(SGTT) - “Long Covid-19” hay còn gọi là di chứng hậu Covid-19 kéo dài đã gây không ít phiền toái đến sức khoẻ, cũng như đời sống sinh hoạt của người từng mắc Covid-19. Vượt qua giai đoạn này không phải là dễ dàng với những F0 bởi việc hồi phục sau Covid-19 là một quá trình dài và đây còn là vấn đề phức tạp đang được nhiều nhà khoa học trên thế giới nghiên cứu.
- TPHCM có tỷ lệ tiêm vắc-xin Covid-19 đạt trên 100%, liệu có chính xác?
- Thắc mắc mùa dịch: Những di chứng hậu Covid-19 có nguy hiểm không?
- Di chứng sau khi đã điều trị khỏi Covid-19 có đáng ngại?
Điều trị khỏi Covid-19 chưa phải là kết thúc
Lúc phát hiện bản thân là F0 vào giữa tháng 10, chị V., sống tại TPHCM cùng với mẹ chỉ xuất hiện các triệu chứng nhẹ như cảm, ho, sổ mũi… Hai mẹ con chị V., khá may mắn khi sau 5, 6 ngày đã có thể tự cách ly và điều trị tại nhà.
Với kết quả test nhanh âm tính, tưởng chừng như sức khoẻ đã hoàn toàn bình thường nhưng mọi thứ không như tưởng tượng. Sức khoẻ của chị V., đã giảm sút rõ rệt.
Chị V., và mẹ đã cùng nhau đi chụp X-quang để kiểm tra sức khỏe tổng quát nhưng không phát hiện điều gì bất thường ở phổi. Tuy nhiên, sau 2 tháng kể từ khi khỏi bệnh, cô gái này ngày càng gặp nhiều triệu chứng hậu Covid-19.
Thông thường, chị chạy bộ 5-10km là chuyện bình thường nhưng sau mắc Covid-19 chỉ chạy 1km đã bắt đầu đuối sức. Cảm xúc cũng bị thay đổi đi rất nhiều, buồn vô cớ và suy nghĩ tiêu cực.
Bên cạnh đó, chị còn bị chứng mất ngủ, trí nhớ giảm sút. Mẹ của cô gái này cũng bị mất ngủ, kể cả khi uống thuốc cũng không thể ngủ, thị lực cũng kém hẳn. "Những triệu chứng này khiến cho bản thân người từng mắc Covid-19 rất hoang mang", chị chia sẻ.
Thực tế, có không ít người đang gặp phải tình trạng như chị V., rất nhiều người đã tiêm đủ 2 mũi vắc-xin, khi bị nhiễm virus SARS-CoV-2 vẫn tự bình phục nhưng xuất hiện nhiều di chứng. Dù di chứng nhẹ hay nặng, cũng gây ảnh hưởng đến sức khoẻ và đời sống sinh hoạt của người bệnh.
Chị Lê Trang, 24 tuổi, nhân viên văn phòng tại TPHCM, chia sẻ về khoảng thời gian từng là F0 vào giữa tháng 11 mới đây, chị đã chiến đấu vất vả với hậu Covid-19 như thế nào. Sau 1 tuần, chị đã khỏi Covid-19. Tuy nhiên, khi quay trở lại công việc trước đây là một thử thách lớn.
Với chị Trang, di chứng sau Covid-19 là tình trạng bị hụt hơi khi nói và ho liên tục. Đặc thù công việc của người bán hàng là nói chuyện nhiều với khách hàng nhưng giờ đây chị không thể nói dài hơi và phải ngắt quãng. “Không chỉ tôi mà những đồng nghiệp khác từng mắc bệnh cũng chịu nhiều ảnh hưởng như thế”, chị Trang chia sẻ.
Tuy nhiên, may mắn hơn so với các F0 khác là những triệu chứng của chị không quá nặng nề, không tác động tiêu cực đến tâm lý cũng như công việc. Sau hơn 1 tháng khỏi bệnh, chị đã lấy lại được vị giác, khứu giác cũng được cải thiện.
