàn trở thành nơi gặp gỡ, giao lưu cho cộng đồng, giúp tạo ra môi trường sống lành mạnh và văn minh.

Bảo vệ môi trường và tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu

Một phần không thể thiếu trong chính sách quy hoạch sông Sài Gòn là bảo vệ môi trường và phục hồi hệ sinh thái ven sông. Dòng sông có thể trở thành một trục sinh thái, giảm thiểu tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu và giúp thành phố ứng phó với hiện tượng ngập lụt thường xuyên trong mùa mưa. Cần quy hoạch thêm các vùng đệm sinh thái dọc theo dòng sông, phát triển các khu vực cây xanh và vùng ngập nước tự nhiên để tăng cường khả năng hấp thụ nước và giảm thiểu tình trạng ngập úng.

Chính quyền thành phố có thể lấy cảm hứng từ Marina Barrage của Singapore, nơi kết hợp giữa hệ thống hồ chứa nước và vùng đệm sinh thái để điều tiết nước mưa và chống ngập lụt.

Sông Sài Gòn là một tài sản vô giá của TPHCM, không chỉ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy kinh tế mà còn có thể góp phần đáng kể trong việc giải quyết các vấn đề xã hội và môi trường. Trước bối cảnh đô thị hóa nhanh chóng và những thách thức từ biến đổi khí hậu, việc tận dụng và quy hoạch sông Sài Gòn một cách thông minh, bền vững là điều cần thiết. Sông Sài Gòn không chỉ là một dòng chảy tự nhiên mà còn là biểu tượng của sự cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội, là nơi tạo nên không gian sống xanh, lành mạnh và công bằng cho mọi cư dân.

(*) Giám đốc chuyên môn - Viện Nghiên cứu và Đào tạo Tâm Việt - Tâm Việt Education
(**) Giảng viên khoa Quan hệ quốc tế - Đại học UEF

Trần Hương Giang (*) - Huỳnh Hồ Đại Nghĩa (**)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Thông xe cầu Rạch Đỉa, nối quận 7 với Nhà Bè

0
(SGTT) - Cầu Rạch Đỉa rộng 2 làn xe nối Nhà Bè với quận 7 vừa được thông xe sáng nay 28-11. Cầu này...

Bổ sung 150 tỉ đồng cho dự án Vành đai 3...

0
(SGTT) - Theo Sở Giao thông vận tải tỉnh Long An, dự án thành phần 7 đường Vành đai 3 TPHCM (đoạn qua tỉnh...

Dời bãi rác hơn 67.000 tấn chắn ngang cao tốc Cần...

0
(SGTT) - Bãi rác số 8 ở quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ, với khoảng 67.000 tấn rác, nằm chắn ngang cao tốc...

Bộ GTVT nói gì về việc đầu tư 4 nút giao...

0
(SGTT) - Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa có văn bản phản hồi về việc kiến nghị đầu tư 4 nút giao với...

Đi tìm bản sắc sông Sài Gòn trong quy hoạch: ‘Bánh...

0
(SGTT) - Trong nhiều năm quan sát lịch sử hình thành và phát triển của các con sông, các nhà nghiên cứu đã thấy...

Sông Sài Gòn giữa dòng chảy lịch sử và đặc điểm...

0
(SGTT) - Ngay từ thời xa xưa, trong tập quán định cư và sinh hoạt của con người, vai trò của các con sông...

Kết nối