Sự ảnh hưởng từ "cơn ác mộng" hậu Covid-19
Theo một khảo sát từ Bệnh viện Hồi sức Covid-19 (thành phố Thủ Đức) công bố ngày 20-9, cho biết có 53,3% bệnh nhân bị rối loạn lo âu; 16,7% stress và 20% trầm cảm. Những bệnh nhân từng thở oxy với lưu lượng cao, qua mặt nạ hoặc thở ECMO có tỷ lệ trầm cảm và rối loạn lo âu lên tới 66,7%.
Việc điều trị sức khoẻ cho bệnh nhân sau Covid-19 luôn là vấn đề quan trọng không chỉ dừng lại ở việc họ đã hoàn toàn âm tính hay khỏi bệnh, nhất là những vấn đề tâm sinh lý, thần kinh bởi F0 là những đối tượng chịu tổn thương cao từ sau những đợt dịch kéo dài liên tục trong 2 năm vừa qua.
CLB Blueblue với đường dây nóng 1900.9204 (nhánh số 3) được thành lập cùng nhóm các bạn trẻ tại Trường Quốc tế Liên Hợp Quốc Hà Nội, hoạt động 24/7 nhằm tư vấn, tham vấn tâm lý cho đối tượng chính là thanh thiếu niên Việt Nam.
Anh Nguyễn Duy Hiếu, sinh viên ngành tâm lý học tham vấn và lâm sàng, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội, cũng là thành viên quan trọng của CLB Blueblue Hotline, chia sẻ nhận thấy các bạn học sinh, sinh viên gặp rất nhiều khó khăn khi ở nhà cách ly mùa dịch, các thành viên trong câu lạc bộ đã tập hợp với nhau. Tính đến nay, nhóm đã có 30 tình nguyện viên sẵn sàng chia sẻ những vất vả của các bạn để giúp đỡ họ, đặc biệt là những áp lực cuộc sống, học trực tuyến và thi cử.
“You are not alone” (tạm dịch là Bạn không cô đơn) - một câu khẩu hiệu của câu lạc bộ với tiêu chí cùng nhau lắng nghe, sẻ chia để đồng cảm với những đối tượng chịu nhiều ảnh hưởng do Covid-19 gây ra. Từ đó, giúp họ có thể vượt qua tâm lý tự ti và tìm thấy tương lai từ những biến cố cuộc đời.
Có rất nhiều hội, nhóm tham vấn sức khỏe tâm lý được thành lập trong khoảng 2 năm trở lại đây với mục đích giúp họ cải thiện chất lượng cuộc sống tốt hơn trước và sau đại dịch. Câu lạc bộ Blueblue được thành lập không vì mục đích lợi nhuận hay chạy theo xu hướng nhất thời. Những khóa học miễn phí để học thiền, tĩnh tâm, tu dưỡng tâm hồn… như là liều thuốc tốt để nỗi buồn, cảm xúc độc hại từ các bạn trẻ được giải thoát.
Hồi phục hậu Covid-19 cần một thời gian dài. Đó là sự cố gắng đến từ bản thân của các F0, thành viên gia đình, cũng như sự phối hợp của những cơ sở y tế, nhóm công tác xã hội…
Một số di chứng thường gặp hậu Covid-19 (*)
- Khó thở hoặc hụt hơi
- Mệt mỏi hay chóng mặt
- Khó suy nghĩ hay tập trung
- Ho
- Đau ngực hoặc dạ dày
- Tim đập nhanh hoặc đập thình thịch (còn được gọi là trống ngực)
- Tiêu chảy
- Thay đổi tâm trạng
- Thay đổi về vị giác và khứu giác
(*) Nguồn: Trung tâm Quốc gia về Chủng ngừa và bệnh Hô hấp (NCIRD), Phân ban bệnh do virus
Cao Linh
Bài viết trên là một trong số 30 bài thi xuất sắc lọt vào vòng Bán kết Cuộc thi Báo chí DEEP ZOOM do CLB Phóng Viên Trẻ, Khoa Báo chí - Truyền thông, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức. Theo đó, thông điệp của cuộc thi là sự thật phản ánh trên báo chí không chỉ là những gì diễn ra trên bề mặt vấn đề mà người làm báo phải thâm nhập, tìm hiểu để từ đó mang đến những thông tin trung thực nhất cho công chúng.